Tiếp tục phát huy thành tựu ngoại giao pháp lý đa phương

Thời gian qua, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành cùng nòng cốt là Bộ Ngoại giao, ngoại giao pháp lý đa phương của Việt Nam đã đạt những thành tích nổi bật, góp phần quan trọng vào việc nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ký Hiệp định về Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ) tại New York, Hoa Kỳ ngày 20/9/2023. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ký Hiệp định về Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ) tại New York, Hoa Kỳ ngày 20/9/2023. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Các thành tựu ngoại giao pháp lý đa phương thời gian qua tiếp tục khẳng định hình ảnh Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm, thượng tôn pháp luật trong cộng đồng quốc tế.

Việc tích cực vận dụng và tham gia phát triển pháp luật quốc tế đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, tạo thêm động lực cho việc triển khai thành công các nhiệm vụ quan trọng sắp tới, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại các cơ quan quốc tế

Lần đầu tiên, Việt Nam đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại các cơ chế pháp lý đa phương như Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC), Ủy ban Pháp lý và Kỹ thuật (LTC) thuộc Cơ quan quyền lực đáy đại dương, Ủy ban Luật thương mại quốc tế thuộc Liên hợp quốc (UNCITRAL).

Tại ILC, đại diện Việt Nam – PGS.TS. Đại sứ Nguyễn Hồng Thao tái đắc cử thành viên ILC nhiệm kỳ thứ hai 2023-2027, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ đầu tiên 2017-2022. Việc đại diện Việt Nam tái đắc cử tại ILC – cơ quan có chức năng thúc đẩy pháp điển hóa và phát triển luật pháp quốc tế - là minh chứng cho sự ủng hộ và tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với các nỗ lực và đóng góp tích cực của Việt Nam trong Liên hợp quốc (LHQ) và các thể chế đa phương, khẳng định sự trưởng thành của ngoại giao đa phương và vị thế của Việt Nam trong chủ động đóng góp vào xây dựng luật pháp quốc tế.

Trong lĩnh vực đại dương và luật biển, Việt Nam đã thiết lập và duy trì hiệu quả mạng lưới các chuyên gia của Việt Nam về quản lý biển và đại dương có kinh nghiệm tại các diễn đàn đa phương như Ủy ban Pháp lý và Kỹ thuật (LTC) thuộc Cơ quan quyền lực đáy đại dương (ISA), Tiến trình tham vấn không chính thức về đại dương và luật biển...

Năm 2022, PGS. TS. Đào Việt Hà là người Việt Nam đầu tiên trúng cử vị trí thành viên LTC nhiệm kỳ 2023-2027. Đây là cơ quan chuyên môn của ISA, được thành lập trên cơ sở Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, có chức năng đưa ra các khuyến nghị để ISA thực hiện nhiệm vụ quản lý các hoạt động thăm dò và khai thác tài nguyên phi sinh vật ở đáy biển khơi.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên là thành viên của UNCITRAL (2019-2024), Việt Nam đã tham gia một cách tích cực, thực chất vào quá trình xây dựng các quy định về thương mại quốc tế, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của đất nước, nâng tầm đối ngoại đa phương. Qua đó, các bộ, ngành liên quan đã chủ động nắm bắt các xu thế phát triển của pháp luật thương mại quốc tế, kinh nghiệm và thực tiễn quốc tế, phục vụ nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật nhằm hướng đến mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế, ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế đất nước... Đại diện của Việt Nam được tín nhiệm, liên tiếp được bầu vào vị trí Báo cáo viên Nhóm công tác II của UNICITRAL hai năm gần đây.

Thúc đẩy quan hệ với các cơ quan pháp lý đa phương đi vào chiều sâu, thực chất

Năm 2022, sau 10 năm nỗ lực không ngừng nghỉ kể từ khi Việt Nam gia nhập Công ước năm 1907 về giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, Văn phòng đại diện Tòa trọng tài thường trực (PCA) đã khai trương tại Hà Nội. Đây là một trong năm văn phòng đại diện của PCA trên toàn thế giới.

Sáng ngày 24/11/2022, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng Tổng Thư ký Tòa trọng tài thường trực (PCA) Marcin Czepelak cắt băng khánh thành Văn phòng đại diện của PCA tại Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh)

Sáng ngày 24/11/2022, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng Tổng Thư ký Tòa trọng tài thường trực (PCA) Marcin Czepelak cắt băng khánh thành Văn phòng đại diện của PCA tại Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh)

Sự kiện không chỉ thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với PCA trên vai trò là cơ quan giải quyết tranh chấp quốc tế nổi tiếng, đóng góp hiệu quả, tích cực vào giải quyết tranh chấp, góp phần duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, mà còn cho thấy cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đề cao Hiến chương LHQ và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có thúc đẩy hòa bình, giải quyết tranh chấp quốc tế.

Kể từ khi thành lập, các hoạt động hợp tác của hai bên được tích cực thúc đẩy, đáng chú ý là các hoạt động nhân kỷ niệm một năm thành lập Văn phòng PCA tại Hà Nội và 125 năm thành lập PCA. Việt Nam là một trong những quốc gia nòng cốt bảo trợ và thúc đẩy thông qua Nghị quyết của LHQ về kỷ niệm 125 năm thành lập PCA.

Thông qua đẩy mạnh hợp tác đi vào chiều sâu với các cơ chế pháp lý quốc tế, Việt Nam tranh thủ được nguồn lực bên ngoài nhằm đào tạo cho đội ngũ cán bộ pháp lý ngày càng phát triển, đáp ứng ngang tầm nhiệm vụ. Bản ghi nhớ hợp tác với Ban thư ký UNCITRAL về hợp tác hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam, Bản ghi nhớ với Viện Luật quốc tế La Hay về đào tạo cán bộ... đều là kết quả của quá trình xây dựng và thúc đẩy quan hệ hợp tác tích cực với các cơ quan này.

Thúc đẩy mạnh mẽ vai trò thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với các vấn đề quan tâm chung của nhân loại

Riêng trong năm 2023, Việt Nam đã tham gia hai thủ tục ý kiến tư vấn của cơ quan tài phán quốc tế gồm Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) và Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu. Điều này không chỉ khẳng định ưu tiên, quan tâm của các cấp, các ngành, của cả nước đối với vấn đề biến đổi khí hậu, mà còn thể hiện sự coi trọng và ủng hộ của Việt Nam đối với các cơ quan tài phán quốc tế.

Lần đầu tiên Việt Nam tham gia đầy đủ các giai đoạn của thủ tục xin ý kiến tư vấn của Tòa ITLOS về nghĩa vụ của các nước liên quan đến biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng tham gia Nhóm nòng cốt bảo trợ Nghị quyết xin ý kiến tư vấn ICJ về trách nhiệm của các quốc gia đối với biến đổi khí hậu.

Mặc dù trước đó ta từng tham gia hai thủ tục xin ý kiến tư vấn của Tòa ICJ, nhưng mức độ tham gia của Việt Nam đối với hai thủ tục ý kiến tư vấn năm vừa qua đã thể hiện bước phát triển mới trong quan tâm, nhận thức của Việt Nam đối với những vấn đề pháp lý quốc tế quan trọng.

Bên cạnh đó, Việt Nam tích cực tham gia xây dựng “luật chơi” trong các lĩnh vực mới như Hiệp định về Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ), Công ước Tội phạm mạng (AHC)...

Những ý kiến của đoàn Việt Nam trong đàm phán có tác động lớn đến nhiều nội dung quan trọng của các văn kiện này. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên tham gia ký Hiệp định BBNJ vào ngày đầu tiên mở ký 20/9/2023 tại trụ sở LHQ. Đối với Công ước Tội phạm mạng, Việt Nam đóng vai trò điều phối viên các điều khoản về biện pháp thực thi pháp luật, tham gia Nhóm điều hành xây dựng Công ước. Dự kiến, Công ước AHC hoàn tất đàm phán trong năm 2024.

Việt Nam khẳng định khả năng tham gia và dẫn dắt xu thế chung của các quốc gia vừa và nhỏ trong việc xây dựng và vận dụng luật chơi nhằm bảo vệ cao nhất lợi ích quốc gia của mình, trong bối cảnh quốc tế phức tạp hiện nay.

Quyết tâm triển khai thành công nhiệm vụ thời gian tới

Các thành tựu nổi bật trên là tiền đề, động lực để triển khai quyết liệt, thành công các nhiệm vụ của ngoại giao pháp lý đa phương trong thời gian sắp tới.

Vừa qua, Việt Nam quyết định giới thiệu ứng cử viên là PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao vào vị trí thẩm phán ITLOS nhiệm kỳ 2026-2035. Ngay tại Hội nghị các quốc gia thành viên UNCLOS lần thứ 34 (từ ngày 10-13/6, tại New York, Hoa Kỳ), đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ làm trưởng đoàn đã tiến hành các hoạt động đầu tiên trong chiến dịch vận động cho ứng cử viên của ta.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang vận động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với việc tái cử làm thành viên UNCITRAL nhiệm kỳ 2025-2031, sau khi kết thúc nhiệm kỳ 2019-2025.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ và đoàn Việt Nam tại Hội nghị SPLOS-34.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ và đoàn Việt Nam tại Hội nghị SPLOS-34.

Đồng thời, Việt Nam tiếp tục tham gia tích cực vào các hoạt động ngoại giao pháp lý đa phương, như trực tiếp trình bày quan điểm quốc gia tại Tòa ICJ về ý kiến tư vấn liên quan đến biến đổi khí hậu, chủ động xây dựng luật chơi trong khuôn khổ các văn kiện pháp lý quốc tế mới về tội phạm mạng, rác thải nhựa... nhằm bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trong những vấn đề này.

Thời gian tới, việc triển khai các nhiệm vụ ngoại giao pháp lý đa phương cần sự nỗ lực, quyết tâm của các bộ, ngành nhằm đạt các mục tiêu chung, góp phần vào triển khai thắng lợi các chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng trên tinh thần quán triệt sâu sắc chỉ đạo tại văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII và Chỉ thị 25/CT-TW ngày 18/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.

NGUYỄN THÀNH

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tiep-tuc-phat-huy-thanh-tuu-ngoai-giao-phap-ly-da-phuong-274822.html