Tiếp tục phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp
Cục Hải quan Hà Nội tiếp tục nhân rộng mô hình, các kênh thông tin, thực thi các giải pháp để tăng cường trao đổi, chia sẻ, hỗ trợ giải đáp vướng mắc, đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp.
Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội Hoàng Quốc Quang cho biết, với mục tiêu duy trì và phát triển quan hệ đối tác tin cậy, đồng hành thông qua việc kết nối hiệu quả nhiều kênh thông tin, xây dựng mối liên hệ thường xuyên theo cơ chế 3 bên: hải quan, doanh nghiệp dịch vụ xuất nhập khẩu (XNK), doanh nghiệp XNK, Cục Hải quan Hà Nội đã tiếp tục nhân rộng mô hình, các kênh thông tin, thực thi các giải pháp để tăng cường trao đổi, chia sẻ, hỗ trợ giải đáp vướng mắc, đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp.
Lắng nghe ý kiến doanh nghiệp
Tính đến 30/11/2024, Cục Hải quan Hà nội đã thu nộp ngân sách đạt 32.966/33.570 tỷ đồng (bằng 98,2% dự toán và bằng 123,46% cùng kỳ năm 2023), trong đó, địa bàn Hà Nội thu 26.414 /27.000 tỷ đồng (bằng 97,8% dự toán và bằng 123,68% cùng kỳ năm 2023). Ước tính đến hết ngày 31/12/2024, Cục Hải quan Hà Nội sẽ thu được 36.500/33.570 tỷ đồng (bằng 108,7% dự toán và bằng 123,1% số thu năm 2023).
Ngay từ đầu năm 2024, Cục Hải quan Hà Nội đã tích cực triển khai Kế hoạch số 205/KH-UBND ngày 28/10/2020 của UBND TP Hà Nội về hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2020-2025. Phối hợp các sở, ban ngành của TP Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp XNK trên địa bàn.
Một trong những giải pháp tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp hiệu quả, đó là tại các dịp diễn ra hội nghị đối thoại hải quan-doanh nghiệp, Cục Hải quan Hà Nội đã tổng hợp câu hỏi, phản ánh, vướng mắc của doanh nghiệp, trả lời trực tiếp. Tại kỳ đối thoại hải quan-doanh nghiệp vừa qua, có 79 vướng mắc, kiến nghị được gửi tới hội nghị phản ánh các vướng mắc về cơ chế, chính sách mặt hàng, quy trình thủ tục hải quan, chính sách thuế, giá, phân luồng tờ khai, chương trình tự nguyện tuân thủ…Các vấn đề vướng mắc đã được giải đáp công khai đến cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt và theo dõi.
Tại các chi cục trực tiếp làm thủ tục hải quan cho doanh nghiệp, Cục Hải quan Hà Nội đã bố trí công chức vững về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm phát huy cao nhất khả năng hướng dẫn, hỗ trợ cá nhân, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan (chính sách thuế, chính sách mặt hàng, quy trình thủ tục hải quan...).
Theo Cục Hải quan Hà Nội, các kỳ đối thoại hải quan-doanh nghiệp là dịp để đơn vị lắng nghe ý kiến đóng góp xây dựng của doanh nghiệp nhằm tiếp tục cải cách, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý, hoàn thiện chính sách, chất lượng phục vụ, đồng hành vì sự phát triển của doanh nghiệp làm thủ tục hải quan trên địa bàn. Bên cạnh đó, những vấn đề trọng tâm cũng được đơn vị lưu ý để đảm bảo doanh nghiệp thực hiện đầy đủ, đúng thủ tục. Trong số đó là lưu ý khi thực hiện danh mục miễn thuế và danh mục đồng bộ đối với hệ thống dây chuyền.
Như đối với máy móc thiết bị miễn thuế, doanh nghiệp cần lưu ý khoản 11 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định máy móc thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định của đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư; tiêu chuẩn tài sản cố định được quy định tại Thông tư 23/2023/TT-BTC ngày 25/4/2023; chủ dự án nộp hồ sơ thông báo danh mục miễn thuế tại cục hải quan theo quy định trước khi đăng ký tờ khai hàng hóa nhập khẩu miễn thuế đầu tiên.
Đối với máy móc thiết bị đồng bộ nhập khẩu miễn thuế, trường hợp doanh nghiệp lựa chọn phân loại hàng hóa đồng bộ, doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký danh mục đồng bộ trước khi nhập khẩu lô hàng đầu tiên tại chi cục hải quan thuận tiện nhất. Như vậy, trước khi nhập khẩu lô hàng đầu tiên của máy móc thiết bị đồng bộ miễn thuế, doanh nghiệp phải thông báo danh mục miễn thuế và đăng ký danh mục đồng bộ.
Trường hợp doanh nghiệp lựa chọn phân loại theo từng máy móc, thiết bị thuộc hệ thống dây chuyền, doanh nghiệp không phải đăng ký danh mục đồng bộ, làm thủ tục hải quan tại chi cục hải quan theo quy định và được miễn thuế nếu đáp ứng tiêu chuẩn tạo tài sản cố định theo quy định.
Giải đáp thỏa đáng các vướng mắc cho doanh nghiệp
Cùng với đó, tại Hội nghị bàn tròn giữa Chính quyền TP Hồ Chí Minh và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh mới đây, Hải quan TP Hồ Chí Minh cũng đã giải đáp thỏa đáng các vướng mắc cho doanh nghiệp Nhật Bản. Giải đáp câu hỏi của một số doanh nghiệp về trị giá tính thuế hải quan, đại diện Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho biết, về nguyên tắc xác định trị giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu theo Hiệp định trị giá GATT đã được đưa vào trong nội dung quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu tại Điều 6 Thông tư 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 60/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Theo đó, trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu được xác định theo phương pháp này là trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu; trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu là giá thực tế mà người mua đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán cho người bán để mua và nhập khẩu hàng hóa sau khi đã được điều chỉnh theo quy định tại Điều 13, Điều 14 và Điều 15 thông tư này; giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu là tổng số tiền mà người mua đã thanh toán hoặc sẽ phải thanh toán, theo hình thức thanh toán trực tiếp hoặc thanh toán gián tiếp cho người bán để mua hàng hóa nhập khẩu.
Trị giá giao dịch được áp dụng nếu thỏa mãn đủ các điều kiện quy định tại khoản 4 Điều 6 Thông tư 39/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Thông tư số 60/2019/TT-BTC.
Một số doanh nghiệp kiến nghị, cơ quan Hải quan đẩy nhanh tiến độ xử lý thủ tục hoàn thuế XNK. Giải đáp vấn đề này, đại diện Phòng Thuế XNK, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho biết, hồ sơ hoàn thuế của hoanh nghiệp được phân loại “hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế và hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước” theo Quy định tại Điều 73 Luật Quản lý thuế và Điều 22 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP. Thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế được quy định tại Điều 75 Luật Quản lý thuế năm 2019. Theo đó, thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế: đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, chậm nhất là 6 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan quản lý thuế có thông báo về việc chấp nhận hồ sơ và thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế, cơ quan quản lý thuế phải quyết định hoàn thuế cho người nộp thuế hoặc thông báo chuyển hồ sơ của người nộp thuế sang kiểm tra trước hoàn thuế nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 73 của Luật này hoặc thông báo không hoàn thuế cho người nộp thuế nếu hồ sơ không đủ điều kiện hoàn thuế. Trường hợp thông tin khai trên hồ sơ hoàn thuế khác với thông tin quản lý của cơ quan quản lý thuế thì cơ quan quản lý thuế thông báo bằng văn bản để người nộp thuế giải trình, bổ sung thông tin. Thời gian giải trình, bổ sung thông tin không tính trong thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế.
Đối với hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế, chậm nhất là 40 ngày kể từ ngày cơ quan quản lý thuế có thông báo bằng văn bản về việc chấp nhận hồ sơ và thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế, cơ quan quản lý thuế phải quyết định hoàn thuế cho người nộp thuế hoặc không hoàn thuế cho người nộp thuế nếu hồ sơ không đủ điều kiện hoàn thuế.” Thủ tục hoàn thuế được Bộ Tài chính hướng dẫn tại Điều 12 Thông tư số 06/2021/TT-BTC ngày 22/1/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019 về quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Quy trình hoàn thuế được Tổng cục Hải quan quy định rõ trong Quyết định số 3394/QĐ-TCHQ ngày 31/12/2021 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành Quy trình miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế, xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (Điều 16 đến Điều 22).
Thu nộp ngân sách gần 590 tỷ đồng từ kiểm tra sau thông quan
Năm 2024, Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra sau thông quan trong toàn quốc. Tổng cục Hải quan đã triển khai các chuyên đề với quy mô trên toàn quốc như: chuyên đề hạt điều; chuyên đề chống gian lận, giả mạo xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp… và đã đạt được những kết quả tích cực. Kết quả cụ thể, từ 1/1/2024 đến 15/11/2024, toàn Ngành đã thực hiện kiểm tra sau thông quan 1.852 cuộc, trong đó có 886 cuộc tại trụ sở người khai hải quan, 966 cuộc tại trụ sở cơ quan Hải quan. Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 906,6 tỷ đồng, đã thực thu vào ngân sách là 584,52 tỷ đồng. Riêng Cục Kiểm tra sau thông quan thực hiện 299 cuộc, thu nộp ngân sách 233,24 tỷ đồng. Một số cục Hải quan tỉnh, thành phố có kết quả kiểm tra sau thông quan tốt, như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng...
Hải quan Hải Phòng làm thủ tục hơn 250 nghìn tờ khai trong 1 tháng
Tháng 11/2024, toàn Cục Hải quan Hải Phòng làm thủ tục xuất nhập khẩu cho 251.983 tờ khai. Số tờ khai do Cục Hải quan Hải Phòng làm thủ tục trong tháng 11 tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhập khẩu có 134.957 tờ khai, xuất khẩu có 117.026 tờ khai. Trong 9 chi cục trực thuộc, Chi cục Hải quan KCX và KCN có số lượng nhiều nhất với 60.894 tờ khai, trong khi Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 1 có số lượng ít nhất với 4.641 tờ khai. Liên quan đến thực hiện hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, đến hết ngày 30/11/2024, Cục Hải quan Hải Phòng thu được 69.245,1 tỷ đồng, đạt 104,14% chỉ tiêu được giao, tăng 9.210 tỷ đồng, tương ứng tăng 15,34% so với cùng kỳ năm 2023.