Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'

Hàng năm, Ủy ban MTTQ tỉnh - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo CVĐ đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa của CVĐ, gắn kết chặt chẽ với cuộc vận động

Thời gian qua, cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục được triển khai thực hiện bằng nhiều cách làm hay, thiết thực; qua đó đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân đối với việc sử dụng hàng Việt.

Các sản phẩm của hội viên phụ nữ thành phố Nam Định tham gia trưng bày, giới thiệu tại Ngày Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020.

Hàng năm, Ủy ban MTTQ tỉnh - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo CVĐ đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa của CVĐ, gắn kết chặt chẽ với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua yêu nước bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực như thông qua các hội nghị, các buổi sinh hoạt ở khu dân cư; quảng bá những sản phẩm chất lượng thương hiệu Việt; vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, người tiêu dùng ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt; tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, thu hút đông đảo người dân địa phương đến tham quan, mua sắm, tạo dựng được niềm tin của người dân với sản phẩm nội địa. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh còn tổ chức ký kết giao ước thi đua với 5 đoàn thể chính trị - xã hội (Hội CCB, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, LĐLĐ, Đoàn Thanh niên), trong đó có nội dung thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình, các đơn vị đã hướng dẫn triển khai CVĐ ở tổ chức mình, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân không tham gia tiếp tay cho buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, vi phạm về sở hữu trí tuệ, nhất là buôn bán, vận chuyển ma túy, tiền giả, pháo các loại, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu; tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa trong nước phát triển. Tiêu biểu như, các cấp Hội Nông dân tuyên truyền cho cán bộ, hội viên ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để đổi mới quy trình sản xuất, quản lý; không sử dụng chất cấm trong sản xuất; tập huấn quy trình, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP; cung cấp tới nông dân các sản phẩm Việt có thương hiệu, uy tín của các Công ty Tiến Nông, Lâm Thao, Ninh Bình, Văn Điển, Con Heo Vàng; phối hợp với ngành Nông nghiệp tuyên truyền, tư vấn triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm phát huy các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của các địa phương. Năm 2019 đã có 17 sản phẩm đạt 4 sao, 19 sản phẩm đạt 3 sao; đợt 1 năm 2020 có 1 sản phẩm đạt 4 sao; 25 sản phẩm đạt 3 sao. Trong tháng 1-2020, Hội Nông dân huyện Giao Thủy đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện khai trương “Cửa hàng giới thiệu sản phẩm Nông sản sạch” trưng bày và bán trên 70 sản phẩm có chứng nhận OCOP; các sản phẩm đặc trưng của địa phương chủ yếu là hải sản như ngao, chả cá, tôm nõn hấp, sấy, tép moi sấy, nước mắm Sa Châu, mật ong sú vẹt. Các cấp Hội Nông dân còn vận động hội viên xây dựng nhiều mô hình mới trong liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị, trong đó có một số mô hình điểm liên kết chuỗi giá trị được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn mang lại hiệu quả cao như: trồng cây dược liệu của Công ty Hoa Thiên Phú; sản xuất lúa giống của Công ty TNHH Cường Tân; sản xuất lúa, gạo chất lượng cao của Công ty TNHH Toản Xuân; mô hình nuôi cá bống bớp của huyện Nghĩa Hưng; mô hình “Liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm ngô nếp lai F1HN88, hỗ trợ củng cố HTX” tại xã Liên Bảo (Vụ Bản). Các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh hàng năm xây dựng kế hoạch tuyên truyền thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với thực hiện các CVĐ “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ cả nước thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”; phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức Ngày phụ nữ khởi nghiệp với chủ đề “Phụ nữ Nam Định khởi nghiệp cùng hàng Việt an toàn, chất lượng”; tuyên truyền, vận động hội viên thành lập các mô hình sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn như “Tổ phụ nữ liên kết sản xuất rau an toàn” tại các xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), Xuân Ninh (Xuân Trường), “CLB sản xuất, tiêu dùng sạch” của phụ nữ xã Nam Phong (thành phố Nam Định); mô hình nông nghiệp sạch khép kín của phụ nữ các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu… Bên cạnh đó, MTTQ và các tổ chức thành viên đã vận động các doanh nghiệp đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng, sản phẩm có thế mạnh ở địa phương, quan tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa Việt Nam, từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa... Nhiều sản phẩm của tỉnh đã có thị phần đáng kể trên thị trường trong và ngoài nước như: Gạo sạch Toản Xuân, Ngao sạch Lenger, Chả cá Hùng Vương, Nước mắm Ninh Cơ, Giò 7 phút Nam Phát, Sứa Tân Long, Nông sản sấy Minh Dương, Thịt Minh Long, Rau sạch Ngọc Anh… Ngoài ra, tỉnh ta còn đẩy mạnh hoạt động của các Trung tâm trưng bày, giới thiệu nông sản sạch, giúp người dân được tiếp cận với các sản phẩm an toàn, chất lượng cao của nhiều vùng miền trong cả nước.

CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục được triển khai thực hiện đã góp phần tạo chuyển biến và hình thành thói quen sử dụng hàng Việt Nam của nhiều gia đình cũng như mua sắm tài sản công trong các cơ quan, đơn vị; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất ra nhiều hàng Việt có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu./.

Bài và ảnh: Lam Hồng

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5086/202008/tiep-tuc-day-manh-cuoc-van-dong-nguoi-viet-nam-uu-tien-dung-hang-viet-nam-2539162/