Tiếp tục hoàn thiện chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân

Tối 16-5, tiếp tục phiên họp thứ 45, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

Đại diện Chính phủ trình bày tóm tắt báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo nghị quyết, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho biết, ngày 14-5, Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội đã có Báo cáo thẩm tra số 368/BC-UBKTTC15 và Văn phòng Quốc hội đã có thông báo tại Văn bản số 1577/TB-VPQH về Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Tại phiên thảo luận ở tổ và hội trường có 111 ý kiến phát biểu. Bộ Tài chính đã nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình để hoàn thiện Hồ sơ dự thảo Nghị quyết.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: PHẠM THẮNG

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: PHẠM THẮNG

Cụ thể, một số ý kiến cho rằng việc bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh có thể tạo gánh nặng tuân thủ khi hộ kinh doanh phải chuyển sang chế độ kê khai, nộp thuế mới.

Theo Bộ Tài chính, việc bãi bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh là chủ trương rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhằm đảm bảo minh bạch hóa hoạt động của hộ kinh doanh, tạo sự bình đẳng về chế độ thuế giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp. Để tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh kê khai, nộp thuế sau khi bỏ thuế khoán, Bộ Tài chính đã chỉ đạo rà soát để hoàn thiện chính sách thuế, phương pháp tính thuế đối với hộ kinh doanh, đặc biệt là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực thuế, như sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, nhằm đảm bảo thu đúng, thu đủ và giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho hộ kinh doanh. Đồng thời, để giảm gánh nặng chi phí, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi số, dự thảo Nghị quyết đã quy định Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng, thuê, mua các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung để cho hộ kinh doanh sử dụng miễn phí.

Theo đó, tiếp thu ý kiến của một số đại biểu về việc đẩy mạnh triển khai thực hiện chính sách này, dự thảo Nghị quyết đã điều chỉnh thời điểm áp dụng việc bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh từ ngày 1-1-2026, thay vì ngày 1-7-2026 như dự thảo trước đây.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm báo cáo tại phiên họp.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm báo cáo tại phiên họp.

Có ý kiến cho rằng quy định thanh tra, kiểm tra tối đa 1 lần/năm có thể tạo ra lỗ hổng trong quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực, về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho hay, dự thảo Nghị quyết quy định số lần thanh tra, kiểm tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không được quá 1 lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.

Quy định này đã thể chế hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 68-NQ/TW nhằm chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài; lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Quy định tại dự thảo Nghị quyết hướng tới việc giảm thanh tra, kiểm tra trực tiếp; chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm; tăng cường thanh tra, kiểm tra từ xa dựa trên dữ liệu điện tử và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan thực hiện thanh tra, kiểm tra, nên không làm giảm hiệu lực của công tác quản lý nhà nước, không cản trở hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp. Dự thảo Nghị quyết cũng không hạn chế đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra đột xuất khi doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe báo cáo ý kiến đối với nội dung tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân của Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội; thảo luận về các ý kiến còn khác nhau của dự thảo nghị quyết.

Sau thảo luận, Phó chủ tịch Vũ Hồng Thanh đã kết luận về nội dung này.

 Các đại biểu tham dự phiên họp.

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Trong phiên làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; cho ý kiến về việc tạm ứng kinh phí để chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/tiep-tuc-hoan-thien-chinh-sach-dac-biet-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-828640