Tiếp tục tăng cường kiểm soát quyền lực trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Sáng 10/1, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng và hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 63 điểm cầu trên cả nước.
Chủ trì Hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC.
Tham dự tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội Chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức.
Góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội
Theo Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng, năm 2023, ngành Nội chính Đảng và các Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh (Ban chỉ đạo cấp tỉnh) đã nỗ lực, hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đề ra. Qua đó, góp phần đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và củng cố thêm niềm tin của Nhân dân.
Nổi bật là công tác nghiên cứu, tham mưu, đề xuất và triển khai thực hiện những quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp tiếp tục đạt nhiều kết quả.
Đối với các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị trên 232.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn thi hành án dân sự đã thu hồi được trên 9.000 tỷ đồng và nâng tổng số tiền thu hồi từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay là 76.200 tỷ đồng (đạt 47,83%).
Cùng với đó, toàn ngành tham mưu đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, vừa đảm bảo nghiêm minh, vừa nhân văn, thuyết phục theo đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư, được dư luận đồng tình cao như vụ án liên quan đến Công ty Việt Á, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, lĩnh vực đăng kiểm…
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Ban Nội chính Trung ương.
Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tuy mới được thành lập nhưng đã khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy, hoàn thiện quy chế, quy trình làm việc, hoạt động ngày càng nền nếp, bài bản. Trong năm, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã tiến hành 212 cuộc kiểm tra, giám sát và đưa 260 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi, chỉ đạo. Tính từ khi thành lập đến nay, đã đưa 679 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo.
Các cơ quan chức năng ở địa phương đã khởi tố mới 763 vụ án, 2.079 bị can về tham nhũng (tăng gần 2 lần so với năm 2022). Đặc biệt, nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực tồn đọng, kéo dài đã được chỉ đạo xử lý. Nhiều địa phương đã khởi tố, điều tra các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, liên quan đến cả cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý và tỉnh ủy, thành ủy quản lý.
Một số Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã quan tâm chỉ đạo “chống tham nhũng, tiêu cực trong chính các cơ quan chống tham nhũng”, chỉ đạo xử lý nghiêm nhiều trường hợp cán bộ, công chức trong các cơ quan này có sai phạm về tham nhũng, tiêu cực… Kết quả đó đã khẳng định sự chuyển biến rõ nét, bước tiến mới trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở, khắc phục ngày càng hiệu quả tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, giờ đây “trên nóng” và dưới cũng đang “nóng” lên”…
Nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành Nội chính Đảng và hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh trong năm 2023.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thường trực Ban Bí thư đề nghị, ngành Nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh tiếp tục làm tốt công tác nghiên cứu, tham mưu, đề xuất những quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Đảng về lĩnh vực nội chính, PCTNTC và cải cách tư pháp (CCTP). Trong đó, tiếp tục tập trung nghiên cứu, hoàn thành xây dựng Đề án về mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng, tiêu cực; Đề án về cơ chế bảo vệ các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi công vụ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Ngoài ra, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính, PCTNTC và CCTP. Trọng tâm là hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn mới và các quy định mới của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về nội chính, PCTNTC và CCTP. Nhất là các quy định về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán và trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Tham mưu, chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, vấn đề nổi cộm, bức xúc, dư luận quan tâm. Đồng thời, tiếp tục tập trung tham mưu, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo. Tiếp tục rà soát, đưa các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Bên cạnh đó, tham mưu, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Rà soát, tham mưu chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc theo kiến nghị của các đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương. Chỉ đạo xử lý, khắc phục có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực.
Thường trực Ban Bí cũng yêu cầu tăng cường phối hợp, chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp, nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định, quy trình nghiệp vụ, duy trì nề nếp chế độ sinh hoạt, đổi mới nội dung, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh...