'Tiếp sức' người dân miền núi Hà Tĩnh ổn định cuộc sống
Những năm qua, huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã linh hoạt lồng ghép các chương trình, ưu đãi về vốn cũng như tích cực hỗ trợ các mô hình sinh kế giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Từng là hộ nghèo nhiều năm liền, chỉ dựa vào 2 sào ruộng, 2 sào ngô để trang trải cuộc sống nhưng từ khi được Hội LHPN huyện Vũ Quang hỗ trợ mô hình sinh kế, gia đình chị Nguyễn Thị Hương ở thôn 5 (xã Thọ Điền) đã có “điểm tựa” để từng bước ổn định cuộc sống.
Chị Hương phấn khởi cho biết: "Trước đây, gia đình tôi thuộc diện khó khăn nhất thôn, tuy nhiên, từ khi được Hội LHPN huyện hỗ trợ bò giống, gà giống và tập huấn kỹ thuật nuôi, giờ đây đời sống đã ngày một khá hơn, thu nhập mỗi tháng từ trồng cây ăn quả, chăn nuôi gà đem về cho vợ chồng tôi khoảng 4 triệu đồng. Nguồn thu nhập này đã giúp gia đình trang trải cuộc sống, thoát được cảnh chạy vạy từng bữa ăn như trước”.
Với nhiều cách làm sáng tạo trong hỗ trợ phát triển kinh tế, Hội LHPN huyện đã tạo điều kiện cho nhiều hội viên đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, Hội LHPN huyện Vũ Quang đã hỗ trợ hội viên thành lập mới 15 mô hình kinh tế cho thu nhập 100 triệu đồng trở lên; 20 tổ hợp tác chăn nuôi gà, trâu bò, lợn, trồng cây ăn quả... cho thu nhập khá. Ngoài ra, các cấp hội cũng đã trao tặng hơn 60 mô hình sinh kế hỗ trợ hội viên vươn lên trong cuộc sống.
Ngoài hội phụ nữ, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn Vũ Quang cũng luôn chăm lo, đồng hành cùng hội viên trong công tác xóa đói giảm nghèo, hình thành các mô hình kinh tế hiệu quả mới.
Năm 2021, chị Phan Thị Tuyết ở thôn Bình Quang, xã Đức Liên được Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Vũ Quang cho vay 50 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, chị đã mở rộng cơ sở ép dầu lạc của gia đình nhằm đáp ứng nhu cầu của bà con trên địa bàn.
Chị Tuyết cho biết: “Tận dụng được nguồn vốn vay của quỹ, giờ đây, cơ sở của tôi không chỉ được mở rộng, tăng công suất ép dầu mà còn góp phần giải quyết việc làm cho 2 lao động thường xuyên. Bình quân mỗi năm, cơ sở của tôi sản xuất, cung cấp ra thị trường gần 10.000 lít dầu lạc; hỗ trợ người dân ép hơn 8.000 lít dầu với tổng doanh thu đạt khoảng 1 tỷ đồng. Cuộc sống gia đình nhờ đó cũng ổn định hơn trước".
Cũng theo chị Tuyết, bằng nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhiều nông dân trên địa bàn đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất để phát triển kinh tế.
Được biết, Hội Nông dân huyện Vũ Quang đang quản lý nguồn vốn của quỹ gần 2,9 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn của Trung ương và của tỉnh gần 2 tỷ đồng; nguồn vốn của huyện 900 triệu đồng.
Bà Trần Hồng Vững - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vũ Quang cho biết: “Toàn huyện hiện có 300 hộ được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để phát triển kinh tế. Qua kiểm tra, đánh giá, hầu hết người dân sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả, chưa để xảy ra tình trạng nợ quá hạn. Đặc biệt, từ khi có nguồn vốn hỗ trợ từ quỹ, những người được vay vốn mở rộng quy mô sản xuất, ngoài giúp tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình còn tạo sự lan tỏa làm kinh tế trên địa bàn, góp phần làm tốt công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện”.
Sự linh hoạt trong việc huy động, lồng ghép các nguồn lực để xây dựng các mô hình kinh tế đã góp phần tạo ra diện mạo mới cho địa phương trên hành trình “giảm nghèo, tăng khá và giàu một cách bền vững”.
Bà Nguyễn Thị Lan - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Vũ Quang cho biết: “Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện đã được triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, toàn huyện còn 466 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,17% (giảm 70 hộ, giảm 0,78% so với đầu năm 2022); hộ cận nghèo còn 490 hộ, chiếm tỷ lệ 5,44% (giảm 102 hộ, giảm 1,13% so với đầu năm 2022). Đặc biệt, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn huyện đã có 52 nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được hoàn thiện và 32 nhà đang khởi công từ nguồn xã hội hóa, nguồn Ban Chỉ đạo 22 tỉnh và huyện hỗ trợ với tổng số tiền hơn 5,8 tỷ đồng”.