Tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác Tư pháp tại Tiền Giang
Ngày 8/1, Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang tổ chức hội nghị triển khai công tác Tư pháp năm 2021. Đồng chí Phạm Văn Trọng – Phó chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Nguyễn Thị Đang – Giám đốc Sở Tư pháp đồng chủ trì hội nghị.
Trong năm 2020, ngành Tư pháp tỉnh Tiền Giang đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, trình UBND cùng cấp phê duyệt và triển khai trên tinh thần Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả. Các nhiệm vụ được cấp ủy, chính quyền địa phương giao đều thực hiện đạt và vượt so với chương trình, kế hoạch đã đề ra. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương.
Trong năm vừa qua, toàn tỉnh Tiền Giang đã ban hành được 63 văn bản. Sở Tư pháp đã phối hợp với các sở, ngành để lập, thảo trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật đúng tiến độ 100%.
Công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện với 469 văn bản, qua đó đã đề nghị xử lý 110 văn bản. Riêng các sở, ngành tỉnh đã rà soát 99 văn bản, qua đó, đề xuất Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh ban hành 52 văn bản quy phạm pháp luật và 5 văn bản hành chính để thay thế; sửa đổi, bổ sung 2 nghị quyết và 8 quyết định, công bố 8 quyết định hết hiệu lực, bãi bỏ 6 nghị quyết, 41 quyết nghị và 3 chỉ thị.
Công tác quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, Sở Tư pháp đã phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện đại chúng, tổ chức tuyên truyền, tờ rơi, áp phích… để đa dạng hóa các nguồn tiếp nhận thông tin cho người dân. Huyện Chợ Gạo được cho là địa phương thực hiện nổi trội công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Trong khi đó, công tác hòa giải tại cơ sở ngày càng được nâng cao chất lượng hoạt động. Hiện nay, trên toàn tỉnh có 11.091 tổ hòa giải, trong đó, có những địa phương đạt tỷ lệ hòa giải đạt 90 - 100% như huyện Tân Phú Đông, Tân Phước, Chợ Gạo, thị xã Gò Công; kỹ năng của hòa giải viên từng bước được nâng cao, được trang bị kiến thức về pháp luật, các hòa giải viên nhiệt tình, mẫn cán trong công việc… giúp giảm bớt áp lực xã hôị̣.
Công tác hành chính và bổ trợ tư pháp được triển khai thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và đạt được nhiều kết quả tích cực; giải quyết được số lượng lớn hồ sơ, yêu cầu của công nhân, doanh nghiệp, nhất là trong vấn đề cấp phiếu lý lịch Tư pháp, công chứng…
Trong năm 2021, Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ trong tất cả các công tác; phát động thi đua ngành Tư pháp nhằm khơi dậy khát vọng trong cán bộ công chức. Trong đó, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như:
Tập trung quán triệt và triển khai Nghị quyết Đảng bộ các cấp, kết luận liên quan đến công tác tư pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương, chú trọng đánh giá tác động của chính sách trong các đề nghị xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Nâng cao chất lượng thẩm định gắn với tổ chức thi hành pháp luật; Đẩy mạnh kiểm tra, rà soát các văn bản, đồng thời cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh vào cơ sở dữ liệu quốc giá.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật” giai đoạn 2018 – 2022 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật, gắn với kiểm tra, kiểm soát thủ tục hành chính; tăng cường quản lý nhà nước về xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời, chú trọng công tác hòa giải ở cơ sở, ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định Tư pháp; các Nghị định của Chính phủ; các chiến lược, quy hoạch trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; thi hành Luật trợ giúp pháp lý. Bên cạnh đó, cần chú trọng tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp; đào tạo đội ngũ cán bộ; tổ chức thanh tra, kiểm tra; ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện tốt công tác tham mưu cùng UBND tỉnh các cấp để xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Văn Trọng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh: Trong thời gian tới, Sở Tư pháp cần tiếp tục phát huy những hiệu quả đã đạt được trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhất là công tác hòa giải tại cơ sở; đặc biệt, tổ chức hòa giải phải gắn liền với vận động người dân, nhất là trong vấn đề đất đai. Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú trọng đến công tác phối hợp giữa các ngành chức năng ngay cả cấp cơ sở thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.