Tránh để doanh nghiệp 'được vạ thì má đã sưng' vì xem nhẹ rủi ro trong giao thương

Từ bài học mới nhất về đối tác cung ứng điều thô châu Phi 'lật kèo' hay nhiều vụ lừa đảo khi giao dịch xuất nhập khẩu trước đó, sẽ thấy nếu vẫn còn xem nhẹ những rủi ro trong giao thương sẽ chỉ khiến cho doanh nghiệp Việt gặp nhiều bất lợi. Thậm chí, sau các vụ tranh chấp thương mại quốc tế, họ có thể rơi vào cảnh 'được vạ thì má đã sưng' với việc nhà máy đóng cửa vì thiếu nguyên liệu, mất đơn hàng.

Câu chuyện đối tác cung ứng điều thô ở Tây Phi trong các tháng gần đây có biểu hiện “lật kèo” (chỉ nhận được 50% sản lượng điều thô theo hợp đồng thu mua hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng, lấy hàng bán cho người mua khác với giá cao hơn) lúc giá cả tăng vọt, tiếp tục cho thấy đây là bài học cho các doanh nghiệp (DN) Việt vì xem nhẹ rủi ro khi giao thương với những đối tác này.

Bài học từ những vụ “lật kèo”

Tổng cục Hải quan vừa qua đã ghi nhận các kiến nghị của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) xoay quanh chuyện “lật kèo” nêu trên để xem xét xử lý với những trường hợp hàng đã tới cảng, đã đưa vào kho ngoại quan hoặc đang vận chuyển trên biển nhưng đối tác nước ngoài vi phạm hợp đồng đã ký với đối tác Việt Nam. Ngoài ra, cơ quan này sẽ có văn bản kiến nghị Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương về một số vướng mắc liên quan đến chính sách quản lý thuộc thẩm quyền của hai bộ trong các vụ việc “lật kèo” nêu trên.

Trong hoạt động giao thương, mua bán hàng hóa với đối tác ngoại rất cần các DN Việt phải “nhạy cảm” với những tình huống mới phát sinh.

Nhiều ý kiến cho rằng các DN trong nước nên xem xét lại hợp đồng và các điều khoản mua hạt điều từ các đối tác cung ứng điều thô của Tây Phi như thế nào? Nếu trong hợp đồng đã được ghi rõ các điều khoản thì căn cứ theo các cơ sở pháp lý đó mà tiến hành thủ tục khởi kiện đối tác. Ngược lại, nếu như các điều khoản trong hợp đồng còn lỏng lẻo, các DN Việt sẽ khó lòng khởi kiện họ khi “lật kèo”.

Không chỉ có thế, có ý kiến còn ví von khi hoàn tất những vụ kiện tranh chấp thương mại quốc tế như vậy chẳng khác nào như “được vạ thì má đã sưng”, tức là dù cho đối tác nước ngoài có bồi thường thì DN trong nước vẫn gặp tổn thất nặng nề, từ chuyện nhà máy chế biến có thể đóng cửa vì thiếu nguyên liệu cho đến việc mất đơn hàng, mất luôn uy tín khi xuất khẩu.

Thực ra, lâu nay đã có nhiều khuyến cáo các DN Việt là cần thận trọng khi giao thương xuất nhập khẩu với những đối tác nước ngoài kém uy tín. Tuy vậy, vì còn xem nhẹ các rủi ro nên các DN đã phải gánh chịu thiệt hại trước những hành xử thiếu chuẩn mực và gian dối của một số đối tác ngoại.

Như hồi tháng 4/2024, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) đã phát đi cảnh báo về nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo liên quan đến lô hàng nhập khẩu từ thị trường UAE.

Cụ thể, DN Việt Nam đã ký 3 hợp đồng mua 1.000 tấn nhựa PET với đối tác UAE với trị giá 665.500 USD. Thế nhưng, sau khi nhận đặt cọc 526.257 USD, đối tác UAE đã tiến hành giao 25 container hàng cho DN Việt Nam với trọng lượng hàng thực tế trong mỗi container chỉ bằng 15-20% so với hóa đơn chứng từ.

Trường hợp nêu trên càng nối dài thêm số vụ việc DN Việt bị lừa khi giao thương ngày một tăng và xảy ra ở mọi thị trường, từ châu Phi, Trung Đông, Ấn Độ đến các quốc gia phát triển như Mỹ, Hà Lan, Italia…Điều này càng cho thấy việc quản lý rủi ro khi giao thương của các DN nội địa vẫn còn xem nhẹ, kém cỏi. Có những rủi ro hiển hiện nhưng DN vẫn cố chấp làm liều, đến lúc gặp chuyện lại “kêu trời”. Đây cũng là một bài học để các DN Việt cần đẩy mạnh và phát triển thêm các cơ chế quản lý rủi ro cho chính mình, và đừng nên mạo hiểm trước những rủi ro lớn trong giao thương.

Phải “nhạy cảm” trước tình huống mới phát sinh

Tại hội nghị bàn về vấn đề quản lý tranh chấp trong giao dịch ngoại thương hiện thời do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp.HCM (ITPC) phối hợp cùng Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức ở Tp.HCM vào ngày 4/7, luật sư Châu Việt Bắc, Phó tổng thư ký VIAC, đã chỉ rõ trong nhiều năm qua, tranh chấp liên quan đến ngoại thương, mua bán hàng hóa quốc tế luôn dẫn đầu về số lượng các vụ tranh chấp được yêu cầu giải quyết tại VIAC và nhiều trường hợp trong số đó, DN Việt lại đang là bên chịu bất lợi.

Hơn thế nữa, theo ông Bắc, trong các vụ tranh chấp thương mại quốc tế, DN Việt lại không thể bảo vệ được tốt quyền lợi của mình vì có những sơ xuất ngay từ khâu đàm phán và giao kết hợp đồng. Trong khi đó, việc quản trị hợp đồng, quản trị rủi ro trong giao dịch ngoại thương lại cực kỳ quan trọng, cho nên các DN cần hết sức lưu tâm vấn đề này.

Qua những vụ việc tranh chấp thương mại với các đối tác nước ngoài trong thời gian qua, giới chuyên gia khuyến cáo, để giảm thiểu rủi ro trong giao dịch kinh doanh thương mại với đối tác ngoại, các DN cần xem xét kỹ đối với các hợp đồng giá trị lớn, các đối tác tìm kiếm qua mạng.

Đặc biệt là trước khi tiến hành ký kết hợp đồng, DN cần tìm hiểu kỹ thông tin về đối tác, liên hệ các thương vụ Việt Nam ở nước sở tại hoặc kiêm nhiệm để được hỗ trợ thêm thông tin về đối tác. Cùng với đó, DN nên chú ý các điều khoản về chế tài trong hợp đồng ký kết, có tính đến rủi ro có thể phát sinh tranh chấp trong quá trình thực hiện giao dịch.

Bàn về giải pháp hợp đồng cho một số thị trường xuất nhập khẩu trọng điểm và phương thức hạn chế sự chi phối của đối tác trong giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài, luật sư Bùi Văn Thành, Trưởng Văn phòng Luật sư NewSun Law Firm, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho biết qua số liệu thống kê hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt Nam trong năm 2023 và nửa đầu năm 2024 thấy rằng so với các ngành nghề khác, biểu đồ xuất nhập khẩu thường không ổn định do đây là ngành nghề dễ chịu tác động bởi biến động thị trường.

Do đó, luật sư Thành nhấn mạnh để giao dịch được hiệu quả, các DN Việt phải rất “nhạy cảm” với những thay đổi mới, những tình huống mới có thể phát sinh, đặc biệt liên quan đến pháp lý.

Thông qua thực tiễn vụ việc và các thiệt hại mà DN Việt phải gánh chịu, theo ông Thành, các DN Việt cần hiểu rõ tính chất, đặc điểm của hợp đồng ngoại thương, hợp đồng được điều chỉnh bởi văn bản quy phạm pháp luật nào, có tiềm ẩn rủi ro về chính trị, văn hóa hay không.

“Các DN Việt cần tiến hành rà soát, đánh giá về năng lực chủ thể giao kết, điều kiện giao dịch, quy định pháp luật của nước sở tại để chủ động ứng phó với những rủi ro có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng”, vị luật sư này đưa ra lời khuyên.

Đối với hoạt động giải quyết tranh chấp, luật sư Thành lưu ý các yếu tố quan trọng khi quản lý tranh chấp trong giao dịch ngoại thương chính là luật áp dụng và cơ quan giải quyết tranh chấp. Để không chịu thiệt thòi khi phát sinh tranh chấp, các DN trong nước cần hết sức cẩn trọng khi soạn thảo các điều khoản quy định những nội dung trên.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/tranh-de-doanh-nghiep-duoc-va-thi-ma-da-sung-vi-xem-nhe-rui-ro-trong-giao-thuong-1100829.html