Tiếp tục phát triển nền nông nghiệp, nông thôn toàn diện, bền vững và hiện đại
Trong vòng 5 năm trở lại đây, nền nông nghiệp Lâm Đồng xuất hiện trên bản đồ nông nghiệp trong nước như một 'dấu son' bởi quá trình 'tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới'. Điều đó chứng tỏ việc thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển 'nông nghiệp, nông thôn' của Lâm Đồng trên thực tế đã mang lại hiệu quả cao mà cơ quan nhận lãnh trách nhiệm thực thi vai trò này chính là ngành nông nghiệp của tỉnh. Nhân Đại hội Đảng bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Lâm Đồng, phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Sơn - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở NN và PTNT Lâm Đồng xoay quanh vấn đề này.
PV: Thưa đồng chí, một trong những chiến lược cốt lõi phát triển nông nghiệp đó là “tái cơ cấu ngành nông nghiệp”. Vậy đồng chí có thể phác thảo bức tranh tổng thể nông nghiệp Lâm Đồng mang diện mạo ra sao sau khi thực hiện nhiệm vụ này?
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn: Không chỉ đẩy mạnh tái cơ cấu ngành mà đi cùng đó còn phải đồng thời thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế; nâng cao giá trị gia tăng, tiếp tục phát triển toàn diện, bền vững và hiện đại.
Đến nay, diện tích đất canh tác nông nghiệp của Lâm Đồng ổn định khoảng 300 ngàn ha và được tổ chức thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phù hợp với lợi thế cạnh tranh của từng tiểu vùng khí hậu trong tỉnh. Đồng thời, việc áp dụng khoa học kỹ thuật và chuyển đổi giống mới được triển khai mạnh mẽ tại các địa phương, đơn vị. Đơn cử trong 5 năm qua, toàn tỉnh chuyển đổi được trên 60.000 ha giống cây trồng và khoảng 29.000 ha cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp sang cây trồng mới giá trị cao, trong đó chuyển đổi 10.000 ha cây ăn quả các loại, 3.000 ha điều, 1.400 ha đất lúa 1 vụ...
Mức độ đầu tư cho sản xuất ngày càng tăng, đặc biệt là đầu tư ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh từ khâu sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ nông sản. Dự kiến hết năm 2020 toàn tỉnh sẽ có 60.200 ha sản xuất công nghệ cao, tăng 17.116 ha so với năm 2015, chiếm 20% diện tích đất canh tác và giá trị sản xuất công nghệ cao chiếm 40% toàn ngành nông nghiệp. Đồng thời đến nay toàn tỉnh đã có 2 vùng sản xuất được UBND tỉnh công nhận vùng sản xuất công nghệ cao và Sở NN và PTNT đang phối hợp các địa phương hoàn thiện hồ sơ để trình UBND tỉnh công nhận thêm 5 vùng. Bên cạnh đó, có 12 doanh nghiệp với tổng quy mô sản xuất 286,8 ha và 3.200 con bò sữa được chứng nhận doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Các yếu tố trên đã góp phần nâng giá trị sản xuất bình quân toàn tỉnh năm 2019 đạt 178 triệu đồng/ha/năm (tăng 33 triệu đồng so với năm 2015). Riêng lĩnh vực chăn nuôi được chuyển dịch dần theo phương thức tập trung, trang trại. Các sản phẩm chăn nuôi không ngừng tăng lên, đa dạng cả về số lượng, chất lượng, tỷ lệ giống vật nuôi mới được cải thiện rõ rệt, đó là tỷ lệ heo giống ngoại đạt trên 95%, đàn bò được Zebu hóa trên 75%; đàn bò sữa tăng 36%, bò thịt tăng 35%, sản lượng cá nước lạnh tăng 25%, kén tằm tăng 150%...
Song song đó, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được hoàn thiện, từng bước hiện đại, công tác quản lý và khai thác công trình có nhiều đổi mới, từ đó phát huy hiệu quả to lớn cho sản xuất nông nghiệp và phục vụ đời sống Nhân dân. Ngoài ra, thông qua dự án phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành, hàng loạt các dự án trọng tâm như dự án cải thiện cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp nông nghiệp; trung tâm giao dịch hoa được thực hiện, các mô hình trung tâm sau thu hoạch được nhân rộng.
Hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Các doanh nghiệp, hợp tác, trang trại không ngừng phát triển cả về số lượng và quy mô. Ngày càng nhiều hình thức liên kết hình thành và phát triển, đặc biệt là mô hình chuỗi giá trị nông sản. Cùng với việc thực hiện thí điểm chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã từng bước giúp tỷ lệ nông sản qua sơ chế chế biến kết hợp với truy xuất nguồn gốc ngày càng tăng, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Lâm Đồng trên thị trường.
Còn trong lâm nghiệp, công tác trồng rừng và khai thác giá trị môi trường rừng tiếp tục được thực hiện tốt, nhằm duy trì và nâng cao độ che phủ rừng; diện tích rừng được tính độ che phủ năm 2020 ước đạt 538.085 ha, tăng 29.678 ha so với năm 2016, nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 55%. Hoạt động chế biến lâm sản chuyển sang chế biến tinh, sử dụng nguồn nguyên liệu từ tỉa thưa rừng trồng, khai thác trắng rừng trồng và nguồn nguyên liệu nhập khẩu để phát triển sản xuất theo đúng chủ trương tái cơ cấu ngành.
PV: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp luôn phải gắn với xây dựng nông thôn mới và đạt kết quả ra sao trong nhiệm vụ kép này, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn: Có thể khẳng định ngay xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Lâm Đồng đã đạt nhiều thành tựu to lớn, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Và để đạt được kết quả này, tái cơ cấu ngành nông nghiệp có một vai trò quan trọng trong việc thay đổi tập quán canh tác, nâng cao trình độ ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân tại khu vực nông thôn, nơi mà phần đông cuộc sống của người dân gắn liền với canh tác nông nghiệp. Qua đó, đã nâng thu nhập của người dân nông thôn đạt 40 triệu đồng/người/năm, tăng 12,1 triệu đồng so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,35%. Ngoài ra, với việc tập trung cơ cấu lại các tiểu ngành thủy lợi, phát triển nông thôn và phối hợp với các ngành liên quan, địa phương triển khai các dự án phát triển hạ tầng nông thôn đã căn bản thay đổi diện mạo nông thôn, đáp ứng được yêu cầu của sản xuất và phục vụ đảm bảo đời sống, sinh hoạt của người dân.
Dự kiến hết năm 2020 toàn tỉnh sẽ có 94,6% số xã (105/111) đạt chuẩn NTM, 6 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM. Đề án thí điểm xây dựng huyện Đơn Dương đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh đang được sự quan tâm chỉ đạo tích cực của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để các cấp, ngành cùng với UBND huyện triển khai thực hiện theo đúng mục tiêu đề ra.
PV: Để có được nền nông nghiệp phát triển không thể thiếu dấu ấn lãnh đạo, chỉ đạo về quản lý nhà nước cũng như sự hỗ trợ kịp thời đối với sản xuất?
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn: Để ngành NN và PTNT phát triển theo đúng định hướng, công tác quản lý nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng. Do đó, Đảng ủy Sở đã bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành để lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác quản lý nhà nước, trong đó chú trọng thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: Chỉ đạo, định hướng trong sản xuất, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, quản lý vật tư nông nghiệp và kiểm soát chất lượng nông sản, quản lý bảo vệ rừng.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã đi vào ổn định về cơ cấu vùng và tập trung đầu tư theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; công tác ứng dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ cao, chuyển đổi giống cây trồng, chăn nuôi tập trung... đều bám sát định hướng của tỉnh và đạt hiệu quả cao.
Nhiệm kỳ qua, ngành nông nghiệp của tỉnh phải chịu ảnh hưởng của nhiều đợt thiên tai và dịch bệnh lớn với tổng giá trị thiệt hại khoảng 1.050 tỷ đồng. Tuy nhiên, công tác ứng phó và hỗ trợ khắc phục hậu quả sau thiên tai dịch bệnh đã được triển khai kịp thời, hiệu quả, không để ảnh hưởng lớn đến đời sống của người nông dân và khả năng khôi phục sản xuất.
Trong quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm: Năng lực trình độ của cán bộ chuyên môn được quan tâm đào tạo, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ cùng với hệ thống các văn bản quy định, hướng dẫn được bổ sung, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn đã cải thiện rõ rệt hiệu quả quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm.
Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, các cơ quan chuyên môn trong ngành đã tiến hành nhiều đợt thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, các cơ sở sản xuất, sơ chế, bảo quản chế biến nông sản. Qua đó, đã phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm theo quy định, giúp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp đi vào nề nếp; ý thức của người nông dân, doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm được nâng cao. Tỷ lệ vi phạm các quy định pháp luật về sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp đã giảm mạnh, tỷ lệ sản phẩm không đáp ứng điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm chỉ chiếm 0,39% trên tổng số mẫu sản phẩm nghi vấn. Toàn tỉnh có trên 83.000 ha được chứng nhận các tiêu chuẩn an toàn, bền vững, đặc biệt có 33 đơn vị đã áp dụng công nghệ tem truy xuất điện tử (mã QR code).
Thời gian qua, việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đã hoàn thành, là cơ sở pháp lý để các địa phương, đơn vị chủ rừng xây dựng phương án quản lý, sử dụng đất rừng, kế hoạch trồng rừng, tổ chức quản lý bảo vệ rừng, nhằm bảo vệ tài nguyên rừng và độ che phủ rừng. Năm 2019 số vụ vi phạm giảm 1.142 vụ so với năm 2015, trung bình hàng năm giảm bình quân 15-17%/năm; diện tích rừng bị phá và lâm sản thiệt hại giảm bình quân 10-15%/năm. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã tiến hành giải tỏa được 1.200 ha đất rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm và tiến hành trồng lại rừng sau giải tỏa được 880 ha.
PV: Thưa đồng chí, đi đôi với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành còn phải thực hiện sắp xếp, tinh giản bộ máy, tăng cường công tác xây dựng Đảng nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn ra sao?
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn: Đảng bộ Sở NN và PTNT đầu nhiệm kỳ có 16 chi bộ, 2 đảng bộ bộ phận, lãnh đạo 21 cơ quan chuyên môn thuộc Sở. Sau khi sắp xếp theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW của Bộ Chính trị, đến nay toàn Đảng bộ còn 14 chi bộ lãnh đạo hoạt động chuyên môn của 4 phòng, 12 đơn vị trực thuộc và 3 tổ chức đoàn thể là Công đoàn ngành, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên.
Trong thời gian qua, đã thực hiện sắp xếp, chuyển đổi mô hình hoạt động của các cơ quan chuyên môn ngành nông nghiệp theo hướng tinh gọn, hiện đại và thường xuyên rà soát vị trí việc làm, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả công tác của công chức, viên chức và người lao động. Qua đó, tinh giản 1 chi cục, 2 trung tâm và 2 phòng chuyên môn thuộc Sở; tinh giản được 47 biên chế, gồm 28 công chức và 19 viên chức. Thông qua đó đã từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên môn, phục vụ tốt hơn cho hoạt động của ngành nông nghiệp.
Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, công chức là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Triển khai cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động nghiên cứu, học tập và đăng ký cam kết học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các đồng chí lãnh đạo, người đứng đầu thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, nêu gương trước để đảng viên và quần chúng noi theo. Cụ thể hóa các quy định về chuẩn mực đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp gắn với nhiệm vụ chuyên môn tại từng cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh việc thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, chống tham nhũng, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước và tài sản công tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc.
Phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Đảng ủy, cá nhân từng đồng chí đảng ủy viên và bí thư các chi bộ trực thuộc có nhiều đổi mới theo hướng nâng cao tinh thần trách nhiệm. Công tác phát triển đảng viên luôn được quan tâm thực hiện tốt, vượt chỉ tiêu hàng năm đề ra và trong 5 năm, toàn Đảng bộ đã phát triển được thêm 62 đảng viên mới, đạt 155% so với nghị quyết đề ra. Đồng thời chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, nên thời gian qua có 10 cán bộ, công chức, viên chức đi học cao cấp lý luận chính trị và tương đương, 56 người học trung cấp lý luận chính trị, 1 người học quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp, 84 người học quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính và 42 người học bồi dưỡng lãnh đạo phòng.
Thông qua việc thực hiện tốt các công tác trên, Đảng bộ đã không ngừng được củng cố về lực lượng, hoàn chỉnh về tổ chức, phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành.
Kết quả toàn nhiệm kỳ, Đảng bộ đều đạt mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên và trong 5 năm qua, các tổ chức đoàn thể đều được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có trên 95% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có từ 15-20% đảng viên đạt mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
PV: Ngành nông nghiệp vẫn đóng vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế, hiện chiếm 42,4% cơ cấu GRDP của tỉnh. Vậy, Đảng bộ đặt ra mục tiêu ra sao để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị này trong nhiệm kỳ mới 2020 - 2025, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn: Quả chính xác là ngành nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế của Lâm Đồng thời gian tới. Vì vậy, Đại hội Đại biểu Đảng bộ Sở NNvà PTNT lần thứ X, nhiệm kỳ 2020 - 2025 với chủ đề “Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tiếp tục sáng tạo, đổi mới, đẩy mạnh liên kết sản xuất đưa nông nghiệp, nông thôn Lâm Đồng phát triển toàn diện, bền vững”.
Qua đó, đặt ra mục tiêu tổng quát: Xây dựng ngành nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững trên cơ sở đẩy mạnh tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng NTM; tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ thông minh, công nghệ chế biến để tăng năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, đồng thời phát triển mạnh mẽ các chuỗi giá trị, đặc biệt đối với các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao. Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, khôi phục và phát triển rừng bền vững.
Mục tiêu đặt ra là tăng trưởng ngành giai đoạn 2021-2025 đạt bình quân 4,5-5%, đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi để đạt ít nhất 20% cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp, đồng thời đẩy mạnh phát triển các liên kết sản xuất để nâng tổng giá trị nông sản tiêu thụ qua chuỗi đạt 50% sản lượng nông sản toàn tỉnh và khẳng định được thương hiệu nông sản của tỉnh trên thị trường trong và ngoài nước.
Đặc biệt, đến năm 2025, tỉnh Lâm Đồng đạt chuẩn tỉnh NTM, huyện Đơn Dương, Đạ Tẻh đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu; huyện Đức Trọng hình thành huyện nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa và có ít nhất 50% số xã nông thôn mới nâng cao; 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
PV: Xin cảm ơn đồng chí, chúc Đại hội thành công tốt đẹp!