Tiếp tục phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào phát triển nông nghiệp đang là hướng đi giúp tăng hiệu quả sản xuất và giảm thách thức cho ngành nông nghiệp. Vì vậy, các địa phương trong tỉnh tiếp tục phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp thông minh để từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa quy mô lớn, chất lượng.

Ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào phát triển nông nghiệp đang là hướng đi giúp tăng hiệu quả sản xuất và giảm thách thức cho ngành nông nghiệp. Vì vậy, các địa phương trong tỉnh tiếp tục phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp thông minh để từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa quy mô lớn, chất lượng.

HTX nông nghiệp hữu cơ V-ORGANIC, xã Quyết Chiến (Tân Lạc) sản xuất rau theo tiêu chuẩn hữu cơ, sử dụng phân vi sinh trong quá trình chăm sóc cây trồng.

HTX nông nghiệp hữu cơ V-ORGANIC, xã Quyết Chiến (Tân Lạc) sản xuất rau theo tiêu chuẩn hữu cơ, sử dụng phân vi sinh trong quá trình chăm sóc cây trồng.

Với tổng diện tích đất 8ha, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hữu cơ V-ORGANIC, xã Quyết Chiến (Tân Lạc) đầu tư hệ thống tưới phun mưa tự động để sản xuất các loại rau, củ theo tiêu chuẩn hữu cơ, an toàn. Tất cả các khâu từ làm đất, trồng, chăm sóc và thu hoạch rau đều có cán bộ kỹ thuật giám sát chặt chẽ. Trước khi tiến hành canh tác, toàn bộ thành viên, người lao động được hướng dẫn quy trình sản xuất an toàn và trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động…

Bà Cấn Thị Thùy Trang, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX V-ORGANIC cho biết: Với việc tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu, tiêu chuẩn an toàn, các loại rau do HTX sản xuất đạt vi lượng tốt, được đánh giá có độ ngọt, thơm ngon; năng suất bình quân đạt 60 tấn/ha. Nhờ đó, đầu ra sản phẩm luôn ổn định. 100% sản phẩm được tiêu thụ đều qua hợp đồng với HTX tại Hà Nội, mức giá đảm bảo.

Tiếp tục thực hiện theo quy hoạch được duyệt tại Quyết định số 3030/QĐ-UBND, ngày 23/12/2013 của UBND tỉnh về việc phê duyệt dự án Quy hoạch tổng thể vùng và khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tỉnh, từ năm 2021 đến nay, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC đã được cụ thể hóa tại các đề án, kế hoạch của tỉnh. Năm 2024, các vùng, khu nông nghiệp ứng dụng CNC được Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh cập nhật, điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch tỉnh đến năm 2030. Trong giai đoạn công tác chuyển đổi số trong nông nghiệp được đẩy mạnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và truy xuất nguồn gốc (TXNG), quảng bá sản phẩm nông, lâm, thủy sản, công nghệ vệ tinh viễn thám và hệ thống thông tin địa lý phục vụ quản lý, điều hành đã có những kết quả đáng kể. Trong đó, phải kể đến việc ứng dụng công nghệ vi sinh phục vụ xử lý ô nhiễm môi trường; công nghệ thâm canh quản lý tổng hợp (ICM); công nghệ sản xuất cây trồng, vật nuôi, thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm ngày càng được quan tâm thực hiện... Đến nay, có khoảng 150 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, nhóm, hộ sản xuất áp dụng các công nghệ này được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ cho các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, với tổng diện tích khoảng 2.300ha trồng trọt, trên 200.000 m3 diện tích nuôi trồng thủy sản, 1,6 nghìn tấn sản phẩm thịt/năm. Tỉnh có khoảng 120 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, hầu hết đều áp dụng công nghệ chuồng kín, máng ăn và nước uống tự động. Có 4 cơ sở ứng dụng công nghệ mới trong bảo quản chế biến.

Đối với sản xuất và TXNG sản phẩm nông, lâm, thủy sản, ngành nông nghiệp tỉnh đã hoàn thành và phát hành phần mềm "Quản lý cơ sở dữ liệu sâu bệnh hại”, bao gồm phần mềm chạy trên nền tảng web và ứng dụng trên thiết bị di động. Việc cấp và quản lý mã số vùng trồng trên hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng quốc gia cũng được triển khai. Công nghệ thông tin theo dõi, cập nhật diễn biến rừng gồm ứng dụng di động và phục vụ công tác đo đếm, báo cáo diễn biến rừng được đẩy mạnh. Toàn tỉnh hiện có khoảng 80 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất - kinh doanh nông, lâm, thủy sản tham gia hệ thống TXNG sản phẩm, có 400 sản phẩm được dán tem TXNG, được quảng bá trên hệ thống hb.check.net.vn. Số lượng các đơn vị lắp hệ thống camera có kết nối internet, lập các website công ty quảng bá sản phẩm ngày càng tăng.

Ngoài ra, để giảm công lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí vật tư đầu vào thì công nghệ tưới tiết kiệm; công nghệ sinh học trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản; công nghệ nuôi cấy mô; sử dụng chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong sản xuất... tiếp tục được nhân rộng tại các địa phương trong tỉnh.

Đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Thời gian qua, việc kế thừa và phát huy các ưu điểm của công nghệ sinh học đã bổ sung nhiều giống cây trồng, vật nuôi tạo bộ giống phong phú; công nghệ thâm canh, quản lý cây trồng tổng hợp... đã góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, giảm công lao động, chi phí đầu tư, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm trên cùng diện tích. Sản phẩm nông, lâm, thủy sản được bán trên các ứng dụng số, sàn thương mại điện tử ngày càng nhiều, dễ tiếp cận với nhiều khách hàng trong và ngoài nước. Công nghệ vi sinh phục vụ xử lý ô nhiễm môi trường đã được ứng dụng rộng rãi trong chăn nuôi, đặc biệt ứng dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc thảo dược và phân bón sinh học vào vùng chuyên canh sản xuất. Qua đó từng bước chuyển đổi tập quán sản xuất nặng về phân hóa học sang hữu cơ sinh học, bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại cần tiếp tục khắc phục trong thời gian tới. Chủ yếu là diện tích ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm chiếm tỷ lệ thấp; các cơ sở ứng dụng công nghệ tự động trong chăn nuôi, áp dụng công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm bằng vật liệu mới chưa nhiều, việc bảo quản chế biến sản phẩm nông, lâm sản chủ yếu dùng công nghệ cấp đông...

Thu Hằng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/191976/tiep-tuc-phat-trien-cac-mo-hinh-san-xuat-nong-nghiep-cong-nghe-cao.htm