Tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
Kinh tế tập thể Lâm Đồng mà nòng cốt là kinh tế hợp tác xã (HTX) đi qua một năm đạt những kết quả khả quan trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết gắn với chế biến, tiêu thụ trên thị trường, tạo nền tảng xuất phát mới để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.
• HTX TĂNG DOANH THU VÀ LỢI NHUẬN 30% MỖI NĂM
Bà Đinh Thị Thi, Giám đốc HTX Dược liệu Như Ý ở xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương cho biết, từ quy mô hộ gia đình phát triển thành quy mô HTX sản xuất các sản phẩm cây dược liệu từ năm 2018 đến nay đã tăng doanh thu và lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước từ 30% trở lên. Thành công này bắt đầu từ hộ gia đình bà Đinh Thị Thi mạnh dạn chuyển đổi 5.000 m2 diện tích cà chua và các loại rau màu trồng ngoài trời gặp mùa màng thất bát, thu nhập bấp bênh sang trồng cây đương quy từ năm 2016. Đến năm 2018, bà Thi cơ bản xây dựng được quy trình kỹ thuật trồng cây đương quy, nên đã nhân rộng lên đến 4 ha chuyên canh các loại cây dược liệu trên đất Đạ Ròn, huyện Đơn Dương.
Từ đó bên cạnh kết nối với khách hàng tiêu thụ trong nước, bà Thi còn mở rộng liên kết trồng cây đương quy nói riêng, các loại cây dược liệu nói chung lên đến 15 ha của gần 10 hộ thành viên HTX Như Ý tại các vùng nông nghiệp huyện Đơn Dương. Ngoài ra HTX còn hợp đồng sản xuất, bao tiêu các sản phẩm dược liệu sản xuất trên diện tích 20 ha của 20 hộ ngoài thành viên trên địa bàn huyện Đức Trọng, Di Linh. Đến nay, thị trường ba miền Bắc, Trung, Nam trong nước đã có vị trí cho những sản phẩm của HTX Dược liệu Như Ý của Đơn Dương, Lâm Đồng như: đương quy, hoàng kỳ, đan sâm, hà thủ ô, hà thủ ô sơ chế dạng tươi, dạng khô; rượu đương quy, trà đương quy túi lọc, bột hà thủ ô, trà atiso, hoa atiso, cao atiso...
“Tất cả những sản phẩm của HTX Dược liệu Như Ý chúng tôi đã được cấp Chứng nhận tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến như VietGAP, HACCP, OCOP 3 sao cấp huyện và 4 sao cấp tỉnh. Điểm mạnh của HTX chúng tôi phát triển vùng nguyên liệu tại Lâm Đồng với quy trình khép kín từ trồng, thu hái, sơ chế, chế biến thành phẩm để đưa ra thị trường. Mục tiêu của HTX thời gian tới sớm phấn đấu trở thành HTX top 3 về sản xuất, chế biến dược liệu tự nhiên của Việt Nam…”, Giám đốc HTX Dược liệu Như Ý Đinh Thị Thi chia sẻ.
• 40% HTX SẢN XUẤT, KINH DOANH ĐẠT LOẠI KHÁ TRỞ LÊN
Theo UBND huyện Đơn Dương, HTX Dược liệu Như Ý là một trong các HTX trên địa bàn huyện Đơn Dương đã và đang xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm uy tín trên thị trường, góp phần ổn định việc làm, thu nhập thường xuyên cho lao động địa phương. Toàn huyện Đơn Dương hiện có hơn 30 HTX, phần lớn hoạt động sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp với tổng số lao động làm việc thường xuyên hơn 900 người, thu nhập bình quân 80 - 90 triệu đồng/người/năm.
Thống kê trên toàn tỉnh Lâm Đồng đến nay có gần 377 HTX nông nghiệp, tăng gần 10 HTX so với năm 2021, doanh thu bình quân hơn 2,6 tỷ đồng/HTX/năm, lợi nhuận bình quân khoảng 300 triệu đồng/HTX/năm. Đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, đa số các HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả doanh thu và lợi nhuận đều hình thành chuỗi liên kết trong tổ chức sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ ổn định trên thị trường. Tất cả thành viên tham gia trong HTX đều sản xuất theo kế hoạch và nhu cầu khách hàng, đảm bảo quy trình kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Tiêu biểu bên cạnh HTX Dược liệu Như Ý nói trên là các HTX Anh Đào, SunFood (thành phố Đà Lạt); Laba Banana Đạ K’nàng (huyện Đam Rông); An Phú, Tiến Huy (huyện Đức Trọng)…
Tiếp tục củng cố, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động HTX nông nghiệp qua năm 2023 phấn đấu thành lập mới 20 HTX, nâng tổng số lên 577 HTX. Trong đó có 65 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, đồng thời đạt tỷ lệ 40% HTX xếp loại khá trở lên. Giải pháp trọng tâm để đạt mục tiêu này, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục đề xuất và triển khai các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu tập trung theo quy hoạch như giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, thủy lợi, kho chứa sản phẩm… phục vụ cho nhu cầu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của HTX. Cùng với đó tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX, vận động người thu mua sản phẩm tham gia vào HTX để làm cầu nối sản xuất, chế biến nông sản theo hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân. Qua đó, tăng cường liên kết giữa các hộ nông dân, doanh nghiệp, HTX để mở rộng quy mô sản xuất áp dụng công nghệ tiên tiến và sản xuất hàng hóa lớn; hình thành các chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nông sản trên địa bàn.
“Từ nay đến năm 2025, tập trung các nhóm giải pháp phát triển các HTX nông nghiệp mới tại các làng nghề, khu vực sản xuất nông nghiệp quy mô lớn gắn với sản phẩm chủ lực địa phương, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì, thực hiện truy xuất nguồn gốc, nhằm góp phần không ngừng nâng cao giá trị thương hiệu nông sản Lâm Đồng trên thương trường…”, theo định hướng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng.