Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2024
Chính phủ giao Bộ Tài chính đề xuất việc trình Quốc hội tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định trong thời gian giữa 2 kỳ họp Quốc hội nếu tình hình kinh tế và doanh nghiệp vẫn còn khó khăn.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 164/NQ-CP ngày 4/10/2023 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.
Tuyệt đối không trông chờ, ỷ lại
Tại nghị quyết, để nỗ lực phấn đấu hoàn thành đạt mức cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chính phủ đã giao các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể.
Theo đó, các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tiếp tục tập trung chỉ đạo, chú trọng ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, thu hút vốn đầu tư ngoài nhà nước gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, nhất là việc tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. “Tuyệt đối không trông chờ, ỷ lại, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm” - nghị quyết nêu rõ.
Chính phủ giao các bộ, cơ quan: Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan báo chí hướng dẫn, tuyên truyền việc huy động vốn qua các kênh trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán và các kênh hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Trong lĩnh vực tài chính, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp để bảo đảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 đạt dự toán Quốc hội giao, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu, nhất là từ thương mại điện tử, nền tảng số… và chống thất thu thuế, đặc biệt đối với dịch vụ ăn uống, hoạt động kinh tế ban đêm. Điều hành chi NSNN năm 2023 theo sát dự toán được giao, triệt để cắt giảm các khoản chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cần thiết.
Bộ Tài chính tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã được ban hành. Đối với các chính sách có hiệu lực hết năm 2023, chủ động nghiên cứu, rà soát, xem xét, kịp thời đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền gia hạn trong trường hợp cần thiết để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
Theo đó, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, tiếp tục áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đã quy định tại Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 trong năm 2024, trình Chính phủ trong tháng 10/2023.
Đồng thời, đề xuất việc trình Quốc hội tiếp tục giảm thuế GTGT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 và trình UBTVQH xem xét quyết định trong thời gian giữa 2 kỳ họp Quốc hội nếu tình hình kinh tế và doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, báo cáo Quốc hội vào kỳ họp gần nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 7/10/2023.
Trên cơ sở đề xuất của các bộ, cơ quan, địa phương về các chính sách phí, lệ phí khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến (như: thu phí, lệ phí 0 đồng hoặc giảm 50% phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thời gian áp dụng đến hết năm 2025), Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 năm 2023.
Trình Chính phủ việc điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất của các địa phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương nghiên cứu, trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 10/2019/NĐ-CP về thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước trong tháng 10/2023; trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 124.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải khẩn trương làm việc với các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long để tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc về vật liệu xây dựng phục vụ xây dựng, san lấp các công trình giao thông trọng điểm, nhất là các dự án đường bộ cao tốc.
Nghiêm túc trình Chính phủ việc điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất của các địa phương đã được Chính phủ chỉ đạo tại Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 10/9/2023 để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6;
Chính phủ yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước khẩn trương hoàn thành việc kiểm điểm, xử lý kỷ luật tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam liên quan đến những khuyết điểm, tồn tại, vi phạm nêu tại Kết luận thanh tra số 4463/KL-BCT ngày 10/7/2023 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý và điều hành cung cấp điện; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/10/2023.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được giao khẩn trương triển khai Quyết định số 78/QĐ-TTg ngày 19/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp”.
Hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các đề án cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc thẩm quyền (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam); chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm và kế hoạch đầu tư 5 năm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai kết luận của Bộ Chính trị về phương án xử lý đối với 3 dự án đạm của Tập đoàn Hóa chất.