Tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
Thời gian qua, Bình Thuận đã ban hành nhiều chính sách, kế hoạch liên quan, trong đó có Chương trình hành động số 43 ngày 14/11/2022 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) trong giai đoạn mới.
Nhờ đó, phong trào HTX trong tỉnh có bước phát triển đột phá, liên kết chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Phát huy vai trò của KTTT
Thời gian qua, KTTT mà nòng cốt là các Hợp tác xã (HTX) đã có những thay đổi tích cực với yêu cầu đổi mới về cơ cấu tổ chức, hình thức hoạt động cho phù hợp với các quy định pháp luật về HTX. Luật HTX 2003 và Luật HTX 2012 đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho khu vực kinh tế hợp tác, HTX dần xóa bỏ những mặc cảm của mô hình HTX kiểu cũ. Lợi ích của xã viên, thành viên được quan tâm chú trọng; phát huy tinh thần tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của người dân khi tham gia HTX.
Với mục tiêu để KTTT phát triển năng động, hiệu quả và bền vững, ngày càng có nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tự nguyện, bảo đảm quyền và lợi ích của các thành viên, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 09 của Chính phủ và cụ thể hóa Chương trình hành động số 43 ngày 14/11/2022 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 20. Qua đó, mong muốn sẽ thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình và tổ chức kinh tế HTX, tổ hợp tác tham gia, góp phần huy động các nguồn lực xã hội vào sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân. Đồng thời, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có hơn 5.400 tổ hợp tác, với khoảng 210.000 thành viên; gần 250 HTX với khoảng 5.000 thành viên, không có HTX tồn tại hình thức. Thành lập mới 2 liên hiệp HTX với khoảng 40 HTX thành viên. Doanh thu bình quân của HTX tăng khoảng 5 - 6%/năm; thu nhập bình quân của người lao động trong HTX tăng khoảng 3 - 5%/năm; lãi bình quân của HTX tăng khoảng 3 - 5%/năm. Ngoài ra, đảm bảo trên 70% tổ chức KTTT hoạt động đạt loại khá, tốt, trong đó, có khoảng 50% tham gia sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Khoảng 30% HTX ứng dụng công nghệ cao. Phát huy vai trò của tổ chức KTTT trong giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.
Nhiều chính sách hỗ trợ KTTT
Để đạt được những mục tiêu ấy, UBND tỉnh đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của KTTT, nòng cốt là HTX. Hiểu rõ bản chất mô hình HTX kiểu mới, coi trọng lợi ích của thành viên, lợi ích của việc hợp tác, liên kết, trợ giúp lẫn nhau mang lại cho từng thành viên và tập thể. Song song đó, thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên, hỗ trợ phát triển KTTT như: chính sách phát triển nguồn nhân lực; chính sách đất đai; chính sách tài chính - tín dụng; chính sách khoa học - công nghệ. Ngoài ra, còn có các chính sách khác như chính sách hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường...
Bên cạnh các chính sách ấy, các cơ quan ban, ngành liên quan cần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT. Trong đó, tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn đọng của KTTT, nhất là nợ tồn đọng kéo dài trong HTX, các quan hệ về tài sản của HTX, đặc biệt là những tài sản liên quan đến đất đai. Xử lý dứt điểm các HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể và các HTX chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo quy định của pháp luật. Khuyến khích mở rộng, đa dạng hóa các loại thành viên trong tổ chức KTTT. Phát triển đa dạng các HTX thuộc các lĩnh vực khác nhau trên địa bàn tỉnh tại những nơi có điều kiện thành lập. Khuyến khích thành lập các HTX theo ngành nghề, hoạt động theo vùng, không giới hạn đơn vị hành chính; đẩy mạnh cơ chế liên kết hợp tác giữa các HTX với doanh nghiệp. Lựa chọn một số HTX có quy mô phù hợp để hỗ trợ xây dựng mô hình liên kết chuỗi với doanh nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao…
Với những mục tiêu và các giải pháp cụ thể, mong rằng hoạt động KTTT mà nòng cốt là các HTX trên địa bàn tỉnh sẽ phát triển theo chiều hướng mới, năng động hơn. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX kiểu mới sẽ da dạng hơn, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, góp phần tạo việc làm thường xuyên cho các lao động nhàn rỗi ở nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.