Tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để phụ nữ phát huy năng lực

Ngày 22.10, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp cùng Hội đồng khoa học của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: 'Công tác phụ nữ và hoạt động của Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ 2022 - 2027: Cơ hội và thách thức'.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương chia sẻ, công tác phụ nữ và hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ 2022 - 2027 diễn ra trong bối cảnh phong trào phụ nữ và bình đẳng giới ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Hệ thống pháp luật và chính sách về bình đẳng giới ngày càng hoàn thiện, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và xu thế hội nhập quốc tế, tạo ra hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi cho công tác bình đẳng giới và sự phát triển của phụ nữ. Vai trò và vị thế của phụ nữ Việt Nam ngày càng được khẳng định, với những đóng góp tích cực trên mọi vực, giúp thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực khác nhau.

 Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu tại hội thảo

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu tại hội thảo

Tuy nhiên, hiện nay, công tác phụ nữ và hoạt động của hội đang phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức. Một trong những yếu tố đáng chú ý là ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và yêu cầu chuyển đổi số. Cuộc sống vật chất và tinh thần của phụ nữ vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại. Hơn nữa, các nghiên cứu khoa học về công tác phụ nữ còn khá hạn chế, thiếu vắng những tổng kết thực tiễn và nhiều vấn đề mới liên quan đến phụ nữ cùng phong trào phụ nữ chưa có cơ sở lý luận để giải quyết một cách thấu đáo…

Trước bối cảnh đó, Hội thảo được tổ chức nhằm thảo luận, phân tích và tổng hợp các vấn đề lý luận liên quan đến công tác phụ nữ. Từ đó, các đại biểu sẽ bàn bạc về nội dung và phương thức hoạt động phù hợp cho Hội LHPN Việt Nam trong thời gian tới, nhằm đáp ứng tốt hơn với những yêu cầu của bối cảnh mới.

Tham luận tại Hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học, Tổng Biên tập Tạp chí Xã hội học Việt Nam, PGS. TS Nguyễn Đức Chiện nhận định, Chính phủ đang nỗ lực kết hợp với các cơ quan ban, ngành để tích hợp vấn đề giới vào các chính sách và quy định nhằm bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình triển khai.

Mặc dù vậy, những thách thức và nguy cơ đối với việc thực hiện bình đẳng giới vẫn còn hiện hữu. Nguyên nhân chủ yếu là do những định kiến giới vẫn tồn tại ở nhiều nơi, khiến cho phụ nữ, dù làm việc tại địa phương hay di cư ra ngoài, vẫn phải đối mặt với sự phân biệt và bất bình đẳng trong cơ hội việc làm, điều kiện làm việc cũng như thu nhập. Họ vẫn phải gánh vác nhiều công việc gia đình, ngay cả khi tham gia vào thị trường lao động, tạo nên gánh nặng kép, ảnh hưởng đến sức khỏe và hạn chế cơ hội phát triển nghề nghiệp cũng như tham gia các hoạt động xã hội của phụ nữ.

Đồng tình với quan điểm này, Trưởng khoa Dược (Trường Đại học Y Dược Hải Phòng), PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng, trong thời đại số hiện nay, phụ nữ có nhiều cơ hội để tận dụng các nền tảng mạng xã hội và thương mại điện tử nhằm quảng bá kiến thức và phát triển kinh doanh. Tuy nhiên, sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực công nghệ thông tin và STEM (phương pháp giáo dục nâng cao rèn luyện kỹ năng liên quan đến 4 yếu tố: khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) vẫn còn hạn chế.

Một trong những thách thức lớn nhất mà phụ nữ phải đối mặt là khoảng cách về kỹ năng số. Họ thường ít có cơ hội tiếp cận với giáo dục kỹ thuật số và các khóa đào tạo chuyên môn, dẫn đến việc thiếu hụt những kỹ năng cần thiết cho thị trường lao động đang chuyển mình. Đặc biệt, phụ nữ cũng còn gặp nhiều rào cản trong lĩnh vực an ninh mạng.

Đức Hiệp

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tiep-tuc-quan-tam-tao-dieu-kien-de-phu-nu-phat-huy-nang-luc-post394010.html