Những năm gần đây, thể thao thành tích cao (TTTTC) của tỉnh đang từng bước khẳng định vị thế trên đấu trường thể thao trong nước và khu vực. Bên cạnh sự nỗ lực của tập thể, cá nhân các vận động viên (VĐV), kết quả ấy đã khẳng định hiệu quả từ các chính sách, định hướng đầu tư của tỉnh cho lĩnh vực TTTTC và các VĐV triển vọng, nhiều tiềm năng.
Your browser does not support the audio element.
Vận động viên Bùi Thị Hồng Loan giành huy chương bạc hạng cân trên 59kg U14 tại Giải Vô địch các câu lạc bộ Teakwondo Quốc gia được tổ chức vào tháng 4/2021 tại tỉnh Quảng Nam. Những thành tích đáng ghi nhận Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/10/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển TTTTC tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030, cơ chế, chính sách khen thưởng, đãi ngộ huấn luyện viên, VĐV được ban hành đã tạo động lực tích cực, thúc đẩy mạnh mẽ TTTTC phát triển và đạt được những thành tích đáng khích lệ. Cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư nâng cấp, sửa chữa; công tác xã hội hóa lĩnh vực thể dục, thể thao (TDTT) được đẩy mạnh, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã đầu tư xây dựng các công trình TDTT, cơ sở kinh doanh hoạt động TDTT, đáp ứng nhu cầu tập luyện nâng cao sức khỏe cho Nhân dân, phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện TTTTC. Các Liên đoàn thể thao hoạt động hiệu quả, góp phần vào sự phát triển chung của phong trào TDTT của tỉnh. Hiện nay, công trình TDTT của các huyện, thành phố từng bước được hoàn thiện đáp ứng một phần nhu cầu tập luyện và tổ chức các hoạt động TDTT của các địa phương. Toàn tỉnh hiện có 2 sân Golf, 13 sân vận động (trong đó có 11 sân vận động có khán đài), 44 nhà tập luyện thi đấu thể thao đa năng, 1 bể bơi dài 50m, 52 bể bơi các loại, 230 sân bóng đá mini, 1.402 sân bóng chuyền, 399 sân cầu lông, 51 sân quần vợt. Hiện tại, tỉnh đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án nâng cấp, sửa chữa đường đua xe đạp địa hình tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế tại phường Dân Chủ và phường Quỳnh Lâm (TP Hòa Bình) phục vụ tập luyện, tổ chức các giải đua xe đạp khu vực, quốc gia và quốc tế tại tỉnh Hòa Bình; đồng thời đăng cai tổ chức thi đấu môn xe đạp trong chương trình SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam. TTTTC đã từng bước phát triển, tiếp cận và đạt được thành tích tại các giải thi đấu trong nước và quốc tế. Đồng chí Lưu huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Hiện nay, tỉnh tập trung huấn luyện một số môn thể thao trọng điểm gồm: Xe đạp, Pencak Silat, Cử tạ, Điền kinh, Boxing, Karate và hệ thống đào tạo vận động viên (VĐV) tuyến 1, tuyến 2 và tuyến 3, trong đó có 3 môn trọng điểm nhóm I gồm: Xe đạp, Pencak Silat, Cử tạ. Trong giai đoạn 2017 - 2020, ký hợp đồng với 45 lượt VĐV TTTTC tập huấn và thi đấu cho đội tuyển của tỉnh, trong đó có 9 lượt VĐV đội tuyển trẻ của tỉnh và 36 lượt VĐV đội tuyển tỉnh. Tổ chức tuyển chọn, huấn luyện 688 lượt VĐV tham gia thi đấu tại 74 giải thể thao khu vực và toàn quốc giành 263 huy chương, trong đó 89 huy chương vàng, 91 huy chương bạc và 83 huy chương đồng; có 19 lượt VĐV được phong cấp kiện tướng, 21 lượt VĐV được phong cấp I quốc gia; 18 lượt VĐV được triệu tập vào Đội tuyển xe đạp địa hình quốc gia. Đặc biệt, VĐV Đinh Văn Linh được triệu tập vào đội tuyển Xe đạp Việt Nam tham dự SEA Games lần thứ 30 năm 2019, tại Philippines. Tỉnh đăng cai tổ chức thành công nhiều sự kiện thể thao lớn, tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục đăng cai các giải thể thao của quốc gia và môn Xe đạp trong chương trình SEA Games lần thứ 31, năm 2021 tại Việt Nam, góp phần quảng bá hình ảnh, nền văn hóa Hòa Bình, nâng cao vị thế của thể thao tỉnh với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Thành công nhưng còn nhiều trăn trở Dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng TTTTC của tỉnh vẫn còn những hạn chế, khó khăn và chưa đáp ứng yêu cầu của thể thao trong giai đoạn mới. Thành tích đạt được chưa có cơ sở vững chắc để phát triển ổn định, chưa mang tính chuyên nghiệp; cơ sở vật chất sân bãi cho TTTTC còn nhiều thiếu thốn, lạc hậu, kinh phí hạn hẹp so với nhu cầu phát triển. Theo đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, TTTTC của tỉnh mới trong giai đoạn bước đầu phát triển, còn thiếu bền vững, thành tích đạt được chủ yếu ở môn thể thao cá nhân như Xe đạp, chưa có các môn thể thao tập thể như bóng đá, bóng chuyền...; lực lượng huấn luyện viên, VĐV còn thiếu và hạn chế về chuyên môn; ở một số bộ môn huấn luyện viên không đúng chuyên ngành; VĐV các tuyến còn mỏng, nhất là lực lượng trẻ kế cận; cơ sở vật chất, phương tiện, công trình thể thao xuống cấp, không đảm bảo tiêu chuẩn cho công tác huấn luyện và đăng cai tổ chức các giải TTTTC quốc gia. Nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình thể thao trọng điểm như Nhà thi đấu thể thao tỉnh, khu đào tạo học sinh Trường Năng khiếu, Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh, khu nhà VĐV phục vụ các đội tuyển của tỉnh còn hạn chế; ngân sách đầu tư cho phát triển TDTT chưa đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay; chưa có cơ chế, chính sách đặc thù đãi ngộ tài năng thể thao cho VĐV Cấp I, Kiện tướng quốc gia, thuê chuyên gia giỏi, huấn luyện viên giỏi; VĐV ký hợp đồng thi đấu cho các đội tuyển thể thao của tỉnh còn ít; hệ thống thiết chế về thể thao, cơ sở vật chất, phương tiện, dụng cụ, hỗ trợ tập luyện còn thiếu, công tác nghiên cứu, áp dụng khoa học - công nghệ phục vụ cho công tác tuyển chọn, huấn luyện thể thao và nâng cao thành tích VĐV còn nhiều hạn chế. Công tác xã hội hóa TDTT đặc biệt là TTTTC còn hạn chế, chưa phát huy được nguồn lực của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực TDTT; chưa kêu gọi được doanh nghiệp đầu tư thành lập các câu lạc bộ chuyên nghiệp. Kỳ vọng chặng đường mới Để phát triển TTTTC mang tính bền vững, từng bước cải thiện vị thế thể thao tỉnh nhà, phấn đấu đưa tỉnh Hòa Bình trở thành một trong các tỉnh có phong trào TDTT phát triển trong khu vực. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, các công trình TDTT đảm bảo điều kiện phục vụ tốt cho công tác đào tạo, huấn luyện VĐV các đội tuyển của tỉnh, hướng tới đủ điều kiện đăng cai tổ chức một số giải TTTTC cấp quốc gia, quốc tế. Phát triển và nâng cao chất lượng phong trào TDTT trường học, lấy đối tượng học sinh làm tiền đề để phát hiện tài năng, tuyển chọn, đào tạo bổ sung lực lượng các lớp năng khiếu TDTT, các đội tuyển thể thao của tỉnh. Các vận động viên tập luyện môn Karate tại Nhà thi đấu tỉnh. Chú trọng đào tạo VĐV TTTTC, phát triển nhanh, bền vững, nâng cao thành tích các môn thể thao cá nhân thế mạnh trọng điểm của tỉnh như môn Xe đạp, Cử tạ, Điền kinh, Boxing, Karate, Taekwondo, Pencak Silat để đạt thành tích cao tại các kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc, các giải vô địch toàn quốc, Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games); có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập các câu lạc bộ Bóng đá, Bóng chuyền; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sự nghiệp thể thao tương xứng với vị trí, tiềm năng phát triển KT-XH của tỉnh. Phấn đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX, năm 2022, tỉnh xếp thứ 40 - 45/65 tỉnh, thành, ngành trong cả nước; xếp trong tốp 10 của 19 tỉnh khu vực miền núi, giành 3 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, 3 huy chương đồng. Chú trọng đào tạo các môn thể thao mũi nhọn Nguyễn Công Thành Hiệu trưởng Trường Năng khiếu, Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Hiện nay, Trường Năng khiếu, Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh ký hợp đồng với 14 VĐV, trong đó có 9 VĐV đội tuyển tỉnh và 5 VĐV đội tuyển trẻ. Hàng năm, đào đào tạo gần 100 học sinh tại 7 lớp năng khiếu gồm: Xe đạp, Pencak Silat, Cử tạ, Điền kinh, Boxing, Karate, Taekwondo. Để có được những VĐV chất lượng, chúng tôi chú trọng thực hiện tốt công tác tập luyện, đào tạo các VĐV trong đội năng khiếu. Đồng thời, xây dựng lực lượng VĐV nòng cốt, lên kế hoạch tập luyện cho các VĐV để chuẩn bị cho các giải đấu quan trọng. Trong quá trình luyện tập, các giáo viên, huấn luyện viên của từng bộ môn sàng lọc để lựa chọn những VĐV nào có chuyên môn tốt sẽ tiếp tục được huấn luyện nâng cao bằng giáo án chuyên sâu và được tổ chức giao lưu với các đơn vị để học hỏi kinh nghiệm, nâng cao kỹ thuật. Đồng thời, Ban huấn luyện từng môn đề ra những phương hướng kỹ thuật, chiến thuật khác nhau để giúp bộ môn của mình tạo nên những bước tiến mới trong chuyên môn. Tuy nhiên, chính sách thu hút, đãi ngộ tài năng thể thao chưa phù hợp dẫn đến việc VĐV có năng khiếu, tố chất chuyển sang thi đấu cho các tỉnh khác; VĐV thành tích cao ký hợp đồng thi đấu cho đội tuyển thể thao của tỉnh còn ít, chưa có kế hoạch lâu dài; kinh phí đầu tư cho TTTTC thấp, các VĐV đội tuyển ít có cơ hội thi đấu giao lưu, việc liên kết với các Trung tâm Thể dục, thể thao của các tỉnh, thành phố cả nước trong hợp tác đào tạo VĐV chưa được chú trọng. Mong muốn được tham gia thi đấu giao hữu tại các đơn vị mạnh Hoàng Văn sơn Vận động viên Pencak Silat Trong lĩnh vực thể thao, để giành được chiến thắng không phải chỉ dựa vào may mắn mà cần có quá trình tập luyện chăm chỉ, kiên trì, sự cố gắng, quyết tâm không bỏ cuộc trước những gian nan, thử thách, tinh thần thi đấu quyết tâm cao trong mỗi trận đấu. Đặc biệt là các môn thể thao đối kháng như Karate, Boxing, Taekwondo, Pencak Silat... Ngoài việc tập luyện tại trường, việc tổ chức các đợt tập luyện, thi đấu giao lưu tại đơn vị mạnh rất quan trọng cho việc nâng cao thành tích của các VĐV. Là VĐV Pencak Silat, em rất mong được tham gia các buổi thi đấu giao hữu với các câu lạc bộ, các đơn vị mạnh nhiều hơn trước mỗi giải đấu. Việc được giao lưu với các VĐV ở các tỉnh bạn, giúp chúng em nhìn ra được thực lực của bản thân, thấy được những điểm yếu và rút ra nhiều kinh nghiệm. Bên cạnh đó, huấn luyện viên cũng nhìn ra được các ưu, khuyết điểm của từng VĐV để có phương án đào tào phù hợp, giúp VĐV đạt phong độ tốt khi bước vào các giải đấu. Hồng Ngọc