Kiến nghị tiền kiểm với sữa, thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Sẽ thực hiện tiền kiểm đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe và sữa - đây là một trong những kiến nghị được nhiều đại biểu đưa ra khi đề xuất phải sớm sửa Luật An toàn thực phẩm.

Sáng 23/5, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực y tế.

Tại hội nghị, đại diện các sở y tế đã nêu ra nhiều khó khăn trong quá trình quản lý, cấp phép đối với sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Trong đó nhấn mạnh, việc đăng ký thực phẩm bảo vệ sức khỏe hiện nay quá dễ dàng, công tác hậu kiểm chủ yếu dựa trên giấy tờ, trong khi doanh nghiệp được phép tự công bố và tự chịu trách nhiệm về chất lượng đối với các sản phẩm như thực phẩm bảo vệ sức khỏe và sữa. Đây được xem là một bất cập lớn trong công tác quản lý.

Về vấn đề này, đại diện Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho biết, tới đây sẽ chuyển toàn bộ nhóm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và sữa sang nhóm bắt buộc phải đăng ký bản công bố chất lượng và phải tuân thủ hồ sơ kỹ thuật chặt chẽ, theo nguyên tắc tiền kiểm.

Ông Chu Quốc Thịnh, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho biết: "Giải pháp kiểm soát chặt khâu tiền kiểm cùng hậu kiểm các khâu nối tiếp sẽ hạn chế tối đa việc doanh nghiệp lợi dụng".

Liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả, chứa chất cấm hoặc sử dụng giấy tờ giả, đại diện Bộ Công an cho biết, các doanh nghiệp thường thành lập nhiều pháp nhân và đăng ký tại nhiều địa điểm khác nhau. Quy trình thường khép kín từ nhập nguyên liệu, sản xuất tại nhà máy, đăng ký sản phẩm đến phân phối, truyền thông... để hợp thức hóa và trốn tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng.

Thượng tá Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Kinh tế - Bộ Công an cho hay: "Có những tồn tại, bất cập và vướng mắc trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này, cụ thể là Luật An toàn thực phẩm, Luật Dược và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá, chúng tôi cũng đã có những tham mưu về các sơ hở, bất cập trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật".

Theo Bộ Y tế, công tác triển khai hậu kiểm tại các địa phương hiện vẫn chưa nghiêm túc. Bên cạnh đó, thực trạng nhiều sản phẩm được công bố chất lượng tại một địa phương nhưng lại được sản xuất và kinh doanh tại địa bàn khác khiến việc kiểm tra, giám sát gặp nhiều khó khăn. Hậu kiểm thường chỉ được thực hiện theo chuyên đề, theo kế hoạch hoặc khi có thông tin phản ánh về chất lượng sản phẩm.

Bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: "Trong thời gian tới cần tập trung sửa đổi những bất cập trong Luật An toàn thực phẩm và chấn chỉnh, tăng cường thanh kiểm tra. Đặc biệt, công tác hậu kiểm tại các địa phương phải được thực hiện nghiêm túc, nhất là đối với những mặt hàng do địa phương quản lý. Nếu có khó khăn, phải kịp thời báo cáo các cơ quan cấp trên liên quan".

Bộ Y tế cũng nhấn mạnh rằng, công tác quản lý an toàn thực phẩm, mỹ phẩm và thuốc luôn là một trong những nội dung khó khăn, nhất là trong lĩnh vực an toàn thực phẩm vốn liên quan đến quản lý của ba bộ, hoạt động buôn bán sản phẩm trải qua nhiều công đoạn.

Nguyễn Chinh

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/kien-nghi-tien-kiem-voi-sua-thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-333857.htm