'Tiếp sức' thí sinh trước kỳ thi tốt nghiệp THPT

Hôm nay, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước đến các điểm thi làm thủ tục tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Nhằm lưu ý thí sinh những việc cần tránh trong 3 ngày diễn ra kỳ thi, cách làm bài thi để đạt kết quả cao nhất…, ngày 25-6, Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề 'Những lưu ý cho thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024'.

 Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Sài Gòn Giải Phóng Nguyễn Khắc Văn tặng hoa các khách mời tham gia giao lưu trực tuyến, sáng 25-6. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Sài Gòn Giải Phóng Nguyễn Khắc Văn tặng hoa các khách mời tham gia giao lưu trực tuyến, sáng 25-6. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Không mang điện thoại vào phòng thi

Một trong những nội dung được thí sinh và phụ huynh quan tâm nhiều nhất là vấn đề sử dụng điện thoại di động trong 3 ngày diễn ra kỳ thi. Ông Nguyễn Văn Quí, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT TPHCM), cho biết, trong ngày đầu tiên làm thủ tục dự thi, thí sinh có thể mang điện thoại di động vào điểm thi. Tuy nhiên, trong 2 ngày diễn ra các môn thi, thí sinh tuyệt đối không mang điện thoại di động vào phòng thi, kể cả khu vực phòng chờ giữa các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp.

Trong ngày đầu tiên làm thủ tục dự thi, thí sinh không đến làm thủ tục vẫn được tham dự các môn thi, song cần lưu ý mang đầy đủ giấy tờ theo quy định của Bộ GD-ĐT. Trong 2 ngày diễn ra các môn thi, thí sinh đến muộn sau 15 phút kể từ khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được tham dự buổi thi đó. Đối với môn thi trắc nghiệm, thí sinh không được rời khỏi phòng thi trước khi hết thời gian làm bài. Đối với môn thi tự luận, thí sinh có thể rời khỏi phòng thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài.

Trường hợp thí sinh gặp khó khăn trong di chuyển hoặc viết bài thì có thể liên hệ đơn vị đăng ký dự thi (trường THPT thí sinh đang học) và cán bộ coi thi trong ngày đầu tiên làm thủ tục dự thi để được hỗ trợ. Tương tự, thí sinh cần chỉnh sửa thông tin có thể thông báo với cán bộ coi thi trong ngày đầu tiên làm thủ tục dự thi để được hướng dẫn đăng ký điều chỉnh.

Trong các buổi thi, thí sinh có 5 phút đầu giờ kiểm tra tất cả trang giấy của đề thi. Nếu phát hiện đề thi mờ, nhòe, bị mất chữ thì thông báo ngay với cán bộ coi thi để được hỗ trợ đổi đề thi. Để không vi phạm quy chế, thí sinh cần chuẩn bị 2 cây viết cùng màu mực để làm bài thi, không nên dùng 2 màu mực khác nhau cho cùng bài thi. Tất cả điểm thi đều hỗ trợ khu vực giữ đồ cho thí sinh.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, để được công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải có điểm tất cả các bài thi và các môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp đạt trên 1,0 điểm (theo thang điểm 10) và có điểm xét tốt nghiệp từ 5,0 điểm trở lên, đủ điều kiện dự thi và không bị hủy kết quả thi do vi phạm quy chế.

Tránh tâm lý chủ quan

Hiện nay, nhiều thí sinh cho rằng đã trúng tuyển đại học theo phương thức xét tuyển học bạ nên chỉ cần điểm thi tốt nghiệp “chống liệt”. Thầy Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4), cho rằng, thí sinh cần bỏ suy nghĩ này vì sẽ khiến các em giảm động lực, tinh thần trước kỳ thi.

 Thầy trò Trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11, TPHCM) trong giờ ôn tập cho học sinh lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT 2024

Thầy trò Trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11, TPHCM) trong giờ ôn tập cho học sinh lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT 2024

“Kỳ thi tốt nghiệp THPT chính là kết quả phản ánh 12 năm đèn sách của học sinh. Vì vậy, các em cần tập trung cao độ, bình tĩnh, tự tin, tận dụng triệt để thời gian làm bài để đạt kết quả tốt nhất”, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ nhắn nhủ.

Nếu phát hiện quên vật dụng trước giờ mở đề thi, thí sinh không nên quay về mà có thể nhờ cha mẹ, người thân mang đến điểm thi. Thí sinh cần có mặt tại điểm thi trước giờ gọi vào phòng thi ít nhất 30 phút. Sau khi hoàn thành bài thi, thí sinh không nên rời khỏi phòng thi sớm mà hãy kiểm tra lại bài thi.

Trong các ngày diễn ra kỳ thi, thầy Đỗ Đình Đảo lưu ý, thí sinh cần kết hợp ôn tập và nghỉ ngơi hợp lý. Cụ thể, cần duy trì chế độ ăn uống điều độ, không được thức khuya, không nghe những lời dự đoán đề, bói toán, cầu may. Việc ôn tập đã thực hiện trong thời gian dài, do đó đến ngày thi, thí sinh chỉ tập trung xem lại kiến thức cơ bản, trọng tâm, vừa sức. Trước khi đến điểm thi, thí sinh và phụ huynh nên tìm hiểu quãng đường di chuyển, ước lượng thời gian để tránh trường hợp đến điểm thi muộn, gây tâm lý căng thẳng cho thí sinh khi bước vào phòng thi.

Trong thời gian làm bài, cần đọc kỹ đề thi, không vội vàng làm ngay lập tức. Thí sinh nên phân bố thời gian hợp lý cho từng câu hỏi, không nên quá sa đà vào một nội dung dẫn đến mất nhiều thời gian không cần thiết. Đặc biệt, khi làm bài thi các môn trắc nghiệm, thí sinh ưu tiên làm trước các câu hỏi dễ. Nếu xác định chắc chắn đáp án thì tô vào phiếu trả lời trắc nghiệm; nếu do dự thì ghi ra nháp để xem lại sau, làm theo thứ tự từ dễ đến khó.

Nếu không có đáp án thì chấp nhận tô theo xác suất, không nên để trống câu trả lời. Ngày thi đầu tiên rất quan trọng đối với thí sinh về mặt tâm lý vì “đầu xuôi thì đuôi lọt”, do đó các em cần chuẩn bị chu đáo về mọi mặt. Buổi sáng trước khi đi thi nên ăn nhẹ, tốt nhất ăn ở nhà để đảm bảo vệ sinh. Trong quá trình làm bài, các em không nên hoang mang khi thấy các thí sinh khác xin thêm giấy thi mà hãy tập trung vào bài làm của mình, vì không phải viết dài sẽ được điểm cao, quan trọng là chất lượng bài làm.

Tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát

Giải đáp thắc mắc của bạn Nguyễn Hoàng Phúc (Bình Dương) về các thiết bị công nghệ cao có thể được sử dụng trong kỳ thi, ThS Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc Trung tâm marketing và Phát triển thương hiệu, Trường ĐH Công nghệ TPHCM, thông tin, đây là kỳ thi quốc gia nên cả hệ thống chính trị đều vào cuộc nhằm đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, công bằng. Trong đó, các giải pháp phòng chống thiết bị công nghệ cao được tập trung đẩy mạnh, kết hợp sự giám sát của lực lượng công an trong tất cả các khâu chuẩn bị và tổ chức kỳ thi.

“Những cán bộ được chọn phục vụ kỳ thi đều là những người có kinh nghiệm coi thi nhiều năm, nội dung tập huấn tập trung vào các quy định dành cho thí sinh và cán bộ coi thi tại điểm thi. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ giám sát có nhiệm vụ phát hiện sớm những sai sót của thí sinh và cán bộ coi thi để chấn chỉnh, nhằm có một kỳ thi an toàn, đúng quy chế; đồng thời tạo điều kiện cho thí sinh cảm thấy thoải mái, cán bộ coi thi thực hiện tốt nhiệm vụ của mình”, ThS Nguyễn Trần Ngọc Phương cho biết.

 Bộ GD-ĐT kiểm tra công tác chuẩn bị tại một điểm thi trên địa bàn TPHCM. Ảnh: THU TÂM

Bộ GD-ĐT kiểm tra công tác chuẩn bị tại một điểm thi trên địa bàn TPHCM. Ảnh: THU TÂM

Theo TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cần lưu ý các mốc thời gian: từ ngày 18-7 đến ngày 30-7, thí sinh đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD-ĐT; từ ngày 31-7 đến ngày 6-8, thí sinh thanh toán lệ phí xét tuyển của các trường đại học.

Nếu thí sinh chọn một trong các nguyện vọng đã được thông báo trúng tuyển có điều kiện (các phương thức xét tuyển sớm), cần đăng ký nguyện vọng mà mình muốn theo học trên hệ thống của Bộ GD-ĐT (chỉ cần đăng ký một nguyện vọng trong số các nguyện vọng đã được thông báo trúng tuyển có điều kiện). Nếu thí sinh không thực hiện đăng ký nguyện vọng đã trúng tuyển trong thời gian quy định thì xem như không trúng tuyển.

Thí sinh được mang vào phòng thi các vật dụng gồm: bút viết; bút chì; thước kẻ; tẩy chì; êke; thước vẽ đồ thị; dụng cụ vẽ hình; máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlat Địa lý Việt Nam được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác).

Những vật dụng không được phép mang vào phòng thi gồm: giấy than; bút xóa; đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin (thu, phát sóng thông tin, ghi âm, ghi hình) hoặc chứa thông tin để gian lận trong quá trình làm bài thi. Điện thoại di động hay máy tính bảng hoặc bất kỳ thiết bị nào có chức năng thu phát sóng cho dù có tắt nguồn cũng không được phép mang vào phòng thi.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, tổng số thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 trên địa bàn TPHCM là 90.062, trong đó có 74.542 thí sinh THPT, 9.735 thí sinh giáo dục thường xuyên và 5.785 thí sinh tự do. Đối với môn Ngoại ngữ, ngoài môn thi tiếng Anh (73.347 thí sinh đăng ký), TPHCM còn có các ngoại ngữ khác gồm: tiếng Pháp (124 thí sinh), tiếng Trung (176 thí sinh), tiếng Đức (12 thí sinh), tiếng Nhật (76 thí sinh), tiếng Hàn (22 thí sinh). Toàn thành phố có 13.076 thí sinh miễn bài thi Ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp THPT.

- Ngày 26-6-2024: Thí sinh làm thủ tục dự thi tại phòng thi, đính chính sai sót thông tin (nếu có) và nghe phổ biến quy chế thi, lịch thi.

- Ngày 27-6-2024: Buổi sáng thi môn Ngữ văn (120 phút), buổi chiều thi môn Toán (90 phút).

- Ngày 28-6-2024: Buổi sáng thi bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) với tổng thời gian thi 150 phút, mỗi bài thi thành phần 50 phút. Buổi chiều thi môn Ngoại ngữ.

THU TÂM - THANH HÙNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tiep-suc-thi-sinh-truoc-ky-thi-tot-nghiep-thpt-post746273.html