Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính để thu hút đầu tư FDI

Kinh tế - xã hội quý I/2025 của nước ta đạt được kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. Một trong những điểm sáng nổi bật là việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong quý I/2025 vẫn duy trì mức tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt là sự tăng tốc trong việc giải ngân vốn FDI.

Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn

Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam (vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) tính đến ngày 31/3/2025 đạt 10,98 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký cấp mới có 850 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 4,33 tỷ USD, tăng 11,5% về số dự án và giảm 31,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, vốn FDI giải ngân đạt 4,96 tỷ USD, tăng 7,2%; chủ yếu tập trung công nghiệp chế biến chế tạo (chiếm gần 62% tổng vốn đăng ký và tăng 26% so với cùng kỳ). Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 3 tháng đầu năm trong 5 năm qua, phản ánh năng lực hấp thu và giải ngân vốn FDI của nền kinh tế.

“Điều này cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục được củng cố và khẳng định Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn thu hút vốn FDI, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài đang thực hiện sản xuất kinh doanh tại Việt Nam…”, bà Phí Thị Hương Nga, Trưởng ban Thống kê Công nghiệp - Xây dựng (Cục Thống kê) cho biết.

Tại Báo cáo Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) quý I/2025 của EuroCham Việt Nam cho thấy, 68% lãnh đạo doanh nghiệp (DN) châu Âu cho biết họ sẽ giới thiệu Việt Nam là điểm đến đầu tư, thể hiện cam kết dài hạn của họ. Tuy nhiên, con số này đã giảm 7 điểm phần trăm so với quý IV/2024 với 75% bày tỏ sự tin tưởng tương tự. Điều này phản ánh sự kỹ lưỡng hơn của các DN châu Âu trong cách nhìn nhận và tiếp cận môi trường đầu tư của Việt Nam.

Nhận định về chính sách thuế mới của Mỹ đối với Việt Nam, bà Phí Thị Hương Nga cho biết, các ngành bị ảnh hưởng nhất là điện tử, gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may, da giày… Đây cùng là ngành có nhiều DN FDI nhất. Với nhóm hàng máy vi tính điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, điện thoại các loại và linh kiện, khối DN FDI chiếm khoảng 93% tổng kim ngạch xuất khẩu, việc áp thuế đối ứng có thể khiến các DN FDI chuyển một phần hoạt động sản xuất hoặc hàng hóa hoàn thiện sang các quốc gia khác, từ đó sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam.

Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và phát triển hạ tầng đồng bộ để duy trì sức hút đầu tư.

Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và phát triển hạ tầng đồng bộ để duy trì sức hút đầu tư.

Cải cách để giảm thiểu rào cản

Theo Chủ tịch EuroCham Bruno Jaspaert, các DN châu Âu từ lâu đã đánh giá cao sự linh hoạt của Việt Nam trong quan hệ quốc tế, điều này được củng cố qua cách tiếp cận tinh tế nhưng quyết đoán của Chính phủ trước những thách thức toàn cầu. "Trước những biến động mới của cơn bão thuế quan, EuroCham cam kết đảm bảo rằng, tiếng nói của cộng đồng DN châu Âu không chỉ được lắng nghe mà còn được hỗ trợ để vượt qua những chướng ngại này... Con đường phía trước có thể đòi hỏi sự linh hoạt, nhưng một điều chắc chắn là Việt Nam và châu Âu cùng theo đuổi mục tiêu chung về khả năng phục hồi kinh tế và tăng trưởng lâu dài", Chủ tịch EuroCham khẳng định.

Để tăng cường sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài, theo EuroCham, các DN tham gia khảo sát cho rằng, phát triển cơ sở hạ tầng được coi là ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, các DN cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tinh giản thủ tục hành chính nhằm giảm thiểu những rào cản quan liêu; nới lỏng quy trình cấp thị thực và giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài; cũng như tăng cường tính minh bạch trong luật pháp và thực thi pháp luật. Những ưu tiên này cho thấy các DN châu Âu mong đợi những cải thiện rõ ràng hơn để củng cố niềm tin dài hạn của họ. Đồng thời, Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa để cải thiện môi trường kinh doanh. Về đề xuất sáp nhập tỉnh, hơn 40% DN tin rằng những thay đổi này có thể giúp nâng cao hiệu quả hành chính và giảm bớt sự phức tạp trong quy định.

Để thu hút FDI trong bối cảnh mới, với lợi thế sẵn có, bà Phí Thị Hương Nga cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, hải quan, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy nhanh phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, tăng cường ưu đãi thu hút FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao, bền vững… Để giảm thiểu tác động tiêu cực với chính sách thuế đối ứng, Việt Nam cần tăng cường đối thoại song phương với Mỹ để làm rõ các yếu tố lợi ích thương mại song phương giữa hai quốc gia, khẳng định Việt Nam là đối tác thương mại công bằng và đáng tin cậy. Tiếp tục chủ động, tích cực và dùng nhiều kênh, nhiều biện pháp khác nhau nhằm cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước.

Đồng thời, bà Nga cũng cho rằng, DN cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cung cấp thông tin sớm cho DN về thuế đối ứng, giúp DN chuẩn bị dữ liệu và sẵn sàng ứng phó nhằm bảo vệ quyền lợi tại thị trường Mỹ. Từ đó đưa ra các giải pháp giảm thiểu tác động của thuế quan đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cho rằng, chính sách thuế của Mỹ áp dụng không chỉ cho Việt Nam mà cho nhiều quốc gia. Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến tâm lý, môi trường kinh doanh cũng như triển vọng đầu tư kinh doanh. Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng nhất định nhưng với nỗ lực của Chính phủ, chắc chắn chúng ta sẽ lấy được niềm tin của các nhà đầu tư, DN. Mặc dù khó khăn, nhưng Bộ Tài chính đang thực hiện rất nhiều giải pháp, trong đó có làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư lớn để xúc tiến thực hiện, cụ thể hóa các dự án rất lớn về đầu tư nước ngoài. Mục tiêu năm 2025 vẫn là tăng 35-40 tỷ USD, vốn thực hiện vẫn đặt mục tiêu 27-28 tỷ USD.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/tiep-tuc-day-manh-cai-cach-hanh-chinh-de-thu-hut-dau-tu-fdi-i764396/