Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước lên tầm cao mới
Nhân dịp Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Quảng Trị lần thứ V, giai đoạn 2020-2025, phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc phỏng vấn Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua- Khen thưởng tỉnh VÕ VĂN HƯNG về những nội dung trọng tâm tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước lên tầm cao mới.
- Trong những năm qua, phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Quảng Trị được triển khai với nội dung, tiêu chí, hình thức phát động có sự đổi mới, bám sát nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương, đạt được nhiều kết quả thiết thực toàn diện trên các lĩnh vực. Các phong trào thi đua tiếp tục phát triển sâu rộng, trong đó trọng tâm là 4 phong trào thi đua: “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, gắn với chào mừng kỷ niệm 30 năm lập lại tỉnh Quảng Trị... đã khơi dậy tiềm năng, tính tích cực, sáng tạo, được đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng với tinh thần “ngành ngành thi đua, người người thi đua”.
Thông qua các phong trào thi đua, xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm, tích cực sáng tạo, góp phần thiết thực vào những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiệu quả của phong trào thi đua đã thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh vượt qua khó khăn, thách thức, duy trì tốc độ tăng trưởng khá.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân 5 năm 2016 - 2020 đạt 7,16%, tăng 1,25 điểm % so với nhiệm kỳ trước và cao hơn bình quân chung của cả nước. Quy mô nền kinh tế gấp 1,41 lần so với năm 2015. GRDP bình quân đầu người đạt 55,4 triệu đồng/năm, gấp 1,6 lần năm 2015, bằng 79,1% của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng khu vực phi nông nghiệp từ 74,47% năm 2015 lên 78,49% năm 2020; giảm tỉ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản từ 25,53% năm 2015 xuống còn 21,51% năm. Huy động và sử dụng vốn đầu tư toàn xã hội có hiệu quả; nhiều dự án trọng điểm đã được khởi động.
Diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi. Toàn tỉnh có 57/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỉ lệ 56,4%, vượt chỉ tiêu nghị quyết (40 - 50%), cao hơn mức bình quân chung của cả nước; có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và huyện Cam Lộ đạt chuẩn nông thôn mới. Văn hóa - xã hội đạt được nhiều tiến bộ; an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện.
Tiềm lực quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có nhiều điểm mới sáng tạo, hiệu quả. Đảng bộ đoàn kết, sáng tạo, Nhân dân đồng thuận, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện cơ bản đạt mục tiêu “đưa Quảng Trị đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước”.
- Thực tiễn quá trình tổ chức các phong trào thi đua yêu nước ở một số ngành, địa phương có lúc, có nơi vẫn còn mang tính hình thức, chạy theo thành tích, hiệu quả chưa cao; việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình chưa kịp thời nhằm tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua. Vậy, công tác thi đua, khen thưởng của tỉnh cần có những đổi mới như thế nào để phong trào thi đua yêu nước đi vào thực chất, hiệu quả, thưa đồng chí?
- Bên cạnh những thành tích xuất sắc đã đạt được, thực tiễn phong trào thi đua cho thấy một số cấp ủy, chính quyền nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng chưa đầy đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới của công tác thi đua, khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị, chưa giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng giữa thi đua và khen thưởng để thúc đẩy phong trào thi đua phát triển. Việc tổ chức tập huấn, tuyên tuyền phổ biến, hướng dẫn Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thực hiện chưa thường xuyên, sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân. Tổ chức, chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực chất, liên tục; nội dung thi đua chưa bắt kịp được yêu cầu nhiệm vụ chính trị; công tác sơ kết, tổng kết phong trào thi đua, việc phát hiện bồi dưỡng, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến chưa được quan tâm đúng mức, việc phát huy vai trò, tác dụng của điển hình tiên tiến còn hạn chế. Bộ máy, cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng ở cấp tỉnh và một số đơn vị, địa phương chưa ổn định làm ảnh hưởng đến chất lượng tham mưu về công tác thi đua, khen thưởng.
Hội đồng Thi đua- Khen thưởng tỉnh nghiêm túc đánh giá rút ra nguyên nhân tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm, từ đó đề ra giải pháp, biện pháp khắc phục để phong trào thi đua yêu nước đi vào thực chất, hiệu quả.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thì khơi dậy tinh thần thi đua ái quốc không chỉ thể hiện lòng nồng nàn yêu nước, mà còn là cách học tập và làm theo Bác Hồ thiết thực nhất.
- Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Quảng Trị lần thứ V, giai đoạn 2020 - 2025 là dấu mốc quan trọng khẳng định bước phát triển mới của phong trào thi đua và công tác khen thưởng; phát huy truyền thống tốt đẹp thi đua ái quốc tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Đề nghị đồng chí cho biết những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm công tác thi đua, khen thưởng của tỉnh trong thời gian tới?
- Nói về nhiệm vụ và giải pháp trong phong trào thi đua, Bác Hồ kính yêu đã căn dặn: “Thi đua ái quốc phải có phương hướng đúng và vững. Nghĩa là phải nâng cao lòng nồng nàn yêu nước và giác ngộ chính trị của mọi người”; “Phải có kế hoạch tỉ mỉ, kế hoạch ấy phải do từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm”... Thấm nhuần và vận dụng sáng tạo những quan điểm tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh, UBND tỉnh, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành và toàn tỉnh tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, chủ yếu công tác thi đua, khen thưởng như sau:
Một là, công tác thi đua, khen thưởng phải huy động cả hệ thống chính trị, mọi cấp, mọi ngành, mọi người, mọi nhà, mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia, tất cả hướng đến vì mục tiêu xây dựng Quảng Trị ngày càng phát triển nhanh, văn minh, hiện đại và bền vững. Trong đó, các cấp ủy đảng đóng vai trò lãnh đạo, đề ra chủ trương, mục tiêu; chính quyền các cấp đề ra chính sách cụ thể; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội tập hợp, hướng dẫn, động viên các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp tích cực hưởng ứng tham gia phong trào thi đua yêu nước.
Hai là, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 3/3/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Quảng Trị lần thứ V, giai đoạn 2020 - 2025. Nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, làm cho phong trào thi đua thực sự trở thành ý thức tự giác, trách nhiệm và thường xuyên của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi đơn vị, cá nhân; tạo thành phong trào hành động cách mạng.
Ba là, tổ chức phát động phong trào thi đua hằng năm, bám sát nhiệm vụ chính trị, thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và từng sở, ngành, địa phương. Đồng thời tổ chức thi đua theo đợt, theo chuyên đề, các nội dung thi đua tập trung theo chủ đề của Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh lần thứ V với tinh thần: “Đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm hành động, thi đua về đích toàn diện”.
Có kế hoạch cụ thể từng năm, từng giai đoạn để phát hiện nhân tố mới, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng các điển hình tiên tiến; thực hiện đồng bộ tốt cả 4 khâu: Phát hiện - bồi dưỡng - tổng kết - nhân rộng điển hình tiên tiến. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt để học tập và làm theo, nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi, cổ vũ mọi người phát huy khả năng và phẩm chất tốt đẹp để đóng góp tích cực cho phong trào thi đua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; đồng thời góp phần tích cực vào việc bồi dưỡng, xây dựng con người phát triển toàn diện, xây dựng nếp sống mới và xã hội văn minh.
Bốn là, đổi mới nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thi đua, khen thưởng. Khen thưởng phải dựa trên cơ sở đánh giá đúng thành tích, đúng tiêu chuẩn, bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng, được dư luận xã hội đồng tình. Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số; khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất.
Năm là, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị. Thông qua kiểm tra, đánh giá nhằm phát hiện và lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, dẫn đầu các phong trào thi đua để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời.
Sáu là, quan tâm củng cố và kiện toàn Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp. Bố trí cán bộ có năng lực và tâm huyết làm công tác thi đua, khen thưởng, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới.
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là những bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, ra sức thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2020 - 2025), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Với tinh thần: “Đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm, hành động, thi đua, về đích toàn diện”, chúng ta biểu thị tinh thần quyết tâm, phấn đấu đưa công tác thi đua, khen thưởng Quảng Trị phát triển lên một tầm cao mới.
- Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Thanh Hải (thực hiện)
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=151963