Tiếp tục hoàn thiện thể chế để thúc đẩy thực hiện hiệu quả các cam kết thuế quan

Đại diện Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, việc ban hành các Nghị định góp phần hoàn thiện việc xây dựng thể chế để tiếp tục triển khai thực hiện các cam kết thuế quan của Việt Nam theo các hiệp định thương mại tư do (FTA), qua đó, tiếp tục tạo thuận lợi, thúc đẩy trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước tạo hiệu ứng tích cực cho phát triển kinh tế Việt Nam.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Sáng 18/5/2023, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức hội thảo “Thực thi hiệu quả cam kết thuế xuất khẩu ưu đãi và nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện các FTA”.

Tăng cường trao đổi thương mại, tạo hiệu ứng tích cực cho phát triển kinh tế

Về phía Bộ Tài chính, có ông Phạm Tuấn Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính); bà Nguyễn Phương Linh – Trưởng phòng Hội nhập tài chính Đa phương, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính); bà Đặng Thị Hải Bình – Phó Trưởng phòng, Cục Giám sát và Quản lý hải quan (Tổng cục Hải quan) và các đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài chính...

Tham dự hội thảo còn bà Trịnh Thị Thu Hiền – Trưởng phòng Xuất xứ, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương); bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI); cùng các đại biểu tham dự hội thảo trực tiếp và trên nền tảng trực tuyến đến từ các bộ, ban ngành, đại diện các Hiệp hội, DN.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Phạm Tuấn Anh cho biết, Việt Nam đang thực hiện cam kết về thuế xuất khẩu ưu đãi, nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong khung khổ 15 FTA và 2 hiệp định thương mại song phương (PTA).

"Để các bộ, ngành, hiệp hội DN và các DN có cái nhìn tổng quan về nội dung 17 nghị định ban hành Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các FTA, Hiệp định Đối tác kinh tế trong giai đoạn mới, tại hội thảo hôm nay, các diễn giả sẽ trao đổi, đánh giá việc thực thi trong thời gian qua, nhận diện các vấn đề cũng như đề xuất các giải pháp hữu hiệu để tận dụng tối đa lợi ích từ việc Việt Nam thực thi nghiêm túc các cam kết về thuế xuất nhập khẩu, qua đó thúc đẩy xuất nhập khẩu, tăng trưởng kinh tế”, ông Phạm Tuấn Anh bày tỏ.

Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Phạm Tuấn Anh phát biểu khai mạc hội thảo.

Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Phạm Tuấn Anh phát biểu khai mạc hội thảo.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Phương Linh – Trưởng phòng Hội nhập tài chính Đa phương (Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính) cho hay, về cơ bản, các nội dung quy định tại các nghị định nêu trên đều kế thừa toàn bộ các quy định tại các Nghị định ban hành Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các FTA/PTA giai đoạn trước đây (2018-2022) nhằm đảm bảo sự ổn định về chính sách và tuân thủ đúng lộ trình cắt giảm thuế quan đã cam kết tại các hiệp định này. Các nghị định phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp; đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; đảm bảo tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Theo bà Nguyễn Phương Linh, để đảm bảo kiểm soát hàng hóa thực tế được nhập khẩu vào các lãnh thổ các nước theo đúng đối tượng và tránh gian lận thương mại, Nghị định quy định điều kiện áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi là có chứng từ vận tải và tờ khai hải quan nhập khẩu hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan thể hiện đích đến thuộc lãnh thổ các nước. Đồng thời, trong thời hạn 01 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai xuất khẩu, người khai hải quan nộp đầy đủ chứng từ chứng minh hàng hóa thỏa mãn quy định và thực hiện khai bổ sung để áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi. Quá thời hạn 01 năm, hàng hóa xuất khẩu không được áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi theo Hiệp định.

Liên quan đến tác động của việc thực thi cam kết ưu đãi, bà Nguyễn Phương Linh nhấn mạnh, các cam kết ưu đãi thuế giai đoạn mới sẽ giúp tiếp tục cơ cấu lại nguồn thu bền vững hơn, giảm tỷ trọng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu; tạo điều kiện tăng hiệu qua phân bổ nguồn lực và cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; đóng góp vào dịch chuyển cơ cấu xuất nhập khẩu và cơ cấu kinh tế, đồng thời làm gia tăng cạnh tranh của hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu.

Khuyến nghị nhằm gia tăng tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan

Về thực thi ưu đãi, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế cho biết, tỷ lệ tận dụng ưu đãi của các FTA đều ở mức cao hầu hết ở mức trên 70%, các FTA mới thực thi như EVFTA, UKVFTA cũng đạt tỷ lệ tận dụng lần lượt 37% và 23%. Tuy nhiên, một số FTA chưa đạt được tỷ lệ tận dụng như mong đợi như với thị trường Trung Quốc theo ACFTA chỉ ở mức 30%, Nhật Bản chỉ đạt 6% theo AJCEP và 17% theo VJEPA.

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho hay, điều khá đáng tiếc là tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan của hàng nhập khẩu thấp hơn hẳn hàng xuất khẩu. Mới đây, Trung tâm WTO và Hội nhập đã tiến hành khảo sát khả năng tận dụng các ưu đãi của Hiệp định EVFTA. Khi được hỏi lợi ích lớn nhất DN nhận được sau 2 năm thực thi EVFTA thì ưu đãi thuế quan là lợi ích lớn nhất mà DN nhận được, trong đó, DN hưởng lợi từ ưu đãi xuất khẩu lớn hơn nhập khẩu. Với một số DN chưa tận dụng được ưu đãi thuế quan, bên cạnh lí do Thuế tối huệ quốc (MFN) bằng 0 thì một số DN cho biết do không biết đến các ưu đãi thuế quan được quy định tại Hiệp định này.

Về tác động của các FTA trong tương lai, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, hầu hết các DN đều đánh giá các FTA sẽ có tác động tích cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, qua đó giảm khó khăn và tạo lợi thế cho Việt Nam khi đàm phán. Tuy nhiên, việc tận dụng các ưu đãi thuế quan trong các hiệp định có những lực cản do biến động của thị trường, năng lực cạnh tranh của DN còn hạn chế...

"Đối với yếu tố lực cản từ nội, DN phải tự thay đổi, còn những lực cản đến từ quá trình triển khai, thực thi cam kết thì DN cần lên tiếng để các cơ quan thực thi có sự điều chỉnh", bà Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh.

Đưa ra các khuyến nghị để DN có thể tận dụng được các cam kết ưu đãi thuế quan của các FTA, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho rằng, DN cần tìm hiểu kỹ các cam kết của các hiệp định. Với 17 hiệp định kèm theo đó là 17 biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, khi DN xuất khẩu hàng sang thị trường nào thì phải tìm hiểu các hiệp định mà Việt Nam đã ký với thị trường đó để nắm rõ các cam kết ưu đãi thuế quan.

Đáng chú ý, nhìn ở góc độ DN, đại diện VCCI kiến nghị cơ quan quản lý cần quy định trực tiếp các điều kiện cơ bản nhất để được hưởng ưu đãi thuế cũng như quy định rõ quy trình hưởng thuế xuất khẩu ưu đãi.

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự, đại diện các DN đã thảo luận các nội dung liên quan đến những vấn đề của DN trong thực thi xuất khẩu ưu đãi, nhập khẩu ưu đãi đặc biệt.

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tiep-tuc-hoan-thien-the-che-de-thuc-day-thuc-hien-hieu-qua-cac-cam-ket-thue-quan.html