Tiếp tục đa dạng hóa hình thức phổ biến pháp luật

Các cấp Công đoàn Thủ đô đã và đang phối hợp hiệu quả với cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và người sử dụng lao động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho đoàn viên, người lao động. Từ đó, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Xác định rõ công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) là nhiệm vụ chính trị quan trọng, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đã chỉ đạo thực hiện xuyên suốt trong các cấp Công đoàn của Thủ đô. Trong đó, tập trung tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phổ biến các chính sách pháp luật về lao động, việc làm, quyền và trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động trong quan hệ lao động. Hàng năm, có trên 99% CNVCLĐ được tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật về lao động, việc làm, an toàn vệ sinh lao động, quyền và trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động trong quan hệ lao động.

Báo Lao động Thủ đô phối hợp với LĐLĐ huyện Phúc Thọ tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến, phổ biến kiến thức pháp luật cho người lao động. Ảnh: Mai Quý

Báo Lao động Thủ đô phối hợp với LĐLĐ huyện Phúc Thọ tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến, phổ biến kiến thức pháp luật cho người lao động. Ảnh: Mai Quý

Trong 5 năm trở lại đây, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chủ động phối hợp với chính quyền đồng cấp, các cơ quan truyền thông tổ chức trên 450 lớp tập huấn, hơn 2.000 cuộc tuyên truyền về Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Công đoàn năm 2012, Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, Luật An toàn vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành... tới hơn 300.000 lượt đoàn viên, người lao động tham gia; in và phát hành hàng trăm nghìn cuốn sách, sổ tay pháp luật, tờ rơi... nhằm tuyên truyền chế độ chính sách và các quy định của pháp luật đến đoàn viên, người lao động; tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cho đoàn viên, người lao động.

LĐLĐ thành phố Hà Nội đã phát triển “Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội” thành “Trung tâm tư vấn pháp luật và hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội”, trong đó bổ sung chức năng nhiệm vụ và cán bộ có chuyên môn sâu để hỗ trợ, tư vấn cho người lao động trong quan hệ lao động. Giai đoạn 2018 - 2023, Trung tâm và các Tổ tư vấn pháp luật Công đoàn các cấp đã đổi mới và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho đoàn viên, CNVCLĐ. Kết quả, đã tổ chức được hơn 1.200 cuộc đối thoại, tư vấn pháp luật cho trên 400.000 lượt đoàn viên, CNVCLĐ...

Ngoài ra, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã chỉ đạo báo Lao động Thủ đô phối hợp với các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức các cuộc giao lưu trực tuyến về chính sách pháp luật lao động với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực lao động và Công đoàn để trực tiếp giải đáp những câu hỏi của người lao động. Đây là giải pháp thiết thực, mang lại hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động. Mỗi cuộc giao lưu trực tuyến đều thu hút đông đảo đoàn viên, CNVCLĐ tham gia. Qua đó, đã giải đáp kịp thời những thắc mắc, kiến nghị của người lao động về các quyền lợi chế độ chính sách; đồng thời tuyên truyền các chế độ, chính sách mới của pháp luật đến với người lao động, giúp người lao động nắm rõ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng để có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình.

Song song với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đoàn viên, người lao động, LĐLĐ thành phố Hà Nội cũng đã chú trọng đến công tác tập huấn cho đội ngũ cán bộ Công đoàn về kỹ năng, phương pháp tham gia khởi kiện, quy trình tố tụng, tiến hành khởi kiện doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật về Công đoàn, Bảo hiểm xã hội, An toàn vệ sinh lao động… nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người lao động. LĐLĐ Thành phố cũng tập trung chỉ đạo mạng lưới An toàn vệ sinh viên tại cơ sở phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đoàn viên, người lao động và người sử dụng lao động về An toàn vệ sinh lao động. Từ đó góp phần làm tốt hơn công tác An toàn vệ sinh lao động và giảm thiểu tình hình tai nạn lao động để người lao động được làm việc trong môi trường đảm bảo an toàn.

Theo LĐLĐ thành phố Hà Nội, thời gian tới, các cấp Công đoàn Thủ đô sẽ tiếp tục đa dạng hóa các hình thức, biện pháp tuyên truyền đến đoàn viên, CNVCLĐ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến tổ chức Công đoàn, đoàn viên, người lao động; ý thức chấp hành pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng là đoàn viên, người lao động ở doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động về An toàn vệ sinh lao động; tập trung đầu tư nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm Tư vấn pháp luật và hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội, cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho đoàn viên, đảm bảo đoàn viên có nhu cầu đều được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Mai Quý

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tiep-tuc-da-dang-hoa-hinh-thuc-pho-bien-phap-luat-160462.html