Tiếp tục đề xuất cắt giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay của ngành hàng không
Bộ Tài chính đề xuất giữ nguyên mức giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay để tiếp tục hỗ trợ ngành hàng không năm 2021.
Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội; các bộ, ngành; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; VCCI để lấy ý kiến dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay.
Cụ thể, ngày 27/7/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 979/2020 quy định từ 1/8 đến hết 31/12, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít. Bước sang năm 2021, mức thuế được áp dụng là 3.000 đồng/lít (tăng 900 đồng).
Theo báo cáo của các hãng hàng không trong nước, ước tính chi phí thuê máy bay mỗi tháng của Vietnam Airlines là 30 triệu USD, với Vietjet là 20 triệu USD. Chi phí đậu đỗ sân bay mỗi tháng của Vietnam Airlines là 6 tỉ đồng; Vietjet khoảng 3,6 tỷ đồng; Bamboo Airways khoảng 1,24 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cũng trong kế hoạch năm 2020, Vietnam Airlines ước tính số lượng khách vận chuyển dự kiến 14,5 triệu khách, giảm 36,8% và số lượng khách luân chuyển là 16,2 tỷ khách/km, giảm 57%. Sản lượng hàng hóa năm 2020 được doanh nghiệp ước tính là 204.800 tấn.
Nhận định về những khó khăn kinh doanh trong năm tài chính 2019, theo Vietnam Airlines, tại thị trường quốc tế, hãng vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ của các hãng hàng không giá rẻ khu vực, trong khi thị trường phát triển không như kỳ vọng.
Tại thị trường nội địa, doanh nghiệp tiếp tục vấp phải sự cạnh tranh từ hãng bay mới là Bamboo Airways cũng như Vietjet Air khiến số ghế cung ứng năm 2019 tăng 18%, các tháng cuối năm tăng 30% khiến thị trường rơi vào tình trạng thừa tải nghiêm trọng.
Các kế hoạch về dòng tiền được doanh nghiệp xây dựng theo phương án được Chính phủ cho vay 12.000 tỷ đồng. Theo đó, dư tiền cuối kỳ của công ty mẹ dự kiến là 397 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 16,63 lần, so với 2,72 lần của năm 2019.
Bộ Tài chính tính toán, với mức giảm 900 đồng/lít nhiên liệu bay áp dụng từ 1/8/2020 đến ngày 31/12/2020 cũng giúp các hãng hàng không tiết kiệm được khoảng 360 – 400 tỷ đồng, tương ứng với 72 – 80 tỷ đồng/tháng. Tuy không nhiều nhưng đây cũng là giải pháp mà Nhà nước hỗ trợ các hãng hàng không từng bước phục hồi, vượt qua những tác động của dịch COVID-19.