Tiếp tục 'bơm' vốn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó

Năm 2022 được xem là năm khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp trong tỉnh, nhưng với sự quan tâm lãnh, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền trong triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là về nguồn vốn tín dụng, đã giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất. Để doanh nghiệp vững tin trong sản xuất, kinh doanh trong năm 2023, Sóc Trăng sẽ tiếp tục 'bơm' vốn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó.

Hơn 1.200 doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay

Đồng chí Phạm Kim Hùng - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong năm 2022, dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đạt 50.969,2 tỷ đồng, tăng 7,1% so với năm 2021, trong đó, có 1.205 doanh nghiệp đang vay vốn ngân hàng, chiếm 29,38% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, với dư nợ cho vay đạt 15.328,7% tỷ đồng, chiếm 30% tổng dư nợ trong toàn tỉnh. Riêng doanh nghiệp nhỏ và vừa có 742 doanh nghiệp đang vay vốn với dư nợ 9.880 tỷ đồng, tăng 2.485 tỷ đồng so với năm 2021 và chiếm 19,4% dư nợ toàn tỉnh. Đặc biệt, thực hiện Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân hàng nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, toàn tỉnh có 4 doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất với doanh số cho vay là 526,2 tỷ đồng, dư nợ đến ngày 31/12/2022 là 286,4 tỷ đồng, với số tiền lãi được hỗ trợ là gần 1,4 tỷ đồng, đạt khá so với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu khảo sát nắm tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong tỉnh. Ảnh: HOÀNG LAN

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu khảo sát nắm tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong tỉnh. Ảnh: HOÀNG LAN

Bên cạnh đó, nhằm chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng trong tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 3.186 khách hàng với dư nợ cơ cấu là 925 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay với số tiền là 469 triệu đồng; nhiều ngân hàng như BIDV Chi nhánh Sóc Trăng cũng thực hiện giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 2,5%/năm, Agribank Chi nhánh Sóc Trăng giảm 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng, Vietcombank Chi nhánh Sóc Trăng giảm 1% lãi suất vào cuối năm 2022. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng đã cho vay phục hồi sản xuất với số tiền là 3.371 tỷ đồng… Sự hỗ trợ, chia sẻ từ các tổ chức tín dụng đã giúp doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh phục hồi, duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19, đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền trong đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh năm 2022 đạt 7,71%, đạt cao nhất trong 10 năm qua.

Sẽ “bơm” vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh

Trong chuyến khảo sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp tháng 1/2023 và buổi họp mặt các doanh nghiệp đầu năm 2023 do Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh tổ chức, nhiều doanh nghiệp cho rằng, năm 2023, dự báo tình hình thế giới sẽ tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường cả về chính trị, kinh tế - xã hội trong khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hoạt động sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 sẽ tiếp tục gặp khó khăn, thách thức, nếu may mắn thì từ quý II năm 2023, hoạt động của doanh nghiệp mới khả quan hơn. Nhưng trước mắt, nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu nguyên liệu đầu vào, đơn hàng sụt giảm, chi phí sản xuất tăng cao, xuất khẩu giảm, nhất là tín dụng bị siết chặt, lãi suất ngân hàng cao… Vì vậy, doanh nghiệp rất cần nguồn vốn với lãi suất thấp hoặc giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Theo một doanh nghiệp thủy sản trong tỉnh, khó khăn hiện nay doanh nghiệp phải đối mặt là lãi suất vay quá cao, cộng thêm gánh nặng các chi phí nguyên liệu, vận chuyển… đã đẩy giá sản xuất tăng cao rất khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại từ các nước khác. Vì vậy, việc giảm lãi suất là rất cần thiết cho doanh nghiệp ngay lúc này.

 Người dân làm thủ tục vay vốn tại điểm giao dịch lưu động của Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: HOÀNG LAN

Người dân làm thủ tục vay vốn tại điểm giao dịch lưu động của Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: HOÀNG LAN

Theo người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Sóc Trăng, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh tại Hội nghị gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp vào đầu năm 2023, đơn vị đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong tỉnh chủ động tiếp cận khách hàng (doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh…) để nắm bắt thông tin và đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn chính đáng của người dân, doanh nghiệp; đồng thời, chủ động gặp gỡ và đối thoại song phương với người có nhu cầu vay vốn để xác định rõ nguyên nhân vì sao không tiếp cận được nguồn vốn, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận tín dụng. Qua đó quyết tâm khơi thông nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, thế mạnh của tỉnh.

Kéo giảm lãi suất cho vay

Đồng chí Phạm Kim Hùng cho biết thêm, năm 2023, tín dụng vào các chương trình kinh tế dự kiến tăng 14 - 15% so với năm 2022 và có sự điều chỉnh theo diễn biến tình hình thực tế. Hiện các ngân hàng được cấp chỉ tiêu tăng trưởng cho vay mới đang gia tăng nguồn vốn cung ứng cho các khoản vay của doanh nghiệp. Tính đến cuối tháng 1/2023, mức lãi suất cho vay ngắn hạn Việt Nam đồng bình quân từ 7,71 - 13,12%/năm, trung và dài hạn bình quân từ 10,86 - 13,85%/năm; lãi suất cho vay USD ngắn hạn bình quân là 5,05%/năm, trung và dài dạn là 6,05%/năm, mức này đã giảm so với những tháng cuối năm 2022. Riêng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng Việt Nam đồng để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ lĩnh vực ưu tiên, áp dụng ở mức tối đa là 5,5%/năm. Và để tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, lãnh đạo các ngân hàng thương mại thống nhất sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay ở tất cả các lĩnh vực trong thời gian tới. Song song đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ trong tháng 2/2023 để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống các ngân hàng thương mại để doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ.

Với quyết tâm khơi thông nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh cùng với cam kết giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng trong thời gian tới, nhất là hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, chắc chắn doanh nghiệp trong tỉnh sẽ được “bơm” thêm vốn với lãi suất phù hợp, tiếp thêm nguồn lực để doanh nghiệp đủ sức ứng phó và vượt qua nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.

HOÀNG LAN

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/tiep-tuc-bom-von-dong-hanh-cung-doanh-nghiep-vuot-kho-63340.html