Tiếp tục khởi động dự án đường vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh
Các địa phương gồm: Bà Rịa -Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, nối tiếp là tỉnh Bình Dương đang tiếp tục khởi động triển khai dự án đường vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh trước khi trình Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội phê duyệt, thông qua.
UBND tỉnh Bình Dương vừa cho biết, UBND tỉnh đang giao Tổng Công ty Becamex IDC lập đề án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh gồm: Đoạn đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài 48,3km, quy mô 8 làn xe cao tốc, đã được đầu tư nhiều đoạn tuyến với tổng chiều dài gần 23km, gồm đoạn cầu Thủ Biên - Đất Cuốc; đoạn qua VSIP IIA; đoạn qua Khu công nghiệp Mỹ Phước 3 - cầu Thới An; đoạn cầu Thới An - ĐT748 (huyện Bắc Tân Uyên). Để đầu tư đồng bộ toàn tuyến, lãnh đạo tỉnh Bình Dương yêu cầu đẩy nhanh tiến độ lập đề án, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho cơ chế thực hiện.
Hiện ngành chức năng tỉnh Bình Dương đang tham mưu công tác giải phóng mặt bằng, đồng thời ưu tiên bố trí nguồn vốn thực hiện dự án. Trước mắt, các đoạn tuyến đã được xây dựng sẽ tính toán nối tuyến phù hợp quy hoạch được duyệt.
Trước đó, ngày 9/8, UBND TP.Hồ Chí Minh giao Sở Giao thông Vận tải thành phố chuẩn bị dự án đầu tư đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh đoạn từ sông Sài Gòn đến kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn) theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Dự án có điểm đầu giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), điểm cuối tại cảng Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh); tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 100.000 tỷ đồng. Dự kiến, dự án khởi công năm 2024, đưa vào sử dụng năm 2028.
UBND TP. Hồ Chí Minh cũng giao Sở Giao thông thành phố chịu trách nhiệm phối hợp các sở, ngành liên quan của các tỉnh, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi và thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan theo quy định.
Đầu tháng 5/2022, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã phát đi văn bản yêu cầu các đơn vị chuẩn bị một số nội dung trong lĩnh vực môi trường để thực hiện dự án đường Vành đai 4 - TP. Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao UBND huyện Châu Đức thống kê sơ bộ ban đầu đối với các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân có đất bị thu hồi; giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Tổng Công ty Tư vấn giao thông vận tải (TEDI) rà soát việc xây dựng khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thực hiện dự án.
Ngoài ra, tỉnh cũng yêu cầu các sở ngành liên quan rà soát quỹ đất 2 bên đường dự án để lập phương án tổ chức bán đấu giá tạo nguồn vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn./.
Dự kiến đường vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh có tổng chiều dài khoảng 200km, đi qua 5 tỉnh, thành phố gồm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 18km, Đồng Nai 45km, Bình Dương 49km, TP. Hồ Chí Minh 17km, Long An 71km với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 100.000 tỷ đồng.