Hà Nội huy động nguồn lực đảm bảo an sinh xã hội
Quan tâm, chăm lo toàn diện cho cuộc sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội là chủ trương nhất quán, nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền và các cơ quan chức năng TP. Hà Nội.
Điều này được thể hiện rõ trong mục tiêu được đưa ra tại Chương trình số 08-CTr/TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”.
Là hộ cận nghèo ở thị trấn Tây Đằng, trong những năm qua nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương, gia đình chị Lê Thị Hòa được phổ biến kiến thức chăn nuôi và vay vốn ưu đãi của ngân hàng chính sách để nuôi bò và xây sửa nhà. Nguồn thu nhập từ nuôi bò đã giúp gia đình trang trải cuộc sống, nuôi các con ăn học và trả nợ ngân hàng khi đến hạn.
Chị Lê Thị Hòa (huyện Ba Vì) chia sẻ: "Gia đình chúng tôi được Nhà nước hỗ trợ 60 triệu tiền làm nhà và được ưu đãi vay thêm 50 triệu để trang trải cuộc sống. Sau đó, chúng tôi đã xây được nhà cửa để có chỗ cho các cháu ăn ở, học hành".
Ông Nguyễn Đại Hải - Chủ tịch UBND thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì cho biết: "Thị trấn Tây Đằng đã thực hiện rất tốt các chính sách an sinh xã hội bằng cách hỗ trợ cho các gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo để ổn định cuộc sống và thoát nghèo bền vững như tặng vật nuôi, cây trồng cũng như hỗ trợ làm nhà".
Thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo thiếu hụt chỉ số phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin và sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet, huyện Ba Vì đã phối hợp với các đơn vị viễn thông đẩy mạnh hoạt động tặng điện thoại thông minh và chuyển đổi mạng 2G lên 4G cho các hộ cận nghèo.
Bà Phùng Thị Hòa (huyện Ba Vì) cho biết: "Nhờ Nhà nước, Đảng và chính quyền đã hỗ trợ cuộc sống bà con rất nhiều. Đơn cử như nhà tôi được tặng một cái tủ lạnh và một chiếc điện thoại, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành".
Tại huyện Thường Tín, công tác chăm lo, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân cũng được quan tâm.
Từ nguồn quỹ vì người nghèo, năm qua huyện Thường Tín đã có 171 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện được hỗ trợ, xây sửa nhà Đại đoàn kết với tổng trị giá trên 3 tỷ đồng, giúp người dân có ngôi nhà kiên cố, an toàn để an cư, lạc nghiệp.
Chị Hoàng Thị Hà (huyện Thường Tín) cho biết: "Tôi đã nhận một số tiền hỗ trợ cuộc sống từ chính quyền xã và MTTQ, tôi cảm thấy rất vui và tôi xin gửi lời cảm ơn tới lãnh đạo các cấp, các ngành".
Sự quan tâm của Thành phố trong công tác chăm lo đời sống nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội đã góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc, tạo nên cuộc sống hạnh phúc, no ấm, tiến bộ của mỗi gia đình, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa thành thị và nông thôn.
Sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình 08, giai đoạn 2021 - 2025 đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ giải quyết việc làm, tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động đạt gần 45%, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95,25%. Đến nay Hà Nội không còn hộ nghèo (theo chuẩn nghèo của Thành phố).