TIẾP THU ĐẦY ĐỦ Ý KIẾN ĐẠI BIỂU, HOÀN THIỆN DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ PHƯƠNG ÁN PHÂN BỔ NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG NĂM 2024

Chiều 10/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Chính phủ chưa có phương án phân bổ đối với khoản 2.850 tỷ đồng chi thường xuyên của Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG). Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo các cơ quan phối hợp chặt chẽ, làm rõ về khoản chưa phân bổ này. Theo đó, các cơ quan báo cáo các cơ quan chức năng đã có nhiều văn bản đôn đốc các Bộ, cơ quan chủ CTMTQG.

Tuy nhiên, đến thời điểm tổng hợp báo cáo để trình Quốc hội xem xét, quyết định, một số nội dung, nhiệm vụ thực hiện CTMTQG giao cho các Bộ, cơ quan trung ương thực hiện chưa đầy đủ hồ sơ, thủ tục. Trong tổ chức thực hiện, khi có đầy đủ thủ tục, cơ quan chức năng sẽ phối hợp với các cơ quan chủ Chương trình trình cấp có thẩm quyền phương án phân bổ theo quy định.

UBTVQH cho rằng, các CTMTQG nhằm nâng cao đời sống người dân, nhất là những người yếu thế. Nếu không bố trí khoản chi trên, việc thực hiện các CTMTQG có thể tiếp tục bị chậm trễ, dẫn đến ảnh hưởng đến người dân. Do vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép bố trí 2.850 tỷ đồng chi thường xuyên của CTMTQG và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để phân bổ chi tiết, bảo đảm đúng quy định pháp luật, công khai, minh bạch.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, năm 2024 là năm thứ hai trong thời kỳ ổn định ngân sách 2023-2025. Dự toán chi cân đối NSĐP năm 2024 được xác định trên cơ sở dự toán thu cân đối NSĐP được hưởng theo phân cấp, số bổ sung cân đối từ NSTW cho NSĐP (nếu có) và các chế độ chính sách theo quy định. Tuy nhiên, với dự toán NSNN thu năm 2024 Chính phủ trình Quốc hội, có tới 30/63 địa phương giảm thu cân đối NSĐP 19,2 nghìn tỷ đồng, trong khi khả năng phấn đấu tăng thu là rất khó khăn do đa số là tỉnh điều kiện phát triển kinh tế còn hạn hẹp.

Để tạo sự chủ động của các địa phương và để có thêm nguồn lực đáp ứng các nhiệm vụ chi quan trọng nhằm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn, cần thiết có sự hỗ trợ của NSTW (cả chi đầu tư xây dựng cơ bản và chi thường xuyên); do đó, căn cứ quy định tại khoản 7, Điều 9 Luật NSNN, khả năng cân đối dự toán NSNN năm 2024, tại Báo cáo số 43/BC-CP ngày 21/10/2023 về phân bổ dự toán NSTW năm 2024, Chính phủ đã trình Quốc hội tăng số bổ sung cân đối cho các địa phương 2% so với dự toán năm 2023.

Đồng thời, yêu cầu các địa phương căn cứ điều kiện thực tế và khả năng cân đối của địa phương, địa phương chủ động bố trí cơ cấu chi NSĐP năm 2024 theo nguyên tắc triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tập trung nguồn lực tăng chi đầu tư phát triển, nhằm phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo và các chế độ, chính sách do Trung ương ban hành, yêu cầu địa phương cân đối nguồn thực hiện.

Các tỉnh nhận trợ cấp cân đối từ ngân sách trung ương sẽ khó khăn về nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ chi nêu trên, cần có mức hỗ trợ tăng thêm này. Việc xử lý này tương tự như đề xuất của Chính phủ tăng 2% chi bổ sung cân đối từ NSTW cho NSĐP và đã được Quốc hội quyết định đối với dự toán năm 2019 và năm 2020. Theo đó, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như phương án Chính phủ trình, tăng bổ sung cân đối 2% cho các địa phương. Nội dung này đã được thể tại khoản 2 Điều 1 của Dự thảo Nghị quyết.

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Đối với ý kiến đề nghị cân nhắc phân bổ theo tỷ lệ % số chi theo định mức trên đầu dân số cho các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long theo cả 02 tiêu chí để giảm bớt khó khăn, UBTVQH cho rằng, theo quy định tại Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 của UBTVQH quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022, theo đó, định mức phân bổ được xây dựng lấy tiêu chí dân số là tiêu chí chính chia theo 04 vùng (vùng đặc biệt khó khăn, vùng khó khăn, vùng đô thị, vùng khác còn lại) trong đó đã ưu tiên vùng đặc biệt khó khăn, vùng khó khăn; đồng thời, có nguyên tắc ưu tiên các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long hoặc dân số thấp.

Tuy nhiên, vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều khó khăn về nhiều tiêu chí, việc chỉ được áp dụng 01 tiêu chí có mức cao nhất có thể chưa đáp ứng được nhu cầu của các địa phương. Trong bối cảnh NSNN, nhất là NSTW còn nhiều khó khăn như hiện nay, nhiều nhiệm vụ chi cần được ưu tiên nhưng nguồn lực hạn chế, trước mắt, UBTVQH chưa quy định tại Dự thảo Nghị quyết nội dung này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định khi xây dựng nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách mới tiếp theo để trình UBTVQH xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần rà soát các khoản chi cho hoạt động kinh tế, bảo đảm không trùng lắp với các nhiệm vụ chi đã được phân bổ theo nguồn vốn đầu tư công. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, một trong những nguyên tắc quản lý, sử dụng ngân sách là không được chi trùng để tránh lãng phí nguồn lực. Do vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan cần rà soát các khoản chi cho hoạt động kinh tế, bảo đảm không trùng lắp với các nhiệm vụ chi đã được phân bổ theo nguồn vốn đầu tư công.

Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=82058