Tiếp tục làm sâu sắc hơn lý luận về mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương

Hội thảo khoa học 'Mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước' là một trong những hoạt động trọng tâm trong chuỗi các hoạt động tiếp theo của Đề án 'Tổng kết mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới của đất nước và tầm nhìn định hướng đến năm 2050' được Tỉnh ủy Bình Dương và Hội đồng Lý luận Trung ương ký kết thực hiện. Để chuẩn bị cho hội thảo diễn ra thành công, thời gian qua, Tỉnh ủy Bình Dương và Hội đồng Lý luận Trung ương đã phối hợp thực hiện nhiều nội dung, công việc liên quan...

Tọa đàm kết hợp khảo sát thực tế

Để chuẩn bị cho việc tổ chức Hội thảo khoa học “Mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước”, thời gian qua, Tỉnh ủy Bình Dương và Hội đồng Lý luận Trung ương đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động liên quan phục vụ hội thảo. Bên cạnh việc phân công cụ thể trách nhiệm, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội đồng Lý luận Trung ương, Tỉnh ủy Bình Dương, Ban Chủ nhiệm đề án đã huy động các thành viên, chuyên gia thực hiện đề án; các đơn vị, cá nhân liên quan các lĩnh vực tham gia triển khai tổ chức thực hiện hội thảo.

Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam khảo sát, làm việc tại Bình Dương. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Để việc tổ chức hội thảo bảo đảm thiết thực, hiệu quả, khoa học, nhằm góp phần làm sáng tỏ và giải quyết những vấn đề lý luận, thực tiễn đang đặt ra, Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Bình Dương đã phối hợp tổ chức tọa đàm khoa học “Thực trạng mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương và ý nghĩa trong tiến trình đổi mới đất nước”. Buổi tọa đàm khoa học do GS.TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Trưởng Tiểu ban Kinh tế Hội đồng Lý luận Trung ương đồng chủ trì. Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học, lãnh đạo quản lý đã tập trung trao đổi, thảo luận, bình luận, làm rõ hơn, sâu sắc hơn những đặc điểm, đặc thù, những điều kiện và đặc biệt là nguyên nhân dẫn đến sự thành công của Bình Dương; từ đó rút ra những bài học phục vụ cho nhiệm vụ tổng kết mô hình phát triển không chỉ cho tỉnh Bình Dương mà cho cả nước. Đồng thời, tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến thảo luận, tham luận đã đề cập đến những cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo; từ đó xác định những mục tiêu, nhiệm vụ và đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra.

Các hoạt động khảo sát thực tế, tổ chức tọa đàm khoa học và trước đó là hội thảo khoa học “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và triển vọng” đã làm sâu sắc hơn lý luận về mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và 25 năm tỉnh Bình Dương xây dựng phát triển…

Bên cạnh tổ chức tọa đàm khoa học, vào đầu tháng 10- 2023, đại diện Ban Chỉ đạo, Ban Chủ nhiệm, thành viên, chuyên gia, nhà khoa học tham gia thực hiện đề án và đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã tổ chức khảo sát thực tế tại một số địa phương, đơn vị trong tỉnh nhằm tìm hiểu một số mô hình điển hình, những kinh nghiệm, cách làm hay trong các lĩnh vực qua thực tiễn 25 năm Bình Dương xây dựng và phát triển; đặc biệt là các lĩnh vực: Quy hoạch phát triển tỉnh, mô hình phát triển doanh nghiệp (DN) Nhà nước, mô hình phát triển DN tư nhân, thu hút FDI, phát triển khu công nghiệp gắn với giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường...

Làm sâu sắc hơn lý luận về mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương

Các hoạt động khảo sát thực tế, tổ chức tọa đàm khoa học và trước đó là hội thảo khoa học “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và triển vọng” đã làm sâu sắc hơn lý luận về mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và 25 năm tỉnh Bình Dương xây dựng, phát triển.

Bên cạnh việc tập trung hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tỉnh Bình Dương đang hoàn thiện quy hoạch tổng thể để hiện thực hóa việc xây dựng thành phố thông minh Bình Dương trong tương lai. Trong ảnh: Một góc thành phố mới Bình Dương. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Đặc biệt, mới đây vào đầu tháng 11-2023, đoàn khảo sát (nhóm 2) của Ban Chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) trong 40 năm qua ở Việt Nam do ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương làm trưởng đoàn đã khảo sát về phát triển nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN tại tỉnh Bình Dương. Báo cáo tổng kết về phát triển nền KTTT định hướng XHCN trên địa bàn tỉnh, cho thấy: Trên cơ sở nhận thức lý luận, quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển KTTT định hướng X H C N , qua hơn 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đã tập trung chuyển đổi mô hình phát triển, chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp kém phát triển, dựa nhiều vào thành phần kinh tế có vốn Nhà nước sang nền kinh tế nhiều thành phần, lấy kinh tế Nhà nước làm lực lượng dẫn dắt, đi đầu và kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài làm động lực chính trong phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Đồng thời với phát triển kinh tế, tỉnh luôn chú trọng chăm lo, phát triển mọi mặt đời sống văn hóa xã hội, không ngừng nâng cao mức sống, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân sinh sống và làm việc trên địa bàn.

Các đại biểu tham gia khảo sát khi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã khẳng định, trong 25 năm qua, Bình Dương đã có bước chuyển mình ấn tượng. Tỉnh đã tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư, đồng thời lấy DN Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch rất nhanh theo hướng hiện đại; mô hình tăng trưởng kinh tế ngày càng dựa nhiều vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, Bình Dương đã đặt người dân làm trung tâm, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, trong khi chính quyền tiếp tục kiến tạo cho sự phát triển xuyên suốt...

Việc tổ chức hội thảo khoa học “Mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước” cũng như việc thực hiện Đề án “Tổng kết mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới của đất nước và tầm nhìn định hướng đến năm 2050” nói chung là cơ sở thực tiễn rất quan trọng để đánh giá thật toàn diện, đầy đủ, sâu sắc về mô hình phát triển của Bình Dương trong 25 năm qua, xác định tầm nhìn, định hướng, những đột phá phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới. Tin rằng, với sự chuẩn bị chu đáo của các đơn vị liên quan, hội thảo khoa học sẽ diễn ra thành công, góp phần làm sâu sắc hơn lý luận phát triển của tỉnh Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung trong gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và những vấn đề đặt ra trong giai đoạn mới.

Trên cơ sở nhận thức lý luận, quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển KTTT định hướng XHCN, qua hơn 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đã tập trung chuyển đổi mô hình phát triển, chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp kém phát triển, dựa nhiều vào thành phần kinh tế có vốn Nhà nước sang nền kinh tế nhiều thành phần, lấy kinh tế Nhà nước làm lực lượng dẫn dắt, đi đầu và kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài làm động lực chính trong phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ…

TRÍ DŨNG

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/tiep-tuc-lam-sau-sac-hon-ly-luan-ve-mo-hinh-phat-trien-cua-tinh-binh-duong-a311950.html