Tiếp thị trung thực: Lá chắn bảo vệ thương hiệu trong kỷ nguyên số
Khi niềm tin người tiêu dùng trở thành 'tài sản sống còn' của thương hiệu, tiếp thị trung thực nổi lên như 'lá chắn' giúp doanh nghiệp bảo vệ giá trị và phát triển.
“Vũ khí sinh tồn” của thương hiệu
Trong kỷ nguyên số và truyền thông đa chiều, niềm tin của người tiêu dùng không còn là điều hiển nhiên mà đã trở thành “vũ khí sinh tồn” của mỗi thương hiệu. Chỉ một sai sót nhỏ, một khủng hoảng truyền thông hay một thông tin sai lệch lan truyền trên mạng xã hội cũng đủ để xóa sạch uy tín được gây dựng qua nhiều năm.
Báo cáo Edelman Trust Barometer cho thấy, 81% người tiêu dùng toàn cầu khẳng định họ cần “tin tưởng vào thương hiệu” trước khi quyết định mua hàng. Tại Việt Nam, nhiều vụ bê bối liên quan đến an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng nhái hay quảng cáo sai sự thật đã khiến không ít thương hiệu lớn lao đao, mất niềm tin từ khách hàng và thị trường.
Đặc biệt, trong các ngành liên quan trực tiếp đến sức khỏe như sữa dinh dưỡng, hậu quả của hàng giả, hàng nhái không chỉ gây hại cho người tiêu dùng mà còn làm suy giảm niềm tin toàn ngành.
Các thương hiệu như Abbott, Nestlé, Mead Johnson hay Care For Vietnam (CFVN) đều từng đối mặt với vấn nạn hàng giả tràn lan. Ông Vũ Hải Dương, Phó tổng giám đốc CFVN nhấn mạnh: “Khi thị trường bị bủa vây bởi hàng giả, không chỉ người tiêu dùng bị tổn thương mà cả doanh nghiệp chân chính cũng bị nghi ngờ và mất niềm tin từ khách hàng và đối tác”.
Tương tự, trong ngành thời trang cao cấp, thương hiệu Nón Sơn đình đám cũng lao đao trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Những sản phẩm kém chất lượng đội lốt Nón Sơn đã làm hình ảnh thương hiệu bị bào mòn, khách hàng dần mất niềm tin khiến doanh số của doanh nghiệp lao dốc.
Trong bối cảnh ấy, tiếp thị không chỉ là công cụ bán hàng mà cần trở thành “lá chắn” bảo vệ giá trị thương hiệu thông qua sự minh bạch, trung thực và cam kết lâu dài. Những chiêu trò quảng cáo hào nhoáng, đánh vào cảm xúc nhưng thiếu giá trị thực đang dần thất thế khi người tiêu dùng ngày càng tỉnh táo, khắt khe hơn.
Niềm tin không thể vay mượn hay mua đứt trong ngày một ngày hai. Đó là thành quả của quá trình ứng xử minh bạch, trung thực và kiên định với giá trị cốt lõi.

Tiếp thị không chỉ là công cụ bán hàng mà cần trở thành “lá chắn” bảo vệ giá trị thương hiệu thông. Ảnh Hoàng Anh
Chính vì vậy, tiếp thị trung thực không chỉ là chiến thuật ngắn hạn mà là chiến lược phát triển bền vững cho mọi thương hiệu trong dài hạn.
Nền tảng vững chắc để xây dựng niềm tin
Tiếp thị trung thực bắt đầu từ việc doanh nghiệp “nói thật” và “làm thật”, được thể hiện qua ba yếu tố cốt lõi là minh bạch, nhất quán và cam kết lâu dài.
Ông Nguyễn Tiến Huy, Tổng giám đốc Pencil Group, đồng sáng lập Vietnam Legacy Branding Center (VLBC) cho biết, tiếp thị niềm tin không chỉ đơn thuần là quảng bá sản phẩm mà là hành trình bền bỉ gieo trồng giá trị, sự chân thật và trải nghiệm đồng nhất để gắn kết cảm xúc với khách hàng.
Trong bối cảnh cơ quan quản lý siết chặt xử lý hàng giả và người tiêu dùng ngày càng khắt khe, doanh nghiệp cần chú trọng hơn vào tính minh bạch và đạo đức kinh doanh. Điều này càng quan trọng đối với những thương hiệu còn non trẻ trong quản trị thương hiệu chuyên nghiệp.
“Việc tiếp thị niềm tin thương hiệu như việc chăm sóc một cái cây với ba tầng liên kết chặt chẽ: gốc rễ là triết lý kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp; thân cây là chiến lược nhận diện đồng bộ và truyền thông minh bạch; tán lá là trải nghiệm khách hàng và giá trị cảm xúc”, ông Huy ví von và cho biết đây chính là kim chỉ nam giúp thương hiệu đứng vững trong thị trường đầy biến động.
Minh chứng rõ nét cho triết lý này là CFVN, thương hiệu sữa dinh dưỡng đã và đang đứng vững trên thị trường nhờ chiến lược tiếp thị trung thực. Mỗi sản phẩm của CFVN được sản xuất và kiểm định nghiêm ngặt tại New Zealand, minh bạch nguồn gốc bằng mã QR, hạn chế quảng cáo thổi phồng mà tập trung vào đào tạo hệ thống bán hàng, cung cấp kiến thức về dinh dưỡng, khoa học cho người tiêu dùng.
Truyền thông của CFVN không phải là “lớp sơn bên ngoài” mà là sự phản chiếu chân thực của văn hóa doanh nghiệp, nơi chất lượng và niềm tin được đặt lên hàng đầu.
Cùng hướng đi này, Nón Sơn cũng chọn cách tiếp thị trung thực để giữ gìn thương hiệu giữa làn sóng hàng giả. Doanh nghiệp không chọn hướng chạy đua quảng cáo sản phẩm của mình mà chủ động hướng dẫn người tiêu dùng cách phân biệt hàng thật – hàng giả, sử dụng công nghệ QR Code chống giả và công khai thông tin, tuyên truyền những vụ việc liên quan đến hàng nhái để bảo vệ quyền lợi khách hàng.
Ông Nguyễn Văn Tý, Giám đốc điều hành Nón Sơn khẳng định: “Chúng tôi chọn chiến lược đi đường dài. Dù kết quả không đến ngay nhưng một khi niềm tin đã được xây dựng, thương hiệu sẽ đứng vững trước mọi sóng gió".
Điểm chung của những thương hiệu này là không chạy theo trào lưu quảng cáo hào nhoáng hay chiêu trò tiếp thị ngắn hạn.
Thay vào đó, họ chọn chiến lược “nói thật, làm thật” để kiến tạo niềm tin từ gốc rễ. Đây là lựa chọn tuy chậm nhưng vững chắc, giúp xây dựng nền móng bền vững để thương hiệu phát triển dài lâu và vững vàng trước mọi biến động thị trường.
Tiếp thị trung thực chính là “lá chắn” kiên cường giúp thương hiệu vững bước trong thế giới nhiều biến động.