TIẾP TỤC RÀ SOÁT LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG (SỬA ĐỔI) ĐẢM BẢO CÁC TCTD HOẠT ĐỘNG LÀNH MẠNH, PHÁT TRIỂN

Để đảm bảo chất lượng trình dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6, đến nay, Ủy ban Kinh tế Quốc hội vẫn đang tiếp tục rà soát, tiếp thu, chỉnh lý kỹ lưỡng dự thảo Luật để bảo đảm khi Luật được thông qua có sức sống lâu dài, tạo thể chế ổn định để các TCTD hoạt động lành mạnh, có điều kiện thuận lợi để phát triển. Đến nay, các hiệp hội, các chuyên gia pháp chế của các tổ chức tín dụng tiếp tục gửi ý kiến góp ý để hoàn thiện dự án Luật đảm bảo chất lượng cao nhất.

Sau quá trình tiếp thu, chỉnh lý, đến nay, dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) gồm 16 chương, 208 điều. So với dự thảo Luật được Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 5, dự thảo Luật lần này đã tăng thêm 3 chương, 13 điều; sửa đổi, bổ sung 160 điều, trong đó có 90 điều sửa đổi về nội dung, 61 điều sửa về kỹ thuật văn bản để nội dung rõ ràng, mạch lạc hơn.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, dự án Luật Các TCTD (sửa đổi) là một dự án luật khó, có tính kỹ thuật cao, có tác động lớn đến nền kinh tế, cũng như các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế xác định, sẽ tiếp thu, chỉnh lý kỹ lưỡng để bảo đảm khi Luật được thông qua có sức sống lâu dài, tạo thể chế ổn định để các TCTD hoạt động lành mạnh, có điều kiện thuận lợi để phát triển, bởi đây là dự án Luật khó, có tính kỹ thuật cao, tác động lớn đến nền kinh tế, cũng như các tổ chức, cá nhân trong xã hội.

Tại hội thảo tham vấn ý kiến của các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đối với dự thảo Luật này do Ủy ban Kinh tế phối hợp với Hiệp hội ngân hàng và Viện Kas tổ chức ngày 2/10, các chuyên gia đã tiếp tục góp ý hoàn thiện hơn quy định để hạn chế tình trạng sở hữu chéo ngân hàng, tạo sự chủ động hơn cho các TCTD trong mua bán, xử lý nợ xấu và xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay.

Ông Lê Thành Long, Phó tổng giám đốc VPBank, Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA)

Ông Lê Thành Long, Phó tổng giám đốc VPBank, Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA)

Góp ý một số nội dung cụ thể đến người có liên quan tại Điều 4, Dự thảo luật, ông Lê Thành Long, Phó tổng giám đốc VPBank, Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đề nghị bỏ nhóm cá nhân như: ông nội, bà nội, bà ngoại, cháu nội, cháu ngoại, bác ruột, cô ruột, dì ruột, cậu ruột trong khái niệm người có liên quan. Do việc yêu cầu TCTD có các chức danh quản lý, điều hành phải công khai công bố thông tin tại Điều 49 với các mục đích giới hạn cấp tín dụng là rất phức tạp, gây khó khăn cho hoạt động của các TCTD trong việc thu thập các thông tin, cũng như các khách hàng khi họ có nhu cầu tiếp cận vay vốn ngân hàng.

Cũng liên quan đến vấn đề công khai thông tin, Điều 49 còn quy định TCTD phải công khai các thông tin của những người có liên quan bao gồm chứng minh thư, ngày tháng, năm sinh và rất nhiều thông tin khác trên trang tin điện tử của TCTD… Hiệp hội ngân hàng cũng đề nghị cần có hướng dẫn chi tiết hơn để tránh việc công khai thông tin sẽ xâm phạm quyền bí mật riêng tư của những người đó.

Về xử lý, cung cấp thông tin tại Điều 12, trong hoạt động cấp tín dụng, cấp tín dụng hợp vốn, phòng chống rửa tiền… các TCTD cần phải trao đổi thông tin khách hàng (thông tin lịch sử tín dụng, thông tin các khoản cấp tín dụng, danh sách cảnh báo…) để phòng ngừa rủi ro. Theo Điều 12 Luật Các TCTD hiện hành, việc trao đổi thông tin này không cần có sự chấp thuận của khách hàng (trao đổi thông tin về hoạt động giữa các TCTD). Tuy nhiên, với quy định tại Nghị định 13/2023/NĐ-CP và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu và được người tiêu dùng đồng ý. Do vậy cần làm rõ trong Luật này để hoạt động trao đổi thông tin khách hàng của TCTD không gặp vướng mắc và rủi ro pháp lý/kinh doanh cho hoạt động của TCTD. Theo đó, VNBA đề nghị bổ sung vào Khoản 3 quy định “TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được trao đổi với nhau thông tin khách hàng bao gồm cả thông tin người có liên quan đến giao dịch của khách hàng, thông tin về hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà không cần sự đồng ý của khách hàng và người có liên quan”

Đối với vấn đề xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay tại khoản 1, Điều 101. Đại diện VNBA cho biết, hiện nay việc sử dụng các mô hình, công cụ dựa trên dữ liệu của ngân hàng đang lưu giữ, thu thập từ các hệ thống dữ liệu quốc gia hoặc nguồn hợp pháp khác để xem xét, đánh giá quyết định việc cấp tín dụng cho khách hàng. Do đó, việc quy định bắt buộc TCTD phải yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu trước khi cấp tín dụng như phương thức truyền thống không còn phù hợp. Vì vậy, đề nghị bỏ cụm từ “trước khi quyết định cấp tín dụng”, và bổ sung sửa đổi theo hướng: “TCTD phải đánh giá phương án sử dụng vốn khả thi, khả năng tài chính, mục đích sử dụng vốn hợp pháp của khách hàng. Khách hàng có trách nhiệm cung cấp tài liệu, dữ liệu theo yêu cầu của ngân hàng để chứng minh đáp ứng điều kiện cấp tín dụng theo quy định của TCTD”.

Về Khoản 5, Điều 101 Dự thảo luật quy định về quyền, nghĩa vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng;…”. Đại diện Hiệp hội Ngân hàng cho biết, để tránh rủi ro pháp lý cho các TCTD, hình sự hóa giao dịch dân sự, đề nghị xem xét sửa đổi theo hướng TCTD có quyền kiểm tra, giám sát (không phải nghĩa vụ của TCTD) việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng; yêu cầu khách hàng vay báo cáo việc sử dụng vốn vay và cung cấp tài liệu, dữ liệu chứng minh vốn vay được sử dụng đúng mục đích vay vốn.

Về quy định liên quan đến góp vốn, mua cổ phần của TCTD (Điều 110), VNBA đề nghị bổ sung thêm lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số liên quan đến lĩnh vực tài chính nhằm mở rộng lĩnh vực đầu tư, góp vốn cho hoạt động ngân hàng để chủ động tham gia vào các lĩnh vực mới. Bởi lẽ, ngoài các hoạt động về kinh doanh tiền tệ, về dịch vụ ngân hàng, hiện hoạt động ngân hàng liên quan đến công nghệ thông tin, chuyển đổi số cũng như áp dụng công nghệ mới ngày càng đóng vai trò quan trọng. Nếu các ngân hàng có cơ hội góp vốn vào các tổ chức trong lĩnh vực sẽ giúp các ngân hàng khả năng làm chủ những vấn đề về công nghệ, góp phần đổi mới nhanh trong các hoạt động ngân hàng…

Ông Phạm Xuân Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội cho thuê tài chính Việt Nam

Ông Phạm Xuân Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội cho thuê tài chính Việt Nam

Trong khi đó, ông Phạm Xuân Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội cho thuê tài chính Việt Nam đề nghị, về giới hạn cấp tín dụng của các TCTD phi ngân hàng, trong đó có công ty tài chính chuyên ngành và công ty cho thuê tài chính, việc đưa ra tỷ lệ nhất định đối với một khách hàng và nhóm khách hàng có liên quan là rất cần thiết để kiểm soát rủi ro tập trung và kiểm soát các sở hữu chéo. Tuy nhiên, hiện vốn điều lệ của các công ty cho thuê tài chính theo quy định của pháp luật là 150 tỷ đồng, nếu cộng cả vốn tự có có thể lên 200 tỷ đồng mà chỉ cho vay đến 15% thì chỉ được 30 tỷ đồng. Với đặc thù của công ty cho thuê tài chính là những pháp nhân không được phép huy động vốn từ công chúng không tác động nhiều lên thị trường tài chính. Vì vậy, ông Phạm Xuân Hòe đề nghị không nên áp dụng tỷ lệ này ở các NHTM sang các công ty tài chính phi ngân hàng. Dự thảo luật cần tạo ra không gian giúp cho ngành cho thuê tài chính ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn.

Về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm (Điều 196), để góp phần vào việc thu hồi nợ đối với các khoản nợ xấu của các TCTD đạt được hiệu quả tối ưu, VNBA đề nghị quy định số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý TSBĐ được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, án phí và nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm. Đây cũng là nội dung kế thừa từ chính sách xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 và cần tiếp tục luật hóa để đảm bảo công tác thu hồi nợ xấu của các TCTD đạt hiệu quả hơn.

Về áp dụng can thiệp sớm tổ chức tín dụng (Điều 157), VNBA đề nghị sửa đổi theo hướng “Ngân hàng Nhà nước có văn bản áp dụng can thiệp sớm đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp các tổ chức tín dụng đang thực hiện theo Đề tái cơ cấu, hợp nhất, sáp nhập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:...” Đối với, biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng được can thiệp sớm (Điều 160), quy định: “Trong thời gian được can thiệp sớm tổ chức tín dụng được can thiệp sớm được áp dụng một hoặc một số biện pháp hỗ trợ sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận…” VNBA đề nghị sửa đổi, theo hướng: “ trong thời gian được can thiệp sớm hoặc trong thời gian thực hiện Đề án tái cơ cấu, sáp nhập, hợp nhất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức tín dụng được can thiệp sớm được áp dụng một hoặc một số biện pháp hỗ trợ sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận sau đây:…”

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu

Hiện Hiệp hội Ngân hàng đã tổng hợp được hơn 60 ý kiến, chắt lọc được 29 ý kiến tập trung vào nhóm vấn đề liên quan đến xử lý nợ xấu; can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt và chuyển giao bắt buộc; và các công ty tài chính tiêu dùng. Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đây là nội dung rất quan trọng, nếu chúng ta không thận trọng, sau này rất khó cho các TCTD trong hoạt động thực tiễn… Đây là cơ hội góp ý để sửa luật, giúp các TCTD hoạt động một cách lành mạnh, hiệu quả, góp phần hỗ trợ cho nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng. Đặc biệt trong giai đoạn đổi mới, nhất là chuyển đổi số rất mạnh mẽ hiện nay, thì Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cần quy định phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu phát triển và có thời gian lâu dài để các TCTD thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả, hạn chế được sở hữu chéo; hạn chế được những rủi ro, không an toàn trong hệ thống tài chính và TCTD.

Hải Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=80583