Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Trước diễn biến của dịch Covid-19, trong năm 2021, các bộ, ngành đã rà soát, đưa ra giải pháp cũng như đề xuất gói hỗ trợ lần 2 nhằm tiếp tục giúp người dân và doanh nghiệp vượt khó.
Các chính sách hỗ trợ và sự đồng hành của Chính phủ trong bối cảnh Covid-19 được các doanh nghiệp đánh giá cao, trong đó có chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng.
Giảm lãi suất cho vay
Năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP (ngày 8-4-2020) về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Thực hiện Nghị định 41/2020/NĐ-CP, ngành Thuế đã gia hạn hơn 67.200 tỷ đồng tiền thuế và tiền thuê đất cho 184.900 người nộp thuế, chưa kể gia hạn 20.012 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất trong nước; miễn, giảm 30.200 tỷ đồng cho trên 6 triệu người nộp thuế và giảm khoảng 1.000 tỷ đồng phí, lệ phí.
Theo Bộ Tài chính, để các doanh nghiệp, cá nhân có thêm nguồn lực duy trì và khôi phục sản xuất, Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao Bộ Tài chính xây dựng nghị định về gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất trong năm 2021 cho nhiều đối tượng. Dự kiến, số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn khoảng 115.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, từ thời điểm cuối năm 2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 112/2020/TT-BTC (ngày 29-12-2020) quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19. Theo đó, giảm 10-50% mức thu của 29 loại thuế, phí đến ngày 30-6-2021.
Trong khi đó, để hỗ trợ doanh nghiệp, nhiều ngân hàng tiếp tục thực hiện giãn nợ, điều chỉnh thời hạn trả nợ, đặc biệt là điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ, cũng như các khoản vay mới.
Đơn cử, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm đồng loạt lãi suất vay cho toàn bộ dư nợ hiện hữu và cho vay mới của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến hết ngày 22-5-2021. Với doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực, ngân hàng giảm tới 10% số tiền lãi phải trả. Với các doanh nghiệp còn lại, ngân hàng giảm 5% số tiền lãi phải trả. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng giảm lãi suất 0,2%/năm cho các khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất, kinh doanh.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết, tổng số có 105.000 khách hàng được giảm lãi suất với quy mô tín dụng là 350.000 tỷ đồng, chiếm trên 40% dư nợ của Vietcombank.
Tương tự, Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) cũng đồng hành cùng khách hàng thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế bằng các gói hỗ trợ dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ, với lãi suất từ 3%/năm.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có văn bản yêu cầu các ngân hàng hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, phí, cho vay mới; tiếp tục cải cách, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục...
Cần những giải pháp có tính dài hạn hơn
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, các chính sách hỗ trợ và sự đồng hành của Chính phủ trong bối cảnh dịch Covid-19 vừa qua được các doanh nghiệp đánh giá cao.
Số liệu VCCI phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 12-3 cho thấy, có tới 87,2% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 trong năm 2020. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập trong vòng 3 năm. Vì dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp phải cho lao động nghỉ việc, trong đó, các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ có tỷ lệ lao động phải cho nghỉ việc cao nhất (ở doanh nghiệp tư nhân là khoảng 40%).
Theo ông Vũ Tiến Lộc, bên cạnh các giải pháp trước mắt đã được Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương ban hành, doanh nghiệp kiến nghị những giải pháp có tính chất dài hạn hơn, chẳng hạn, tăng cường đầu tư công, hoàn thiện các công trình hạ tầng, thực hiện các gói kích cầu cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi.
Trong dài hạn, doanh nghiệp cũng cho rằng cần quan tâm phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy sự kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với người tiêu dùng để hình thành các chuỗi cung ứng Việt. Cùng với đó là cải thiện hệ thống pháp luật và tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đưa quan điểm, cần thẳng thắn nhìn vào kết quả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và chủ động xác định doanh nghiệp đang vướng gì và cần gì để tháo gỡ.
“Các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cần tập trung vào mục đích tạo điều kiện để các doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, sự dịch chuyển của chuỗi sản xuất trên phạm vi toàn cầu cũng như Cách mạng công nghiệp lần thứ tư...”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.