Tiếp tục duy trì mục tiêu giảm sinh và nâng cao chất lượng dân số

(QTO) - Những năm qua, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở Quảng Trị chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, góp phần nâng cao chất lượng dân số, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, bác sĩ TRƯƠNG HỮU THIỆN về những nội dung liên quan.

-Đề nghị bác sĩ cho biết những kết quả nổi bật của ngành dân sốkế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh đạt được trong giai đoạn 2010- 2020?

-Thời gian qua, ngành DS-KHHGĐ tỉnh kịp thời tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và chấn chỉnh, giải quyết các khó khăn, vướng mắc mới nảy sinh trong quá trình thực hiện công tác DSKHHGĐ.

Nhờ vậy, vai trò chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác dân số được tăng cường. Hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ của địa phương không ngừng được củng cố, kiện toàn; chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cộng tác viên dân số được quan tâm. Nguồn lực đầu tư của địa phương cho công tác dân số được tăng cường, cơ bản chủ động trong việc triển khai đồng bộ các hoạt động dân số trên tất cả các lĩnh vực quy mô, cơ cấu và nâng cao chất lượng dân số.

Đồng thời, chú trọng triển khai các hoạt động can thiệp đặc thù như tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ đến các xã có mức sinh cao, xã khó khăn; chiến dịch khám sức khỏe cho người cao tuổi; xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình truyền thông trực tiếp tại cộng đồng như mô hình thôn, khu phố không có người sinh con thứ 3 trở lên.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020, công tác dân số của tỉnh tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhận thức và hành vi của người dân đối với các vấn đề dân số đã có sự chuyển đổi căn bản. Trên lĩnh vực quy mô dân số, tiếp tục duy trì được mức giảm sinh; quy mô gia đình 2 con dần trở thành chuẩn mực phổ biến trong xã hội, điều đó được thể hiện mức sinh hằng năm giảm bình quân trên 0,35‰; tỉ lệ các cặp vợ chồng chấp nhận các biện pháp tránh thai hiện đại đạt trên 75%; tỉ lệ phát triển dân số tự nhiên ổn định ở mức dưới 1%.

Trên lĩnh vực cơ cấu, nâng cao chất lượng dân số tiếp tục được triển khai đồng bộ và bước đầu đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể, tốc độ tăng tỉ số giới tính khi sinh đã được khống chế và ở mức dưới 110,1 trẻ trai/100 trẻ gái; tỉ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh bình quân 40%/năm; tỉ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt trên 25%/ năm; tỉ lệ người cao tuổi khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm đạt bình quân 40%/năm.

-Trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, thực tiễn công tác dân số tỉnh Quảng Trị vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Vậy, đâu là nguyên nhân thưa bác sĩ?

-Bên cạnh những thuận lợi thì công tác dân số tỉnh Quảng Trị cơ bản vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần được quan tâm giải quyết. Đó là kết quả giảm sinh chưa bền vững, tổng tỉ suất sinh đang ở mức cao, chưa đạt mức sinh thay thế và có nguy cơ tăng sinh trở lại (tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên những năm trở lại có xu hướng tăng).

Một số địa phương còn có mức sinh rất cao như: Hải Lăng, Gio Linh, Triệu Phong, Đakrông, Hướng Hóa (chiếm trên 60% dân số toàn tỉnh), trong đó Đakrông có đến 3,40 con và Hướng Hóa 2,80 con. Tỉ số giới tính khi sinh còn cao và thiếu ổn định, cụ thể giảm từ 111,2 trẻ nam/100 trẻ nữ (2019) xuống 110,1 trẻ nam/100 trẻ nữ (2020) nhưng năm 2021 tỉ số giới tính lại tăng trở lại và dự kiến trên 111,0 trẻ nam/100 trẻ nữ.

 Tư vấn, tiếp thị các phương tiện tránh thai cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ - Ảnh:K.S

Tư vấn, tiếp thị các phương tiện tránh thai cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ - Ảnh:K.S

Nguyên nhân chủ yếu là do vẫn còn một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở chưa nhận thức một cách đầy đủ tính chiến lược công tác DS-KHHGĐ trong tình hình mới. Những năm trở lại đây, số lượng đảng viên sinh con thứ 3 trở lên tăng nhưng việc xử lý kỷ luật thiếu kịp thời.

Cơ chế phối hợp chỉ đạo, điều hành, điều phối các hoạt động dân số ở cơ sở còn hạn chế; đội ngũ viên chức dân số các cấp thiếu nhạy bén với các vấn đề mới nảy sinh cũng như khả năng dự báo mang tính chiến lược của công tác dân số trong tình hình mới. Nguồn lực đầu tư cho công tác dân số chưa đáp ứng được yêu cầu.

Kinh phí chi cho hoạt động dân số ở tuyến huyện, nhất là công tác tuyên truyền còn hạn chế. Một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng trọng nam hơn nữ nên tiềm ẩn nguy cơ làm trầm trọng thêm vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh và tăng sinh ở một số địa phương. Một số hoạt động chuyên môn chưa được triển khai đồng bộ, phù hợp với yêu cầu của công tác dân số trong tình hình mới...

-Theo bác sĩ, để tiếp tục duy trì mục tiêu giảm sinh và nâng cao chất lượng dân số, thời gian tới, ngành dân số tỉnh cần triển khai các nhiệm vụ, giải pháp gì?

-Thời gian tới, ngành dân số tỉnh tiếp tục tham mưu, tăng cường phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện hiệu quả các nội dung nhiệm vụ của kế hoạch thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam, chương trình truyền thông dân số, chương trình điều chỉnh mức sinh đến năm 2030 và các kế hoạch, các chương trình, đề án về công tác dân số trong tình hình mới.

Đổi mới truyền thông, vận động về dân số, trong đó tiếp tục cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, đảm bảo quyền, trách nhiệm trong việc sinh con, nuôi dạy con tốt. Đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi nhận thức, tạo dư luận xã hội phê phán các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, giáo dục nâng cao y đức, nghiêm cấm lạm dụng khoa học-công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi.

Phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của các ngành, các cấp, nhất là đội ngũ nhân viên y tế-dân số thôn, bản, tổ dân phố. Tận dụng triệt để thế mạnh của công nghệ truyền thông hiện đại, internet, mạng xã hội...trong truyền thông giáo dục về dân số. Ưu tiên triển khai các mô hình can thiệp truyền thông trực tiếp tại cộng đồng. Mở rộng nội dung và các gói dịch vụ liên quan đến chất lượng dân số như sàng lọc trước sinh và tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Nhân rộng các mô hình tư vấn, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng động; mô hình tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; tiếp tục lồng ghép đưa các nội dung sức khỏe sinh sản vị thành niên vào các trường học...

 Giảm sinh sẽ góp phần nâng cao chất lượng dân số, thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội ở các vùng, miền - Ảnh: K.S

Giảm sinh sẽ góp phần nâng cao chất lượng dân số, thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội ở các vùng, miền - Ảnh: K.S

Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số. Phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số. Tiếp tục triển khai các chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh và đề án tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho vị thành niên và thanh niên.

Tham mưu các cấp có thẩm quyền củng cố Ban chỉ đạo Dân số các cấp và kiện toàn tổ chức, xây dựng chức năng, nhiệm vụ của bộ máy làm công tác dân số theo Kế hoạch số 178/KH-UBND, ngày 12/11/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác dân số và phát triển. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ làm công tác dân số các cấp, nhất là tuyến cơ sở nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ dân số đảm bảo về chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác dân số trong tình hình mới.

-Xin cảm ơn bác sĩ!

Kô Kăn Sương (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=163483&title=tiep-tuc-duy-tri-muc-tieu-giam-sinh-va-nang-cao-chat-luong-dan-so