Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh

Thực hiện Quyết định số 247/QĐ-TTg ngày 6/2/2025 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 10/6/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; UBND tỉnh xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp làm cơ sở để các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh cụ thể hóa bằng kế hoạch, trong đó xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, bố trí nguồn lực và tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chỉ thị số 21-CT/TW, Quyết định số 247/QĐ-TTg và Nghị quyết số 08-NQ/TU.

Để đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, UBND tỉnh đề ra mục tiêu: “Phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp, tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; bảo đảm hình thành lực lượng lao động đủ về số lượng, có trình độ, kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh, bền vững của tỉnh Đồng Tháp; tham gia tích cực vào việc cung cấp nguồn nhân lực có tay nghề cho thị trường lao động khu vực miền Nam và cả nước”.

Đến năm 2030, phấn đấu thu hút từ 50% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Đào tạo lại, đào tạo thường xuyên khoảng 60% lực lượng lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 65%. Trường Cao đẳng được công nhận là trường cao đẳng chất lượng cao và tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4. Các trường trong tỉnh có ngành, nghề đào tạo trọng điểm, có năng lực cạnh tranh vượt trội trong nước và khu vực, trọng tâm các nhóm ngành, nghề nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ và sức khỏe.

Phấn đấu đến năm 2045, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh đủ năng lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong nước và nhu cầu của nước phát triển khi người lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Chất lượng đào tạo thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp bắt kịp trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN và thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.

Để thực hiện đạt và vượt các mục tiêu đề ra, đòi hỏi các sở, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh phải cụ thể hóa thành kế hoạch hằng năm để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp. Nội dung công việc phải cụ thể, gắn với chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của ngành, địa phương; tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; đổi mới phương pháp, hình thức, nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài; khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm bền vững cho người lao động và thế hệ trẻ.

Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục nghề nghiệp và thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng; triển khai hiệu quả các chính sách đào tạo chất lượng cao; cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh đối với nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề có kỹ năng nghề cao và kinh nghiệm thực tiễn nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề. Rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở các cấp; nâng cao năng lực, ổn định và phát triển mô hình tổ chức của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp các cấp, nhất là cấp tỉnh; tăng cường sự phối hợp hiệu quả giữa các sở, ngành, địa phương trong quản lý và phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về giáo dục nghề nghiệp.

Sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động phù hợp với quy hoạch.

Đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên, công nhân, nông dân và người lao động; đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo và tổ chức quản lý đào tạo; phát triển đội ngũ nhà giáo, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp; nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác về giáo dục nghề nghiệp giữa Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp.

Ưu tiên bố trí chi ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp trong tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục - đào tạo và dạy nghề tương xứng với vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp, nhất là cho đào tạo nhân lực chất lượng cao, các ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn. Chủ động, tích cực nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về giáo dục nghề nghiệp; nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho người học và các hoạt động hỗ trợ người học khởi nghiệp, tự tạo việc làm; xây dựng không gian khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp giáo dục nghề nghiệp...

NP

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/giao-duc/tiep-tuc-doi-moi-phat-trien-va-nang-cao-chat-luong-giao-duc-nghe-nghiep-tren-dia-ban-tinh-130559.aspx