Tiếp tục đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công
Được thành lập từ ngày 14/3/2023, đến nay, 5 tổ công tác của Chính phủ đã có nhiều cuộc kiểm tra từ trực tuyến đến trực tiếp từng dự án, công trình đầu tư công sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, vì thế tiến độ giải ngân của cả nước đã có nhiều chuyển biến. Đến hết tháng 5/2023, dự kiến cả nước giải ngân được trên 157.095 tỷ đồng, đạt 20,8% kế hoạch.
Sát sao với công tác giải ngân
Có thể thấy, công tác giải ngân vốn đầu tư công không còn là nhiệm vụ riêng của một bộ, ngành, địa phương nào, mà đã trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị với mục tiêu lấy giải ngân làm động lực phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, ngay sau khi nhận nhiệm vụ, các tổ công tác của Chính phủ đã bắt tay ngay vào việc kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thuộc tổ quản lý để nắm bắt các khó khăn vướng mắc và kịp thời đưa ra giải pháp tháo gỡ.
Tổ công tác số 5 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm Trưởng đoàn, ngoài tổ chức các cuộc họp trực tuyến, Tổ công tác đã trực tiếp kiểm tra hiện trường 2 dự án của tỉnh Đồng Nai là: Dự án đường ven sông Đồng Nai (cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu); dự án xây dựng cầu Vàm Cái Sứt trên đường Hương lộ 2 nối dài.
Đây là 2 dự án trọng điểm của tỉnh với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven sông Đồng Nai, giảm bớt lưu lượng giao thông trên quốc lộ 51, chia sẻ giao thông nội đô thành phố Biên Hòa, từng bước hoàn thành quy hoạch giao thông tại đây. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn kế hoạch năm 2023 của 2 dự án này đạt thấp. Các vướng mắc ảnh hưởng đến giải ngân vốn đều là vướng mắc trong công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Cụ thể, dự án đường ven sông Đồng Nai còn 174/512 hộ dân chưa đồng ý nhận tiền đền bù; về dự án xây dựng cầu Vàm Cái Sứt, còn 1 hộ dân đến ngày 12/3/2023 mới đồng ý nhận tiền đền bù và đang tiến hành giao mặt bằng cho nhà thầu.
Tổ công tác số 4 do Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng cũng đã có cuộc “thị sát” tại dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình. Dự án có chiều dài 35,5 km và đã hoàn thành được hơn 80% khối lượng công việc.
Rất nhiều các văn bản về công tác giải ngân đã được ban hành
Góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản về lĩnh vực này. Các văn bản của Bộ Tài chính đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác giải ngân vốn đầu tư công trong thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế và kiềm chế lạm phát. Đồng thời, đề nghị các địa phương nghiêm túc thực hiện nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và văn bản của Bộ Tài chính về tăng cường quản lý, thanh toán để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Ngoài việc biểu dương các cấp, ngành của tỉnh Thái Bình trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), sớm bàn giao cho nhà thầu thi công, Tổ trưởng Tổ công tác số 4 cũng chia sẻ những khó khăn do giá nguyên, nhiên liệu tăng cao trong thời gian vừa qua. Đồng thời, yêu cầu nhà thầu huy động tối đa nhân lực, vật tư, phương tiện đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục còn lại, bảo đảm chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật sớm đưa vào khai thác tạo kết nối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thái Bình cũng như các tỉnh trong khu vực…
Các địa phương cam kết nỗ lực giải ngân ở mức cao nhất
Sau khi các Tổ công tác kiểm tra và đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn đã cho thấy có sự tiến bộ rõ rệt trong công tác giải ngân. Các bộ, ngành, địa phương sau khi được kiểm tra, đôn đốc việc giải ngân vốn đầu tư công đều có cam kết sẽ nỗ lực cao nhất để giải ngân đạt kế hoạch đề ra trong năm 2023.
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, dự kiến hết tháng 5/2023, cả nước giải ngân được trên 157.095 tỷ đồng, đạt 20,8% kế hoạch và đạt 22,22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Tỷ lệ này cho thấy đã có sự biến chuyển từ các bộ, ngành, địa phương đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, so với tổng kế hoạch vốn được giao và so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này vẫn có chiều hướng giảm nhẹ.
Do đó, để đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công, rất cần sự vào cuộc quyết liệt và triệt để thực hiện các giải pháp đã đề ra như phân cấp, phân quyền, điều chỉnh dự án, GPMB, triển khai, tổ chức thi công… Nhưng quan trọng nhất, vẫn nằm ở khâu tổ chức thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương.
Giải trình tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 1/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh đến việc triển khai thực hiện. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cùng hệ thống pháp lý mà địa phương này, bộ kia triển khai rất tốt, tỷ lệ giải ngân cao, trong khi địa phương khác, ngành khác lại đạt tỷ lệ thấp. “Đó chính là vấn đề nằm ở khâu tổ chức thực hiện”- ông Dũng nhấn mạnh. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp quan tâm và giám sát ngay địa phương mình, ngành mình để cùng với Chính phủ tạo chuyển biến tích cực hơn trong vấn đề giải ngân đầu tư công trong thời gian tới, góp phần phát triển kinh tế của cả nước.
Về phía Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã yêu cầu các địa phương chỉ đạo, rà soát các dự án đến nay chưa giải ngân được, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, tìm rõ nguyên nhân, có giải pháp xử lý. Kiên quyết cắt giảm vốn các dự án không có khả năng giải ngân để bố trí cho các dự án đã quyết toán, các dự án đã hoàn thành nhưng còn thiếu vốn, các dự án có tiến độ giải ngân tốt, đúng quy định pháp luật.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng yêu cầu các địa phương chỉ đạo các sở, ban, ngành, các chủ đầu tư rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật liên quan đến dự án đầu tư công không còn phù hợp với thực tế như pháp luật về đầu tư công, xây dựng, đấu thầu, đất đai, quy hoạch... trên tinh thần phân cấp, phân quyền, trách nhiệm, giảm tối đa thủ tục hành chính. Tổng hợp, đề xuất nội dung sửa đổi phù hợp với thực tế gửi về Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền sửa đổi cho phù hợp./.