Tiếp tục chủ động, linh hoạt, sáng tạo, bám sát thực tiễn để lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19
Sáng 29-5, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa cùng các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Tham dự tại điểm cầu Thanh Hóa có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Lê Tiến Lam, Giám đốc Sở Công thương; Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan; các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 6h ngày 29-5-2021, tổng số trường hợp mắc COVID-19 trên cả nước là 6.657 trường hợp, trong đó có 5.164 trường hợp ghi nhận trong nước và 47 trường hợp tử vong. Riêng đợt dịch thứ 4, tính từ ngày 27-4-2021 đến 6h ngày 29-5-2021 ghi nhận 3.805 trường hợp, trong đó có 3.594 trường hợp ghi nhận trong nước (94,5%), 211 trường hợp nhập cảnh (5,5%) và ghi nhận 12 trường hợp tử vong. Số trường hợp được điều trị khỏi trong đợt dịch này là 182 trường hợp, hiện đang điều trị 3.611 trường hợp.
Tính đến thời điểm hiện tại đã có 8 địa phương qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, gồm: Yên Bái (32 ngày), Đồng Nai (24 ngày), Quảng Ngãi (23); Nghệ An (22 ngày), Quảng Ninh (20 ngày), Quảng Nam (19 ngày), Quảng Trị (18 ngày) và Thừa Thiên Huế (16). 25 tỉnh, thành phố ghi nhận 3.578 ca mắc từ ngày 27-4-2021 đến nay. Trong đó, 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số ca mắc cao gồm: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng và Vĩnh Phúc. Các trường hợp mắc mới hầu hết là tiếp xúc gần (F1) đã được cách ly từ trước hoặc trong khu vực đã phong tỏa.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo công tác phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh chụp màn hình)
Theo Bộ Y tế, tại tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang dịch bệnh diễn biến phức tạp, dịch bùng phát với số mắc cao dự báo lây lan trong các khu công nghiệp và ra cộng đồng. Các trường hợp mắc mới sẽ tiếp tục được ghi nhận do nguồn lây tồn tại trong thời gian dài, phạm vi rộng, nhưng cơ bản tình hình dịch bệnh tại hai địa phương này đang từng bước được kiểm soát. Các trường hợp mắc COVID-19 hầu hết đã được cách ly từ trước hoặc được phát hiện trong khu vực phong tỏa.
Bên cạnh đó một số địa phương, đặc biệt tại các đô thị tập trung đông người như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có thể vẫn tiếp tục ghi nhận các ổ dịch rải rác, các chùm ca bệnh trong cộng đồng do có nhiều nguồn lây từ các ổ dịch cũ hoặc từ các địa phương khác, các nguồn lây nhập cảnh từ nước ngoài chưa được phát hiện.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, đợt dịch lần này diễn biến rất phức tạp, khả năng bùng phát cao, bởi biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 lây lan nhanh, phát tán rộng trong không khí. Đặc biệt, nguy cơ bùng phát lây nhiễm dịch bệnh trong các khu công nghiệp là rất lớn. Do vậy, các cấp, các ngành, các địa phương phải luôn chủ động, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, chuẩn bị đầy đủ các kịch bản ứng phó với dịch bệnh trong mọi tình huống có thể xảy ra, nhất là kịch bản phòng, chống dịch trong các khu công nghiệp.
Các khu công nghiệp cần đưa mục tiêu phòng, chống dịch lên hàng đầu; có phương án thực hiện giản cách trong sản xuất; làm tốt công tác quản lý công nhân ngay tại nơi làm việc và nơi cư trú; thực hiện xét nghiệm sàng lọc thường xuyên đối với các đối tượng có nguy cơ.
Các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch; sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm, hóa chất theo phương châm 4 tại chỗ; sẵn sàng các phương án về cơ sở cách ly, cơ sở điều trị để có thể tiếp nhận số lượng lớn các trường hợp cách ly, các trường hợp mắc bệnh; nâng cao năng lực xét nghiệp trên địa bàn.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, công tác xét nghiệm có vai trò hết sức quan trọng, nhiệm vụ này nếu được triển khai sớm, nhanh, kịp thời sẽ góp phần kiểm soát tốt dịch bệnh.
Các điểm cầu tham dự hội nghị.
Trước nhận định cũng như diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh hiện nay, tại hội nghị các đại biểu đã tập trung thảo luận bàn các giải pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới; chia sẽ khó khăn, thách thức, kinh nghiệm và thể hiện quyết tâm cao trong việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để sớm chiến thắng, đẩy lùi dịch, bệnh COVID-19.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương lực lượng tuyến đầu như y tế, quân đội, công an, các địa phương có dịch đã vào cuộc tích cực, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch. Đồng thời phân tích, làm rõ những nguyên nhân, giải pháp, bài học kinh nghiệm trong phòng, chống dịch thời gian qua.
Thủ tướng nhấn mạnh: Mục tiêu đặt ra lúc này và trên hết là làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân; kiềm chế đầy lùi, kiểm soát và dập tắt dịch bệnh đang bùng phát, nhất là các địa phương, địa bàn trọng điểm như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các khu công nghiệp. Cùng với đó tiếp tục tập trung cho phát kinh tế - xã hội, bảm đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, an dân; tổ chức tốt việc kết thúc năm học 2020-2021.
Tinh thần chỉ đạo trong phòng, chống dịch của Chính phủ là “chống dịch như chống giặc”, đặc biệt tại thời điểm này phải tổng tiến cộng một cách toàn diện, toàn lực, thần tốc, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa trong toàn hệ thống chính trị và trong toàn dân để khoanh vùng, dập dịch, ổn định tình hình.
Phát huy những kết quả đạt được trong các đợt chống dịch lần trước và những kết quả bước đầu trong phòng, chống dịch đợt này tiếp tục chủ động, linh hoạt, sáng tạo, bám sát thực tiễn để lãnh đạo, chỉ đạo; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; huy động mọi nguồn lực trong phòng, chống dịch; tổ chức thực hiện hiệu quả, quyết liệt; đẩy mạnh tuyên truyền vận động và lấy người dân làm trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị.
Cùng với đó, phải nắm chắc dự báo tình hình, kết hợp lại hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công, nhưng phải lấy tấn công là chính, là đột phá, phòng ngừa là cơ bản, chiến lược, thường xuyên, lâu dài. Không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi chưa có dịch, không lo sợ, hốt hoảng, mất bình tĩnh, thiếu kiên trì, thiếu bản lĩnh khi có dịch dẫn đến các quyết định không phù hợp, kém hiệu quả.
Từng cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân, nhất là người đứng đầu trên mọi cương vị công tác trong hệ thống chính trị phải phát huy cao độ tinh thần, trách nhiệm, tinh thần yêu nước, tất cả vì Nhân dân. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, căn cứ vào chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chính phủ… vận dụng sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả trong phòng, chống dịch. Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, khuyến khích đổi mới sáng tạo linh hoạt, chủ động trong phòng, chống dịch; tăng cường kiểm tra giám sát, song phải phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm để dễ theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá.
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, những cách làm hay, hiêu quả bổ sung vào giải pháp phòng, chống dịch, trong đó coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho người dân để người dân biết, người dân hiểu và cùng làm, cùng bàn bạc cùng thụ hưởng kết quả phòng, chống dịch mang lại.
Mỗi người tự bảo vệ mình tức là bảo vệ cộng đồng, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc. Trong lúc khó khăn, phức tạp phải lấy đó làm động động lực phấn đấu vươn lên, khẳng định ý chí dân tộc trên tinh thần đoàn kết, đại đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, cũng cần xử lý nghiêm tư tưởng, hành động, biểu hiện lợi dụng việc phòng, chống dịch để chống phá, gây mất trật tự, gây hoang mang trong Nhân dân.
Về nhiệm vụ giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Công tác chỉ đạo, lãnh đạo phải bám sát tình hình, đưa ra giải pháp kip thời, nhanh chóng, hiệu quả để thực hiện.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, khôi phục sản xuất ở các địa bàn trọng điểm như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phân công nhiệm vụ cho các cá nhân trong phòng, chống dịch trên tinh thần chặt chẽ, hiệu quả. Vừa làm vừa hoàn thiện các thể chế, quy định, quy trình phòng, chống dịch một cách căn cơ, bài bản có hệ thống, không nóng vội, không bị động, lúng túng.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm với phương châm “3 không” - không nói thiếu tài chính, không nói thiếu nguồn nhân lực, không nói thiếu cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất. Bằng mọi biện pháp, khả năng tiếp cận các nguồn vắc - xin để triển khai tiêm phòng cho người dân. Tuyên truyền tổ chức việc tiêm vắc - xin theo thứ tự ưu tiên cho các lực lượng, các địa bàn trọng điểm. Làm tốt công tác phòng, chống từ xa, từ trước khi có dịch với phương châm “5 K + vắc - xin + công nghệ”. Ban Quản lý các khu công nghiệp, chủ doanh nghiệp tập trung bảo vệ sức khỏe cho công nhân, người dân.
Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị tác động bởi dịch, bệnh COVID-19; kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập cảnh và cư trú trái phép; huy đông mọi nguồn lực hợp pháp cho phòng, chống dịch, nhất là việc mua vắc - xin.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kêu gọi mỗi người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng góp trí tuệ, vật chất, tinh thần cho hoạt động phòng, chống dịch với phương châm vừa phòng, chống dịch vừa tổ chức hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định an ninh chính trị và an dân.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị các cấp, ngành, các địa phương trong tỉnh tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, phải tích cực hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa, khẩn trương hơn với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”.
Trong tình hình mới phải thần tốc hơn, hiệu quả hơn và không được hốt hoảng, hoang mang, lo sợ, thiếu kiên trì, thiếu bản lĩnh dẫn đến những quyết định không chính xác, không phù hợp. Đặt mục tiêu chăm lo, bảo vệ sức khỏe Nhân dân lên trên hết để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện thành công “mục tiêu kép”.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đỗ Trọng Hưng phát biểu chỉ đạo sau hội nghị trực tuyến của Chính phủ.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trường đoàn DDBQh tỉnh Đỗ Trọng Hưng yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các ngành, đoàn thể, đặc biệt là người đứng đầu nắm chắc tình hình tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời chỉ đạo của Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh trong tình hình mới.
Đề nghị UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh sớm cụ thể hóa kết luận của Thủ tướng Chính phủ bằng văn bản chỉ đạo phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của tỉnh.
Trước mắt, chỉ đạo các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, các phường, xã trong tỉnh có công nhân lưu trú xây dựng kế hoạch, kịch bản phòng, chống dịch khả thi nhất.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đỗ Trọng Hưng lưu ý các đồng chí Bí thư, Chủ tịch các địa phương, lãnh đạo các sở, ngành rà soát lại các nhiệm vụ của đơn vị, địa phương, chủ động triển khai nhiệm vụ khi có chỉ đạo mới từ tỉnh với quyêt tâm giữ vững thành quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua, tạo tiền đề để thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch thành công, vừa phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.