Tiếp sức cho sản phẩm OCOP
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh qua đánh giá, đã công nhận 79 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao. Tỉnh đang có chính sách hỗ trợ sản phẩm OCOP để tiếp sức cho việc xây dựng thương hiệu, nâng chất lượng hàng hóa của HTX, người dân, cơ sở sản xuất để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị kinh tế của các đặc sản địa phương.
HTX Sơn Trà, xã Hồng Thái (Na Hang) có chè Shan tuyết 1 tôm 1 lá, chè Shan tuyết Lộc Trà đạt 4 sao, Chè Shan tuyết 1 tôm 2 lá đạt 3 sao. Ông Đặng Ngọc Phố, Phó Giám đốc HTX Sơn Trà cho biết: Trước đây sản phẩm đã có uy tín, được thị trường tin dùng, sau khi đạt OCOP lại càng thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thị trường, đặc biệt là những thị trường khó tính như siêu thị. Giá bán cũng tăng từ 200.000 - 300.000 đồng/kg lên 1,3 triệu đồng/kg. Tới đây, HTX sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm, để sản phẩm đạt 5 sao, mang tầm thương hiệu nông sản quốc gia để giá trị thực sự của cây chè Shan vùng núi cao Hồng Thái không chỉ là đặc sản của Tuyên Quang mà còn là sản vật của đất nước.
Đồng chí Vi Ngọc Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Na Hang, cho biết, huyện có nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm OCOP. Ngoài những hỗ trợ của tỉnh bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm cho 7 sản phẩm, trị giá 700 triệu đồng, Na Hang lồng ghép các Chương trình 30a, 135, nông thôn mới để hỗ trợ sản xuất; tham mưu, mở lớp hướng dẫn về kỹ thuật cho cán bộ chuyên môn, các chủ thể tham gia. Vì thế huyện đã xây dựng 16 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn cấp tỉnh, đạt 200% so với kế hoạch đề ra, trong đó có 4 sản phẩm 4 sao, 12 sản phẩm đạt 3 sao. Để duy trì các sản phẩm OCOP và tiếp tục triển khai các sản phẩm khác, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 với 29 sản phẩm tham gia thẩm định OCOP.
Sản phẩm mật ong hương rừng của HTX Phong Thổ, xã An Khang (thành phố Tuyên Quang) là sản phẩm được tỉnh lựa chọn hỗ trợ làm hồ sơ trình Hội đồng cấp quốc gia đánh giá, phân hạng sản phẩm 5 sao trong năm 2021. Giám đốc HTX Trần Xuân Phong cho biết: Được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, HTX thực hiện đăng ký nhãn hiệu hàng hóa độc quyền cho sản phẩm mật ong Tuyên Quang tại Cục Sở hữu trí tuệ; đăng ký cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh. Năm 2020 sản phẩm “Mật ong hương rừng” được công nhận OCOP 4 sao đã một lần nữa khẳng định chất lượng vượt trội, sản phẩm sản xuất ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó, nhưng chủ yếu xuất bán dưới dạng thô. Nếu sản phẩm mật ong hương rừng của HTX đạt tiêu chuẩn 5 sao sẽ là cơ hội lớn để mật ong của HTX xuất khẩu có thương hiệu nông sản quốc gia, nâng cao thu nhập cho xã viên.
Tiếp sức cho sản phẩm OCOP, ngày 02/6/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 90/KH-UBND về thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (viết tắt là Chương trình OCOP) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, đã xác định một trong những nhiệm vụ chủ yếu là: Phát triển nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu duy trì phát triển, xây dựng thương hiệu đối với 79 sản phẩm đã được chứng nhận năm 2020. Đồng thời tiêu chuẩn hóa 44 sản phẩm đã xếp hạng năm 2020 từ hạng 3 sao để nâng lên hạng 4 sao, 5 sao; tiêu chuẩn hóa 10 sản phẩm tiềm năng 5 sao, lập hồ sơ trình Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp Quốc gia, trong đó phấn đấu đến hết năm 2025 có ít nhất 7 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao (mỗi huyện, thành phố đều có ít nhất 1 sản phẩm hạng 5 sao).
Riêng trong năm 2021, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ phát triển sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng cấp quốc gia đánh giá, phân hạng sản phẩm 5 sao đối với 3 sản phẩm là Chè Shan tuyết 1 tôm 1 lá; Chè xanh Ngọc Thúy; Mật ong hương rừng.
Đồng chí Ngô Tuyết Nhung, Phó Chi cục trưởng Chi cục nông thôn, Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Thực hiện mục tiêu trên bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước về các khâu, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, tín dụng, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm. Yếu tố quyết định là sự vào cuộc tích cực của chủ thể sản phẩm; chủ thể OCOP phải đóng vai trò chủ động trong tổ chức triển khai chu trình OCOP, mở rộng quy mô liên kết, phát triển vùng nguyên liệu, có kế hoạch chi tiết để sản xuất đảm bảo sản lượng ổn định, liên tục; tổ chức sản xuất phải đề cao việc tuân thủ nghiêm các quy định về chất lượng sản phẩm như: Sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo ra sản phẩm đồng đều, có màu sắc, mùi vị phù hợp, hấp dẫn, tạo ra tính độc đáo của sản phẩm; sản xuất theo một trong các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, như: VietGAP/GlobalGAP/hữu cơ/ISO/HACCP. Cùng với đó, tiếp tục phát triển, hoàn thiện hình thức của bao bì sản phẩm đảm bảo thuận tiện, đẹp, sang trọng; xây dựng câu chuyện sản phẩm gắn với lịch sử, truyền thống, văn hóa địa phương…