Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và tận dụng tối đa cơ hội phát triển

Thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, năm 2025 có ý nghĩa quan trọng, là năm cuối cùng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Mục tiêu tổng quát của năm 2025 là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, Việt Nam cần tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và tận dụng tối đa cơ hội phát triển từ các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh và khoa học - công nghệ.

Ông Vũ Hồng Thanh

Ông Vũ Hồng Thanh

Tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra

Năm 2024, trong bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều bất ổn về chính trị, kinh tế và thiên tai, Việt Nam đã nỗ lực vượt qua những thách thức to lớn để đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù nền kinh tế toàn cầu đối mặt với sự suy giảm tốc độ tăng trưởng và các yếu tố khó lường, Việt Nam vẫn ghi nhận sự phục hồi và phát triển ổn định. Những kết quả đạt được trong năm 2024 không chỉ là minh chứng cho sức mạnh nội sinh của nền kinh tế mà còn cho thấy vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ và sự đồng hành của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Điểm lại những thành tựu nổi bật lĩnh vực kinh tế - xã hội năm 2024, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, năm 2024, Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng, ước tính GDP tăng từ 6,8 - 7%, vượt qua mục tiêu ban đầu do Quốc hội đề ra là 6 - 6,5%. Sự phục hồi tích cực này không chỉ giúp Việt Nam duy trì sự ổn định mà còn cải thiện hình ảnh của nền kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế. Các tổ chức quốc tế đã có những đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động.

Điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế năm 2024 phải kể đến là sự bứt phá trong hoạt động xuất nhập khẩu. Kim ngạch xuất khẩu tăng 15,4% so với cùng kỳ, trong khi kim ngạch nhập khẩu cũng ghi nhận mức tăng 17,3%. Đặc biệt, tổng mức xuất siêu của cả nước đạt gần 2,079 tỷ USD. Sự gia tăng mạnh mẽ này là dấu hiệu tích cực cho thấy các chính sách mở cửa thị trường và thúc đẩy thương mại của Việt Nam đã đạt được kết quả khả quan.

Một trong những thành tựu nổi bật khác là sự ổn định về kinh tế vĩ mô. Chính phủ đã nỗ lực kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tăng lương tối thiểu và áp lực từ thị trường quốc tế. Nợ công, nợ chính phủ và bội chi ngân sách được duy trì ở mức thấp hơn so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Thị trường tài chính và tiền tệ cơ bản ổn định, với lãi suất cho vay bình quân có xu hướng giảm, hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Năm 2024 cũng chứng kiến những bước tiến mạnh mẽ trong việc phát triển hạ tầng giao thông và năng lượng. Đã có thêm 109 km đường cao tốc được hoàn thành và đưa vào khai thác, nâng tổng chiều dài đường cao tốc của cả nước lên hơn 2.021 km. Dự án điện 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối cũng đã được khánh thành sau hơn 6 tháng thi công, đảm bảo an ninh năng lượng cho cả nước trong thời gian tới.

Sau những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, ngành du lịch Việt Nam đã có bước phục hồi ấn tượng. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đón 12,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến, cả năm 2024, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ đạt trên 18 triệu lượt, tương đương với mức trước đại dịch…

Tuy nhiên, đại diện Ủy ban Kinh tế cũng chỉ ra nhiều khó khăn thách thức của nền kinh tế trong năm 2024. Đó là áp lực lạm phát và phụ thuộc vào xuất khẩu. Mặc dù đã kiểm soát tốt lạm phát, sức mua trong nước vẫn có dấu hiệu tăng chậm lại, đặc biệt là trong các tháng cuối năm. Nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, trong khi các ngành công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ chất lượng cao chưa phát triển mạnh mẽ. Điều này tạo ra những rủi ro tiềm ẩn cho sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 chỉ đạt 47,29%, thấp hơn so với mức 51,38% của cùng kỳ năm 2023. Việc chậm trễ này ảnh hưởng đến tiến độ triển khai nhiều dự án quan trọng, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông và năng lượng. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý phải có các giải pháp đẩy mạnh tiến độ giải ngân ngay từ đầu năm 2025.

Về những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong 9 tháng đầu năm 2024, trung bình mỗi tháng có khoảng 18,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tỷ lệ doanh nghiệp rút lui cao hơn nhiều so với số doanh nghiệp mới thành lập. Điều này cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cùng với đó, thị trường bất động sản còn nhiều thách thức. Mặc dù có tín hiệu phục hồi, thị trường bất động sản vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Giá nhà chung cư ở phân khúc sơ cấp và thứ cấp bị đẩy lên cao, dẫn đến việc người có nhu cầu thực khó có khả năng tiếp cận. Thị trường cũng ghi nhận tình trạng đầu cơ đất đai, thổi giá khiến giá bất động sản vượt quá khả năng chi trả của người dân.

Ngoài ra là những thiệt hại nặng nề từ biến đổi khí hậu và thiên tai. Cơn bão số 3 Yagi – cơn bão mạnh nhất trong hàng chục năm qua – đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là ở các khu vực bị ngập lụt và thiệt hại nặng nề. Sự tàn phá của thiên tai đặt ra yêu cầu cấp thiết về các giải pháp phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trọng tâm vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế

Ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, năm 2025 có ý nghĩa quan trọng, là năm cuối cùng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Mục tiêu tổng quát của năm 2025 là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, Việt Nam cần tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và tận dụng tối đa cơ hội phát triển từ các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh và khoa học - công nghệ.

Về các giải pháp cụ thể cho năm 2025, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh đến nhiều giải pháp trong đó nhấn mạnh đến ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính. Chính phủ cần thắt chặt kỷ luật tài chính, kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định tỷ giá và tăng cường giám sát hệ thống tài chính. Chính sách tiền tệ cần được điều chỉnh linh hoạt, chủ động để ứng phó với các biến động từ thị trường quốc tế, đồng thời thúc đẩy tín dụng cho các doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó là cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp. Việc cải cách thủ tục hành chính cần được thực hiện triệt để, giảm thiểu các chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn cần được hỗ trợ để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân và xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài liên quan đến đất đai, đầu tư.

Cùng với đó là thúc đẩy đầu tư công và phát triển hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công ngay từ đầu năm, tập trung vào các dự án quan trọng liên kết vùng và quốc gia. Việc triển khai Quy hoạch điện 8 và các dự án năng lượng cần được thực hiện hiệu quả, tránh tình trạng chậm trễ làm ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của đất nước; đồng thời phát triển các lĩnh vực kinh tế mới. Việt Nam cần tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và các mô hình kinh tế tuần hoàn. Cần nâng cao chất lượng lao động, năng suất lao động và phát triển khoa học công nghệ để tạo động lực cho sự chuyển đổi kinh tế theo hướng bền vững và gia tăng giá trị…

Năm 2024 là một năm đầy thách thức nhưng cũng mang lại nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Những kết quả đạt được là tiền đề để Việt Nam tiếp tục vươn lên trong năm 2025, với mục tiêu phát triển bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu đề ra, cần có sự quyết tâm và nỗ lực từ cả hệ thống chính trị, Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Những giải pháp đề ra cho năm 2025 nếu được triển khai hiệu quả sẽ góp phần đưa Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành một nền kinh tế hiện đại, phát triển bền vững và thịnh vượng.

Trần Hương

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tiep-tuc-co-cau-lai-nen-kinh-te-doi-moi-mo-hinh-tang-truong-va-tan-dung-toi-da-co-hoi-phat-trien-156936.html