Tiếp sức học viên trường nghề khởi nghiệp

Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo là vấn đề được nhắc đến khá nhiều trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) thời gian qua. Để thúc đẩy hơn nữa hoạt động này và kết nối đầu tư nhằm hỗ trợ các dự án, ngày 24-11, tại TPHCM, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTB-XH tổ chức hội thảo kết nối nguồn lực hỗ trợ học sinh, sinh viên GDNN khởi nghiệp thời kỳ 4.0.

Thầy và trò Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM trong giờ học chuyên ngành kế toán ngân hàng với mô hình ngân hàng thu nhỏ Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thầy và trò Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM trong giờ học chuyên ngành kế toán ngân hàng với mô hình ngân hàng thu nhỏ Ảnh: HOÀNG HÙNG

Còn tình trạng “cầm tay chỉ việc”

Đến năm 2020, có 90% học sinh, sinh viên (HS-SV) được trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, là mục tiêu được đặt ra trong “Đề án hỗ trợ HS-SV khởi nghiệp đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối tháng 10-2017. Tuy nhiên, đến nay, nhiều HS-SV GDNN chưa hình dung ra “startup” hoặc nghĩ khởi nghiệp rất khó, không dành cho mình. Theo ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp phần mềm Quang Trung (QTSC-TPHCM), nguyên nhân chính do mô hình truyền thống của hầu hết các trường cao đẳng, trung cấp hiện nay là truyền nghề, dạy nghề nên HS-SV chỉ tiếp nhận kỹ năng nghề một cách thụ động. Vì thế, các cơ sở GDNN cần thay đổi tư duy giảng dạy, chuyển từ dạy nghề sang dạy khởi nghiệp, sáng tạo.

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần XNK Nam Thái Sơn, cho rằng, chính sự non trẻ, thiếu kiến thức cơ bản về quản trị, kinh nghiệm kinh doanh, nguồn vốn… khiến nhiều khởi nghiệp thất bại sau 6 tháng, một số khác khó cầm cự được 1-2 năm. Ông Việt Anh khẳng định, đó là do thiếu chuẩn bị. Để khắc phục, HS-SV GDNN ngoài vững kiến thức, chuyên môn nghề thì cần phải học thêm các khóa quản trị kinh doanh; đồng thời tự trang bị cho mình kiến thức cơ bản về quản trị doanh nghiệp.

Ở góc độ cơ sở đào tạo, trong tham luận của mình, PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại, cho rằng, do thời gian đào tạo ngắn (từ 2 đến 3 năm), HS-SV không có nhiều thời gian nghiên cứu sâu về các kiến thức khởi nghiệp, các em chủ yếu tự học hỏi, tìm hiểu, dẫn đến các dự án khởi nghiệp chưa mang lại hiệu quả, khả thi cao. Chưa kể, dù HS-SV có những ý tưởng tốt, nhưng không phải ý tưởng nào cũng có thể triển khai dự án khởi nghiệp thành công.

Đó cũng là tình trạng chung được đại diện các trường cao đẳng, trung cấp trên cả nước nhìn nhận và khẳng định, hầu hết hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp tại các cơ sở GDNN còn hạn chế về mô hình tổ chức; nhận thức của HS-SV, giảng viên và nhà trường chưa cao. Cạnh đó, chuẩn đầu ra của nhiều nghề hiện nay chưa đề cập đến năng lực khởi nghiệp. Các phương pháp đào tạo chưa khuyến khích những hoạt động khởi nghiệp, nhất là khi vẫn còn tình trạng “cầm tay chỉ việc”.

Trang bị những kỹ năng quan trọng

Một tín hiệu vui khi hiện nay, mô hình khởi nghiệp đang được khơi dậy ở rất nhiều cơ sở GDNN với mong muốn hỗ trợ tích cực cho cán bộ, giáo viên, HS-SV thực hiện ý tưởng khởi nghiệp. Các trường đã thiết kế các chương trình bổ trợ hoàn thiện hiểu biết cho người học về đầy đủ lộ trình khởi nghiệp, từ lúc hình thành ý tưởng đến lúc chứng minh được giá trị tính khả thi thị trường; cung cấp cho người học hiểu biết về bức tranh hệ sinh thái, môi trường khởi nghiệp địa phương và trang bị những kỹ năng quan trọng về đào tạo, tư vấn, khai thác các nguồn lực sẵn có để thiết kế ra những hoạt động cho chính đơn vị mình. Các chương trình khởi nghiệp sẽ cung cấp một nền tảng là các hoạt động đào tạo, tập huấn, hỗ trợ khởi nghiệp sẵn có để HS-SV sau khi học, có thể tham gia vào ngay, nhằm trau dồi kiến thức, trải nghiệm của mình.

Ông Hoàng Công Đoàn, Chủ tịch CLB Đầu tư và Khởi nghiệp, chia sẻ, để HS-SV có cái nhìn thực tế về ngành nghề, các trường cần tổ chức hoạt động trải nghiệm tại chính cơ quan, nhà máy, xí nghiệp... Qua đó, HS-SV hiểu được mình đang yếu và mạnh ở những điểm gì, từ đó chính các em quyết định dấn thân, sống bằng nghề mà mình yêu thích. “Đó chính là bước chuẩn bị cho quá trình khởi nghiệp từ ngành nghề mình đã học” - ông Đoàn nhấn mạnh.

Ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN (Bộ LĐTB-XH), cho biết, trong những năm qua, các cơ sở GDNN đã cung cấp hàng triệu lao động cho doanh nghiệp. Đáng mừng, nhiều HS-SV sau tốt nghiệp nghề đã có thể tự tạo việc làm, khởi nghiệp. Nhiều đề án hỗ trợ HS-SV khởi nghiệp đã tạo ra một môi trường khởi nghiệp toàn diện cho người học. Mặc dù vậy, hiện nay vẫn còn một số khó khăn khiến hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp của HS-SV chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Trước thực tế đó, Tổng cục GDNN đã có những hỗ trợ một cách toàn diện cho cơ sở GDNN, để các em có thể khởi nghiệp. Cụ thể, hỗ trợ kết nối với doanh nghiệp huy động vốn, tư vấn giải pháp, huy động kinh nghiệm... Ngoài ra, còn kết nối với các đơn vị khác để huy động sức mạnh giúp HS-SV khởi nghiệp thành công.

Trong khuôn khổ bế mạc ngày hội khởi nghiệp quốc gia HS-SV năm 2020 vào chiều 24-11, Tổng cục GDNN tổ chức trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH tặng 29 đơn vị có thành tích xuất sắc trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho HS-SV GDNN.

QUANG HUY

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tiep-suc-hoc-vien-truong-nghe-khoi-nghiep-699479.html