TIẾP TỤC QUAN TÂM HƠN VỀ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỂ THU HÚT CÁC LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục quan tâm hơn nữa thực hiện chế độ, chính sách, điều kiện đảm bảo hoạt động để thu hút các lực lượng tham gia vào công việc này.

Thực hiện kỳ họp thứ 5, sáng 20/6, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đa số các đại biểu Quốc hội nhất trí với việc xây dựng Luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; giảm chi ngân sách Nhà nước; cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới. Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cũng góp phần xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở do Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, các lực lượng chức năng, trong đó Công an nhân dân làm nòng cốt thực hiện.

Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới báo cáo thẩm tra về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới báo cáo thẩm tra về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là bảo đảm điều kiện hoạt động đối với Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Theo đó, các ĐBQH cho rằng, cần quan tâm hơn nữa thực hiện chế độ, chính sách, điều kiện đảm bảo hoạt động cho các lực lượng nhằm động viên, khuyến khích, thu hút người dân tham gia, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Đề cập về bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết: Đa số ý kiến nhất trí với dự thảo Luật và đề nghị quy định chi trả phụ cấp hàng tháng (hoặc hàng quý) đối với Tổ trưởng, Tổ phó Tổ bảo vệ an ninh trật tự; ý kiến khác đề nghị chỉ quy định một số điều kiện, chế độ, chính sách thực sự cần thiết, phù hợp với khả năng bố trí kinh phí của trung ương, của từng địa phương và chỉ chi cho các hoạt động trực tiếp của lực lượng này.

 Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, mức độ bảo đảm còn rất hạn chế so với yêu cầu nhiệm vụ. Khi kiện toàn, tổ chức lại lực lượng thì cần phải quan tâm hơn nữa thực hiện chế độ, chính sách, điều kiện đảm bảo hoạt động cho lực lượng nhằm động viên, khuyến khích, thu hút người dân tham gia, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật đánh giá kỹ, tính toán đủ mức kinh phí mà ngân sách Nhà nước phải bảo đảm để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; động viên, khuyến khích được người dân tham gia, phù hợp với khả năng chi theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước làm cơ sở để Quốc hội xem xét quyết định.

Xung quanh nội dung trên, đại biểu Lê Nhật Thành – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội nhất trí về việc quy định chi trả hỗ trợ hằng tháng cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương.

Qua nghiên cứu cho thấy, dự án Luật đã có đánh giá cụ thể tác động về chế độ, chính sách, tính khả thi, tính toán đầy đủ mức kinh phí ngân sách Nhà nước để bảo đảm vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, động viên, khuyến khích người dân tham gia hoạt động, vừa bảo đảm khả năng chi trả của ngân sách nhà nước. Theo đó, khi kiện toàn các lực lượng, chức danh thành một lực lượng thống nhất thì vẫn thực hiện chi trả chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở như mức trung bình hiện nay các địa phương đang chi trả cho các lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách, các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng.

Đại biểu Lê Nhật Thành – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.

Đại biểu Lê Nhật Thành – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.

Còn về lâu dài, đại biểu Lê Nhật Thành nêu quan điểm, khi kiện toàn thống nhất các lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành một lực lượng chung và không phải chi trả ngân sách cho nhiều lực lượng như hiện nay thì các địa phương sẽ có điều kiện tập trung nguồn lực, cơ sở vật chất để bảo đảm tốt hơn nữa về chế độ, chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Đóng góp ý kiến vào nội dung trên, đại biểu Tạ Thị Yên – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đồng tình với quy định Điều 20 Dự thảo Luật về bồi dưỡng, hỗ trợ đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Theo đó, người tham gia hoạt động trong lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Đại biểu Tạ Thị Yên – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên.

Đại biểu Tạ Thị Yên – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên.

Ngoài ra, đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, khi được cử đi tập trung, bồi dưỡng, huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của cấp có thẩm quyền hoặc khi được huy động thực hiện nhiệm vụ lực lượng này còn được hưởng từ 22h ngày hôm trước đến 06h sáng ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ, khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được hưởng mức tiền bồi dưỡng và khi làm nhiệm vụ thường trực tại những thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hoặc tại những nơi thuộc cấp xã trọng điểm về quốc phòng, an ninh được hưởng mức tiền bồi dưỡng ngày công lao động tăng thêm do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Tuy nhiên, đại biểu Tạ Thị Yên để chính sách đi vào thực tiễn, cần tính toán, đảm bảo nguồn kinh phí đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Đặc biệt là cần cân đối ngân sách trung ương để hỗ trợ cho các địa phương khó khăn về ngân sách, nhất là các tỉnh nghèo, tỉnh miền núi, biên giới./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=77205