Tiếp thêm động lực cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam
Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô được kéo dài đến hết năm 2027, việc này sẽ giúp tạo động lực mới cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Tạo động lực mới cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam
Ngày 10/02/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 21/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 9 của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
![Tỷ lệ nội địa hóa của nhiều doanh nghiệp ô tô ghi nhận tích cực. Ảnh: VF](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_35_51459648/b61e523765798c27d568.jpg)
Tỷ lệ nội địa hóa của nhiều doanh nghiệp ô tô ghi nhận tích cực. Ảnh: VF
Nghị định 21/2025/NĐ-CP sửa đổi tên Điều 9 và khoản 1 Điều 9 Nghị định số 26/2023/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan như sau:
"Điều 9. Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô đến ngày 31/12/2027 (gọi tắt là Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô).
Quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô (gọi tắt là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ô tô) đến ngày 31/12/2027 (quy định tại Nghị định 26/2023/NĐ-CP là đến ngày 31/12/2024) như sau: Tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, người khai hải quan thực hiện kê khai, tính thuế đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu theo mức thuế suất thuế nhập khẩu thông thường hoặc mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi hoặc mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo quy định, chưa áp dụng mức thuế suất 0%.
Việc áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện của Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7, khoản 8 Điều này".
Nghị định 21/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành (ngày 10/02/2025).
Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô quy định tại Nghị định này được áp dụng đến ngày 31/12/2027.
Doanh nghiệp đã đăng ký tham gia Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô quy định trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành không phải đăng ký lại Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô và được hưởng ưu đãi theo quy định tại Nghị định này.
Giúp doanh nghiệp yên tâm mở rộng quy mô
Trước đó, Bộ Công Thương, Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI), Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã kiến nghị Chính phủ gia hạn Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô đến ngày 31/12/2027, tương đương với khoảng thời gian của chương trình ưu đãi thuế khác trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô.
Kể từ khi Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô được ban hành, theo đánh giá của Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI), các doanh nghiệp thành viên đã ghi nhận những hiệu quả nhất định thông qua việc áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện sản xuất, lắp ráp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Còn theo Bộ Công Thương, những năm gần đây, ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô tại Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Nhiều doanh nghiệp sản xuất ô tô đang mở rộng quy mô, không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước mà còn gia tăng sản lượng xuất khẩu nhờ các chính sách ưu đãi thuế nói chung và Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô nói riêng.
Cụ thể, năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 3,09 tỷ USD linh kiện, phụ tùng ô tô, với các thị trường chính là Nhật Bản và Hoa Kỳ. Trong đó, nhóm linh kiện dây điện chiếm tỉ trọng lớn, đạt khoảng 1,17 tỉ USD, tương đương 38% giá trị xuất khẩu linh kiện ô tô của cả nước, đứng thứ ba thế giới.
Điểm sáng từ Chương trình là sự lan tỏa tích cực đến các ngành phụ trợ, bao gồm sản xuất linh kiện, bảo hành, bảo dưỡng và đặc biệt là hạ tầng phát triển ô tô điện – một lĩnh vực đang dần khẳng định vị thế với những cái tên tiêu biểu như VinFast và Công ty TMT.
Từ năm 2020 đến nay, Bộ Công Thương đã cấp Giấy xác nhận ưu đãi khoảng 40 dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô.
Tính đến ngày 31/5/2024, các doanh nghiệp tham gia Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô đã sản xuất hơn 3,3 triệu sản phẩm, với tổng số thuế hoàn lên đến 116,8 tỷ đồng. Trung bình, mỗi năm số thuế được hoàn khoảng 39 tỷ đồng.
Chính sách ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô trở thành đòn bẩy quan trọng, giúp doanh nghiệp yên tâm mở rộng quy mô, cải tiến thiết bị, đồng thời từng bước tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp ô tô.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc kéo dài Chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô đến ngày 31/12/2027 không chỉ đảm bảo tính nhất quán trong các chính sách ưu đãi mà còn tạo cơ hội cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu hiện đại hóa và hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.