Khi trẻ mồ côi có 'Mẹ đỡ đầu'

Với phương châm 'Ở đâu có trẻ mồ côi, ở đó có mẹ đỡ đầu', Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Thanh Trì đã vận động xã hội hóa để xây dựng kế hoạch hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi.

Những mảnh đời bất hạnh

Căn nhà nhỏ của gia đình em Nguyễn Minh Huyền (SN 2012) ở thôn Cổ Điển B, xã Tứ Hiệp gần 3 năm nay đã đầm ấm hơn bởi sự quan tâm, giúp đỡ của “Mẹ đỡ đầu” là ni sư Thích Đàm Hiếu. Thiệt thòi và kém may mắn hơn bạn bè cùng trang lứa, bố mất khi em chưa đầy 1 tuổi, mẹ của em bị thoát vị đĩa đệm, công việc không ổn định; lại thêm anh trai không may bị vẹo cột sống bẩm sinh, sức khỏe yếu, không thể tham gia lao động. Mặc dù kinh tế gia đình khó khăn nhưng hàng năm, Huyền đều là học sinh giỏi của trường.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Thanh Trì Phạm Nguyên Nhung (áo xanh đậm, thứ 4 từ trái sang) thăm hỏi, tặng quà trẻ mồ côi, khuyết tật tại cơ sở dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Thanh Trì Phạm Nguyên Nhung (áo xanh đậm, thứ 4 từ trái sang) thăm hỏi, tặng quà trẻ mồ côi, khuyết tật tại cơ sở dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa.

Sau khi nắm được hoàn cảnh éo le của 3 mẹ con Huyền, Hội LHPN xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà động viên và đề xuất nhận đỡ đầu cho em từ năm 2021 đến nay, với mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng. Từ đó, cuộc sống của 3 mẹ con bớt chút khó khăn, gia đình Huyền nay có thêm nhiều niềm vui khi em vừa là con ngoan hiếu thảo, lại có thành tích học tập tốt, trở thành tấm gương điển hình tiêu biểu của trường, của xã.

Minh Huyền chia sẻ: “Để được như ngày hôm nay, con may mắn được sự quan tâm của Hội LHPN xã Tứ Hiệp, đặc biệt là mẹ ni sư Thích Đàm Hiếu đã không ngừng động viên tinh thần cũng như giúp đỡ về vật chất để gia đình con có thêm chi phí sách vở, thuốc men”.

Cán bộ Hội LHPN huyện Thanh Trì thăm hỏi, tặng quà Nguyễn Thị Thảo Nguyên, trẻ mồ côi, khuyết tật ở xã Thanh Liệt.

Cán bộ Hội LHPN huyện Thanh Trì thăm hỏi, tặng quà Nguyễn Thị Thảo Nguyên, trẻ mồ côi, khuyết tật ở xã Thanh Liệt.

Trẻ em sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn đã là thiệt thòi, nhưng với trẻ em mồ côi, khuyết tật còn bất hạnh hơn khi các em phải gánh chịu nỗi đau về thể xác và tinh thần. Từ khi sinh ra, em Nguyễn Thị Thảo Nguyên ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì đã phải mang trong mình căn bệnh khó chữa, những ngày tháng nằm nôi của em cũng là những tháng ngày ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà, dù vậy em vẫn chậm phát triển về mọi mặt so với các bạn đồng trang lứa.

Năm 2 tuổi, căn bệnh của Thảo Nguyên được bác sĩ xác định là bệnh đao; cùng năm đó, bố em bị cảm đột ngột và ra đi mãi mãi. Năm em 10 tuổi, không thể vượt qua được khó khăn, mẹ em đã để em ở lại với ông bà nội để đi xây dựng gia đình mới. Số phận trớ trêu hơn khi bà nội Thảo Nguyên mắc căn bệnh ung thư và ông nội mắc bệnh lao phổi. Khó khăn chồng chất, ông bà nội nay đã già yếu lại bệnh tật, không thể lao động, lại không có nhà ở, phải đi ở nhờ hàng xóm xung quanh…

Cảm thông với hoàn cảnh gia đình Thảo Nguyên, Hội LHPN xã Thanh Liệt đã nhận đỡ đầu và thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, chăm sóc cho em với mức hỗ trợ hàng tháng 500.000 đồng/tháng. Cùng với đó, Hội đề xuất UBND, Ủy ban MTTQ xã vận động hỗ trợ vật chất cho ông bà nội của Thảo Nguyên. Hội cũng vận động cán bộ, hội viên và hàng xóm láng giềng cùng chung tay hỗ trợ em và gia đình. Bà Nguyễn Thị Nhàn, bà nội của Thảo Nguyên chia sẻ: “Chương trình “Mẹ đỡ đầu” của Hội LHPN xã Thanh Liệt đã góp phần san sẻ phần nào khó khăn của gia đình, đặc biệt là Thảo Nguyên, đem lại niềm vui cho cháu”.

Cán bộ Hội LHPN huyện Thanh Trì thăm hỏi, tặng quà trẻ mồ côi, khuyết tật Nguyễn Văn Tuấn, xã Liên Ninh.

Cán bộ Hội LHPN huyện Thanh Trì thăm hỏi, tặng quà trẻ mồ côi, khuyết tật Nguyễn Văn Tuấn, xã Liên Ninh.

Đó là 2 trong số hàng trăm trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Thanh Trì. Qua rà soát, thống kê, toàn huyện Thanh Trì hiện có 216 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Từ thực tế đó, Hội LHPN huyện Thanh Trì đã triển khai chương trình tìm “Mẹ đỡ đầu” cho các con mồ côi, kết nối vận động nguồn lực hỗ trợ. Với phương châm "Ở đâu có trẻ mồ côi, ở đó có mẹ đỡ đầu", Hội LHPN huyện đã chỉ đạo mỗi cơ sở hội căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, nguồn lực sẵn có và nguồn vận động xã hội hóa để xây dựng kế hoạch hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi trên địa bàn.

Hạnh phúc khi có “Mẹ đỡ đầu”

Chủ tịch Hội LHPN huyện Thanh Trì Phạm Nguyên Nhung cho biết: “Việc đỡ đầu không chỉ đơn thuần là hỗ trợ vật chất mà mỗi người "Mẹ đỡ đầu" còn là điểm tựa tinh thần của các con trong cuộc sống. “Khi tiếp nhận chủ trương từ Trung ương Hội LHPN Việt Nam, chúng tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng, bởi có thêm một chương trình hỗ trợ trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn; lo vì là một chương trình mới và việc tìm “Mẹ đỡ đầu” đối với một huyện còn khó khăn, trong khi đó số lượng trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn còn nhiều”.

Cán bộ Hội LHPN huyện Thanh Trì thăm hỏi, tặng quà trẻ mồ côi trên địa bàn.

Cán bộ Hội LHPN huyện Thanh Trì thăm hỏi, tặng quà trẻ mồ côi trên địa bàn.

Tuy nhiên, thử thách vẫn không lớn bằng quyết tâm, với sự đồng lòng, đồng sức, các cấp Hội đã nhanh chóng kết nối yêu thương. Ngoài cán bộ, hội viên nhận là “Mẹ đỡ đầu”, thông qua kết nối, nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm cũng tình nguyện hỗ trợ, tham gia. Cứ như vậy, bằng tình thương yêu, sự sẻ chia của cộng đồng, xã hội, thông qua chương trình "Mẹ đỡ đầu" của Hội LHPN huyện Thanh Trì, cuộc đời của nhiều trẻ thiếu may mắn đã bước sang trang mới như thế.

Năm 2021, khi mới triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”, 100% Hội cơ sở đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện nhận đỡ đầu được 35 cháu mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 2 cháu mồ côi do dịch Covid-19. Đến nay, Hội đã kết nối cán bộ Hội, các nhà hảo tâm nhận đỡ đầu được 75/216 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, 35 cháu nhận mức đỡ đầu từ 500.000 đồng/cháu/tháng trở lên; 40 cháu được nhận mức 200.000-300.000 đồng/cháu/tháng; thường xuyên giúp đỡ được 216/216 cháu.

Cán bộ Hội LHPN huyện Thanh Trì thăm hỏi, tặng quà trẻ mồ côi trên địa bàn.

Cán bộ Hội LHPN huyện Thanh Trì thăm hỏi, tặng quà trẻ mồ côi trên địa bàn.

Không chỉ hỗ trợ về vật chất, các “Mẹ đỡ đầu” ở huyện Thanh Trì còn giúp các con có thêm niềm tin, động lực để phấn đấu vươn lên trong học tập và cuộc sống. Các mẹ, các chị dù hoàn cảnh còn trăm bề khó khăn, có mẹ tuổi đã cao, có chị kinh tế chưa mấy dư dả nhưng đều có chung một trái tim nhân hậu, sẵn sàng đón nhận, không những một mà thêm nhiều đứa con, để yêu thương, sẻ chia, đồng hành, giúp các con vững bước trên hành trình đi tới những ước mơ tươi sáng. Những hành động nhỏ nhưng ý nghĩa vô cùng to lớn đó đã và đang lan tỏa, truyền đi thông điệp giúp các em mồ côi được sống trong tình thương yêu của cộng đồng; đồng thời ngày càng tô đậm nét đẹp nhân hậu, nhân văn của người phụ nữ Việt Nam.

Nam Bắc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khi-tre-mo-coi-co-me-do-dau.html