Tiếp sức cho văn hóa - nghệ thuật

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thế giới chao đảo. Bên ngoài là nguy cơ, con người tìm nơi trú ẩn trong từng căn nhà. Xã hội như một guồng máy, hoạt động sinh tồn ngày đêm, bỗng chốc chậm lại.

Kinh tế chịu tác động mạnh. Văn hóa, di sản cũng lâm vào tình trạng trầm lắng như vậy. Song, trong những thời điểm ấy, nghệ thuật, âm nhạc lại là phương thuốc thần diệu để nâng đỡ tinh thần, làm cho những khó khăn của cuộc sống trở nên bớt nặng nề hơn.

Vượt qua rào cản “giãn cách xã hội”, văn hóa - nghệ thuật vẫn gần bên khán giả. Bao bài ca, điệu nhạc cất lên từ các ô cửa sổ nhà cao tầng, từ những sân khấu, trường quay không khán giả. Các bảo tàng, triển lãm mở cửa dưới hình thức trực tuyến. Sân khấu, điện ảnh cũng không đứng ngoài cuộc khi trình chiếu miễn phí các vở kịch, nhạc kịch, các tác phẩm điện ảnh kinh điển… góp phần tạo nên bầu không khí tích cực, lạc quan xua tan những u ám của dịch bệnh. Hàng tỷ người trên thế giới đã tìm tới văn hóa - nghệ thuật như nguồn an ủi và kết nối. Vai trò của văn hóa thời điểm này quan trọng hơn lúc nào hết. Song cũng chính văn hóa và những nghệ sĩ lại là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất từ chính khủng hoảng do Covid-19 gây ra.

Theo thống kê của UNESCO, trong số 167 quốc gia thành viên có di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 119 quốc gia (chiếm 71%) đã đóng cửa hoàn toàn, 30 quốc gia đóng cửa một phần và chỉ có rất ít quốc gia tiếp tục mở cửa các di sản. Tất cả địa điểm văn hóa - nghệ thuật như nhà hát, rạp chiếu phim, thư viện, bảo tàng, cùng với các di tích lịch sử thường xuyên đón khách tham quan, đều phải đóng cửa, dẫn đến việc hủy bỏ tất cả các sự kiện văn hóa và gây thiệt hại nặng nề nguồn thu nhập của ngành văn hóa - nghệ thuật và lĩnh vực thương mại liên quan, cũng như cho lực lượng lao động.

Tổn thất trên lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật không thể đo đếm được như du lịch, kinh tế. Những con số thống kê về tổn thất chỉ là một phần rất nhỏ của tảng băng chìm, tổn thương về văn hóa - nghệ thuật thường kéo theo những hậu quả nặng nề và lâu dài trong xã hội. Vì thế, chủ động tiếp sức cho văn hóa - nghệ thuật cũng chính là bảo tồn sức mạnh mềm của quốc gia, bảo vệ nền tảng vững chắc của xã hội.

Nhiều nước trên thế giới đã công bố các gói hỗ trợ khẩn cấp, như chính phủ Anh cam kết gói hỗ trợ 130 tỷ bảng (162,4 tỷ USD), Đức hỗ trợ khẩn cấp 50 tỷ Euro (54 tỷ USD); Italy có gói hỗ trợ 130 triệu Euro (141,3 triệu USD)…, cùng đó là nhiều chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật. Tại Việt Nam, Bộ VH-TT-DL đã đề xuất gói cứu trợ riêng cho các tổ chức văn hóa - nghệ thuật, như giảm thuế VAT đối với tất cả các tổ chức văn hóa - nghệ thuật, miễn thuế thu nhập cá nhân năm 2020 - 2021 cho các nghệ sĩ, người thực hành văn hóa - nghệ thuật...; lãi suất ưu đãi đặc biệt cho các khoản vay ngân hàng; hỗ trợ miễn phí, giảm phí cho việc sử dụng các công nghệ hỗ trợ hoạt động truyền thông, hoạt động nghệ thuật trực tuyến cho các tổ chức văn hóa - nghệ thuật... Về lâu dài, ý tưởng thành lập Quỹ hỗ trợ văn hóa - nghệ thuật ứng phó với khủng hoảng (nguồn từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa) cũng được đề xuất xây dựng.

Kỳ vọng với sự vào cuộc nhanh của các nhà quản lý với những khuyến nghị và giải pháp tiếp sức cho lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật phù hợp, nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo và người dân sẽ tiếp tục thưởng thức nhiều sản phẩm văn hóa - nghệ thuật có giá trị ngay cả khi dịch bệnh chưa kết thúc.

MAI AN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tiep-suc-cho-van-hoa-nghe-thuat-659292.html