Tiếp tục khẳng định vị thế của kinh tế tập thể

Kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là các HTX giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trải qua quá trình lịch sử, các HTX trên địa bàn tỉnh đã đóng góp thiết thực, hiệu quả vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng Tổ quốc và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

HTX nông nghiệp hữu cơ Bắc Bộ, xã Chương Xá, huyện Cẩm Khê chuyên trồng măng tây, hướng tới xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

(baophutho.vn) - Kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là các HTX giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trải qua quá trình lịch sử, các HTX trên địa bàn tỉnh đã đóng góp thiết thực, hiệu quả vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng Tổ quốc và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, ngày 11/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư kêu gọi điền chủ, nông gia Việt Nam tham gia HTX nông nghiệp. Sau lời kêu gọi của Người, hàng loạt cơ sở kinh tế hợp tác (lúc đó gọi là tổ đổi công, tổ vần công) được hình thành rồi đến các HTX phát triển mạnh từ những năm 50 của thế kỷ trước. Tại tỉnh Phú Thọ, một số địa phương xuất hiện các tổ đổi công từng vụ, từng việc. Thời kỳ này, kinh tế hợp tác có những đóng góp tích cực trong việc bảo đảm hậu cần cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, động viên sức người, sức của cho tiền tuyến.Từ năm 1955 đến năm 1960, các HTX góp phần to lớn vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh, thực hiện thắng lợi công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Trong quá trình thực hiện cải cách ruộng đất, Phú Thọ được Trung ương chọn làm nơi xây dựng HTX nông nghiệp thí điểm để rút kinh nghiệm, chuẩn bị những bước tiếp theo trên phạm vi toàn miền Bắc. Từ năm 1958, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở tỉnh được đẩy mạnh. Từ năm 1961 đến năm 1965, phong trào kinh tế hợp tác, HTX tiếp tục được đẩy mạnh, khắp nơi thi đua khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích canh tác. Từ năm 1965 đến năm 1975, mặc dù trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt, phong trào HTX giai đoạn này tiếp tục được củng cố và phát triển. Khu vực KTTT, HTX trở thành một lực lượng kinh tế quan trọng trong nền kinh tế của hậu phương lớn miền Bắc.Sau chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, các tổ hợp tác, HTX tiếp tục phát triển, đóng góp quan trọng cho công cuộc phục hồi, tái thiết nền kinh tế sau chiến tranh. Từ năm 1997 trở lại đây, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, khu vực KTTT, HTX có những đổi mới quan trọng. Kể từ khi Luật HTX đầu tiên chính thức có hiệu lực từ 1/1/1997 và tiếp đó là Luật HTX năm 2003, Luật HTX năm 2012 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho khu vực KTTT phát triển. Từ thực tiễn sinh động của quá trình đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, HTX trong tỉnh đã có sự thay đổi theo hướng tích cực. Toàn tỉnh hiện có trên 1.300 tổ hợp tác; 581 HTX, trong đó 407 HTX nông nghiệp, 75 HTX tiểu thủ công nghiệp, 39 quỹ tín dụng nhân dân và 60 HTX hoạt động trong nhiều lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải, vệ sinh môi trường, điện năng... tổng số vốn hoạt động, giá trị tài sản của HTX đến hết năm 2020 đạt trên 5.400 tỉ đồng. Nhiều HTX đã tổ chức tốt các hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, năng động hơn trong cơ chế thị trường, riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp có 61 HTX có hoạt động liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; 24 HTX bước đầu ứng dụng công nghệ cao, 18 HTX đăng ký nhãn hiệu tập thể, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; 18 sản phẩm của 14 HTX, tổ hợp tác đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên. Các HTX tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng nông thôn mới. Được thành lập năm 1963 từ phong trào “hợp tác hóa” trên toàn miền Bắc, trải qua nhiều thăng trầm theo từng giai đoạn phát triển của đất nước, HTX nông nghiệp Thượng Nông, xã Dân Quyền, huyện Tam Nông vẫn khẳng định được vị thế. Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Giám đốc HTX cho biết: Đáp ứng từng giai đoạn phát triển, tiếp nối truyền thống lịch sử, HTX có những thay đổi để thích ứng với tình hình mới. Từ những dịch vụ ban đầu về thủy nông, bảo vệ sản xuất, HTX đã đa dạng hóa, xây dựng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. HTX mở rộng, nâng cao chất lượng các dịch vụ, liên kết với các đơn vị ngoài tỉnh để cơ giới hóa đồng bộ từ làm đất đến thu hoạch sản phẩm và liên kết sản xuất lúa giống, chuối, ớt...Để thúc đẩy khu vực KTTT, HTX của tỉnh phát triển theo xu thế hợp tác, liên kết, hội nhập, đồng chí Nguyễn Quốc Dũng-Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần đưa KTTT, HTX của tỉnh phát triển nhanh, hiệu quả, đa dạng về loại hình, hình thức hợp tác ở các ngành nghề, lĩnh vực, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban đổi mới và phát triển KTTT tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện các giải pháp phát triển KTTT, HTX tại địa phương. Tiếp tục thu hút các nguồn lực đầu tư hỗ trợ các HTX phát triển các sản phẩm mới, đổi mới quy trình, công nghệ sản xuất, mở rộng quy mô, thu hút thêm thành viên. Tăng cường các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các HTX, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, lao động kỹ thuật có tay nghề trong các HTX. Thường xuyên hỗ trợ các HTX kết nối, tiêu thụ sản phẩm bằng nhiều hình thức, tham gia các hội chợ, triển lãm, trưng bày giới thiệu sản phẩm.

Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202108/tiep-tuc-khang-dinh-vi-the-cua-kinh-te-tap-the-178928