Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về tương trợ tư pháp về dân sự
Ngày 18/10, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Tương trợ tư pháp về dân sự. Ông Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế và bà Phạm Hồ Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế chủ trì Hội thảo.
Tạo điều kiện để thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Phạm Hồ Hương, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật quốc tế nêu rõ, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước đem lại nhiều cơ hội phát triển cho các quan hệ, giao lưu giữa các cá nhân và pháp nhân Việt Nam với các cá nhân và pháp nhân nước ngoài, thông qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Đồng thời, với sự phát triển nhanh chóng của quan hệ quốc tế trong bối cảnh hội nhập ngày nay, cùng với chủ trương về cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, cũng đặt ra yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật TTTP về dân sự.
Do đó, trên cơ sở tổng kết của các bộ, ngành về công tác TTTP, Chính phủ đã nhất trí với đề xuất tách Luật TTTP thành các luật riêng điều chỉnh từng lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự, tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, trong đó giao Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng Luật TTTP về dân sự, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV. Việc xây dựng Luật TTTP về dân sự cũng thực hiện nhiệm vụ Hoàn thiện pháp luật điều chỉnh mối quan hệ giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Dự thảo Luật được xây dựng gồm 6 chương, 47 Điều với nhiều điểm mới. Cụ thể, quy định rõ điều kiện để áp dụng pháp luật nước ngoài trong trường hợp không có điều ước quốc tế hoặc điều ước quốc tế không quy định; sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc thực hiện TTTP về dân sự, theo đó Không quy định trực tiếp và chặt chẽ về nguyên tắc có đi có lại mà tiếp cận linh hoạt hơn bằng cách quy định trường hợp có thể từ chối thực hiện TTTP của nước ngoài khi có căn cứ cho rằng nước đó không hợp tác thực hiện TTTP của Việt Nam…; bổ sung và quy định cụ thể hơn về thẩm quyền thực hiện yêu cầu TTTP như cơ quan, tổ chức đang lưu giữ, quản lý thông tin, tài liệu, chứng cứ…
Quy định rõ về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện TTTP
Góp ý tại Hội thảo, ông Lê Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tòa án nhân dân tối cao nhấn mạnh, dự thảo được xây dựng trên cơ sở kế thừa quy định của Luật TTTP hiện hành nhưng có bổ sung nhiều nội dung mới nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế cơ bản của Luật hiện hành và nội luật hóa các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong lĩnh vực TTTP dân sự.
Cụ thể, về thẩm quyền yêu cầu TTTP về dân sự của Việt Nam, ông Lê Mạnh Hùng nêu rõ, theo Luật hiện hành, chỉ Tòa án cấp tỉnh mới có thẩm quyền yêu cầu TTTP trong nước và thực hiện yêu cầu TTTP của nước ngoài; vì vậy gây cản trở trong giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài của tòa án Việt Nam. Dự thảo Luật mới đã có sự mở rộng thẩm quyền hơn, cụ thể quy định tòa án nhân dân là một trong các cơ quan có thẩm quyền thực hiện TTTP. Do đó, việc mở rộng thẩm quyền yêu cầu TTTP về dân sự cho Tòa án nhân dân các cấp là phù hợp với yêu cầu thực tiễn và các quy định pháp luật sẽ có hiệu lực trong thời gian tới.
Theo ông Lê Mạnh Hùng, Luật TTTP hiện hành cũng thiếu cơ sở pháp lý để đa dạng các phương thức thực hiện TTTP mới và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động TTTP về dân sự. Việc quy định cho phép chuyển giao yêu cầu TTTP về dân sự của Việt Nam bằng phương thức điện tử tại dự thảo Luật mới sẽ tạo hành lang pháp lý để đa dạng hóa các phương thức thực hiện; đồng thời rút ngắn thời gian và đem lại hiệu quả tốt hơn cho công tác TTTP. Ông Lê Mạnh Hùng đánh giá, đây là quy định rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, góp phần giảm bớt số lượng hồ sơ bản giấy và bổ sung hồ sơ điện tử.
Từ thực tế công tác tại Bộ Ngoại giao, ông Vi Hoàng Chung, Trưởng phòng Quan hệ lãnh sự, Cục Lãnh sự cho biết, thời gian qua, Bộ Ngoại giao luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan tiếp nhận và chuyển các yêu cầu TTTP của Việt Nam và phía nước ngoài theo đúng quy định. Chỉ tính riêng từ ngày 01/10/2023 đến ngày 30/7/2024, đối với hồ sơ yêu cầu TTTP của Việt Nam, Bộ Ngoại giao đã chuyển 193 hồ sơ cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Để dự thảo Luật hoàn thiện hơn, đại diện Cục Lãnh sự kiến nghị một số nội dung cụ thể như: về trình tự, thủ tục nhận và gửi yêu cầu TTTP về dân sự của Việt Nam và nước ngoài đều có bước vào sổ quản lý hồ sơ, tuy nhiên trình tự này còn chưa đồng nhất khi tiếp nhận, xử lý hồ sơ yêu cầu TTTP; bên cạnh đó, dự thảo Luật chỉ quy định trình tự thủ tục nhận và gửi hồ sơ TTTP về dân sự của Việt Nam tại BNG và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong trường hợp không có điều ước quốc tế về TTTP về dân sự giữa Việt Nam và nước ngoài. Tuy nhiên, trên thực tế, BNG và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có thể phải phối hợp trong trường hợp có yêu cầu thực hiện tống đạt theo kênh ngoại giao, lãnh sự trực tiếp theo Công ước Tống đạt, do đó nên giao Chính phủ quy định chi tiết điều này…
Tại Hội thảo các đại biểu góp ý nhiều nội dung về quy định từ chối, hoãn thực hiện yêu cầu TTTP về dân sự của nước ngoài; trách nhiệm của các cơ quan NN có liên quan trong hoạt động TTTP về dân sự; thẩm quyền yêu cầu TTTP về dân sự; văn bản yêu cầu TTPP về dân sự…