Tiếp tục khẳng định mạnh mẽ tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề chung của nhân loại

Từ ngày 23 - 24/10/2024, Hội nghị các nhà lãnh đạo BRICS mở rộng diễn ra tại thành phố Kazan, Liên bang Nga. Đây là hội nghị quan trọng trong khuôn khổ hợp tác giữa BRICS với các nước đang phát triển. Theo lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, nước Chủ tịch BRICS năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự hội nghị với tư cách khách mời.

Cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn

Đó là thông điệp được đưa ra tại Hội nghị các nhà lãnh đạo BRICS mở rộng lần này. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, chủ đề nêu trên đã khẳng định trọng tâm và ưu tiên của Hội nghị là tăng cường hợp tác, phối hợp giữa BRICS và các nước đang phát triển nhằm chung tay xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho mọi người dân.

Theo đó, các nhà lãnh đạo sẽ tập trung trao đổi về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường kết nối kinh tế giữa BRICS với các nước Nam bán cầu, tăng cường hợp tác trong ứng phó với các thách thức toàn cầu, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xây dựng một hệ sinh thái quản trị toàn cầu cân bằng, hiệu quả, bao trùm, đề cao vai trò và tiếng nói của các nước đang phát triển.

 Biểu tượng BRICS. Ảnh tư liệu: IRNA/TTXVN

Biểu tượng BRICS. Ảnh tư liệu: IRNA/TTXVN

BRICS được thành lập vào năm 2006 ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao, ban đầu gồm 4 nước Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, nâng cấp lên thành Hội nghị thượng đỉnh từ năm 2009. BRICS đang dần trở thành một tập hợp lực lượng của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có quy mô lớn nhất thế giới và tiềm lực ngày càng to lớn, đã và đang trở thành một tổ chức đa phương có uy tín và tầm ảnh hưởng ngày càng tăng, cơ chế hợp tác toàn diện, nhận được sự quan tâm ngày càng lớn của đông đảo các quốc gia trên thế giới.

Điều đặc biệt là BRICS hiện có 2 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; 6 thành viên G20; Đến nay, BRICS đóng góp khoảng 37% GDP toàn cầu (tính theo sức mua tương đương), chiếm gần 50% dân số toàn cầu).

Trước đó, chiều 22/10, Tổng thống nước chủ nhà LB Nga Vladimir Putin đã khai mạc Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển (BRICS) lần thứ 16 tại thành phố Kazan, thủ phủ CH Tatarstan thuộc LB Nga. Hội nghị năm nay có sự tham gia của khoảng 20.000 đại biểu đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 22 nguyên thủ quốc gia, cùng lãnh đạo của 6 tổ chức quốc tế, trong đó có Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres. Đây cũng là hội nghị đầu tiên của BRICS theo định dạng mở rộng gồm 9 nước, ngoài Brazil, LB Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, còn có thêm Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE).

Với chủ đề chính là “Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì sự phát triển và an ninh toàn cầu công bằng”, kết quả của hội nghị thượng đỉnh lần này chắc chắn sẽ củng cố vị thế của BRICS trên trường quốc tế và sẽ phát triển sự hợp tác giữa các nước tham gia trong nhiều lĩnh vực. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn cho rằng Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay còn có thể định hình những nguyên tắc cơ bản mới phát triển thế giới.

Việt Nam - tạo nguồn cảm hứng, khơi dậy khát vọng phát triển phồn vinh trên thế giới

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị BRICS mở rộng là bước triển khai quan trọng đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam là độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế cũng như chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho biết, chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ có nhiều ý nghĩa quan trọng, thể hiện trên một số khía cạnh, cụ thể: Thứ nhất, sự tham dự của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị BRICS mở rộng với chủ đề “Cùng xây dựng tương lai tốt đẹp hơn” là sự khẳng định mạnh mẽ tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề chung của nhân loại.

Cùng với việc tham gia, đóng góp tích cực tại Liên hợp quốc, ASEAN, các cơ chế APEC, G7, G20… và nhiều sáng kiến hợp tác, liên kết kinh tế toàn cầu, việc tham dự Hội nghị BRICS mở rộng là minh chứng cho cam kết và trách nhiệm của Việt Nam cùng đồng hành với các nước trong cộng đồng quốc tế, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế và đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, cùng nâng cao tiếng nói của các nước phát triển trong nỗ lực góp phần vun đắp hòa bình, thúc đẩy hợp tác và phát triển trên thế giới.

Thứ hai, sự tham gia của Việt Nam cùng thảo luận với các nền kinh tế lớn, các nền kinh tế mới về những vấn đề đang đặt ra để đóng góp xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò, tầm vóc của Việt Nam đối với các vấn đề phát triển của nhân loại; chuyển tải hình ảnh về một Việt Nam hòa bình, hợp tác, phát triển, năng động, đổi mới, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước.

Thứ ba, thông qua việc tham dự Hội nghị, Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác với Liên bang Nga và các nước.

Riêng với quan hệ hợp tác với Liên bang Nga, theo nhìn nhận của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại LB Nga Đặng Minh Khôi, đây là dịp để hai bên thúc đẩy triển khai kết quả các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước thời gian qua, nhất là chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Putin (20/6/2024), cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với Tổng thống Putin (8/8/2024) cũng như chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn (8-10/9/2024).

Lãnh đạo hai nước sẽ tập trung trao đổi về những phương hướng lớn trong hợp tác song phương trong thời gian tới cũng như trao đổi những vấn đề cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, năng lượng, dầu khí, khoa học công nghệ, giáo dục, văn hóa, góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga ngày càng phát triển, cả về bề rộng lẫn chiều sâu, hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nga vào đầu năm 2025.

Nước chủ nhà hết sức coi trọng sự tham dự của Việt Nam tại Hội nghị BRICS+ lần này. Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu tiên tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS+ tại Kazan từ ngày 23-24/10 mở ra triển vọng hợp tác mới giữa Việt Nam và BRICS, trước hết là cơ hội để thúc đẩy hợp tác sâu rộng với các quốc gia thành viên và đối tác của BRICS, đồng thời cho phép tiếp cận với các cơ chế, nguồn lực dồi dào, thị trường rộng lớn của BRICS phục vụ cho các mục tiêu phát triển đất nước, cũng như cơ hội phối hợp nỗ lực trong giải quyết các vấn đề cấp bách của chương trình nghị sự toàn cầu.

Có thể nói, việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS+ tại Kazan từ ngày 23-24/10 mở ra triển vọng hợp tác mới giữa Việt Nam và BRICS, trước hết là cơ hội để thúc đẩy hợp tác sâu rộng với các nước thành viên và đối tác của BRICS, đồng thời cho phép tiếp cận với các cơ chế, nguồn lực dồi dào, thị trường rộng lớn của BRICS phục vụ cho các mục tiêu phát triển đất nước cũng như cơ hội phối hợp nỗ lực trong giải quyết các vấn đề cấp bách của chương trình nghị sự toàn cầu.

Trên hết, như nhìn nhận của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham gia tích cực và đóng góp trách nhiệm tại Hội nghị BRICS mở rộng tiếp tục minh chứng cho khát vọng vươn lên của dân tộc Việt Nam, từ một quốc gia trải qua biết bao đau thương, mất mát, khó khăn, nay đang tự tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, khẳng định vị thế là đối tác tin cậy, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tạo nguồn cảm hứng, khơi dậy khát vọng phát triển phồn vinh trên thế giới.

Thư Trang

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tiep-tuc-khang-dinh-manh-me-tinh-than-chu-dong-tich-cuc-trach-nhiem-cua-viet-nam-trong-giai-quyet-cac-van-de-chung-cua-nhan-loai-post318213.html