Tiếp tục tập trung đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại
Bộ Công Thương tiếp tục tập trung đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt khai thác các thị trường, khu vực hiện đang có FTA với Việt Nam; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trên các thị trường mới, thị trường tiềm năng...
1. Trong thời gian qua, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thị trường trong nước cũng như tăng cường nhận diện hàng Việt Nam, Bộ Công Thương đã chỉ đạo, định hướng xây dựng và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại với nòng cốt là các hoạt động trong khung khổ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, tập trung vào các nội dung chính sau: 1) Ưu tiên nguồn lực cho hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, khai thác lợi thế của các thị trường đã ký kết FTA với Việt Nam (đặc biệt là các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, RCEP và các FTA khác); 2) Củng cố và phát triển hài hòa các thị trường xuất khẩu trọng điểm, truyền thống như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN…; 3) Mở rộng ở các thị trường lân cận, thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Úc, New Zealand, Nga, Trung Đông - Châu Phi, Mỹ La-tinh…; 4) Ưu tiên một phần nguồn lực cho thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại theo đề án phát triển thị trường của Bộ Công Thương đã được phê duyệt hoặc đề án thực hiện cam kết song phương thúc đẩy thương mại; 5) Phát triển thị trường trong nước, thương mại miền núi, biên giới và hải đảo...
Các hoạt động xúc tiến thương mại với nòng cốt là Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đã hỗ trợ thiết thực có hiệu quả cho các doanh nghiệp, địa phương trong việc trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng như kết nối với các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài với nhiều hoạt động đa dạng, bao gồm:
Một là, tổ chức các hội chợ, triển lãm trong nước với quy mô lớn nhằm đẩy mạnh hỗ trợ xuất khẩu tại chỗ; thúc đẩy, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thúc đẩy hợp tác giao lưu giữa doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế cũng như phát triển thị trường nội địa thông qua tổ chức Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam, Triển lãm quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam...
Hai là, tổ chức tham gia các kỳ hội chợ triển lãm uy tín và có quy mô lớn tại nước ngoài nhằm quảng bá sản phẩm, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế cũng như các nhà nhập khẩu, hệ thống bán lẻ, doanh nghiệp nước ngoài.
Bốn là, tổ chức các đoàn giao thương kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tổ chức nước ngoài tại các thị trường xuất khẩu truyền thống, thị trường xuất khẩu tiềm năng. Đồng thời, tổ chức đón các đoàn doanh nghiệp, nhà nhập khẩu nước ngoài vào Việt Nam để giao dịch, mua hàng.
Năm là, tổ chức các chương trình kết nối giao thương tại Việt Nam giữa nhà cung cấp tại các địa phương, tỉnh, thành phố, khu vực trong nước với các doanh nghiệp xuất khẩu, đơn vị phân phối và tổ chức, cơ quan xúc tiến thương mại nước ngoài, đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam.
Sáu là, tổ chức các kỳ Hội chợ triển lãm cấp vùng nhằm thúc đẩy, phát triển thương mại, thị trường trong nước như: Hội chợ Công Thương vùng đồng bằng sông Hồng, Hội chợ Công Thương vùng Đông Bắc, Hội chợ Công Thương vùng Nam Trung Bộ, Hội chợ Công Thương vùng Đồng bằng Sông Cửu Long...
Bên cạnh đó, nhằm tạo thêm kênh hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam về thông tin về thị trường, ngành hàng, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu mục tiêu quan trọng và một số thị trường mới còn nhiều dư địa khai thác cho địa phương, hiệp hội và hàng triệu doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã triển khai các hoạt động cụ thể:
Tổ chức chương trình giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài định kỳ hàng tháng nhằm chủ động cập nhật kịp thời các yêu cầu xúc tiến xuất khẩu, nhập khẩu của các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp; đồng thời phổ biến thông tin, chính sách, cơ hội thị trường, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp giải quyết những bất cập, khó khăn về thị trường, tận dụng hiệu quả các cơ hội thị trường xuất nhập khẩu.
Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng chuỗi Chương trình Nhịp cầu Thương vụ và phát sóng hàng tuần nhằm tạo thêm kênh cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp Việt Nam về yêu cầu về chất lượng sản phẩm, mẫu mã, các quy chuẩn tiêu chuẩn tại các thị trường trên thế giới,… để giúp cho các doanh nghiệp nắm rõ hơn về nhu cầu, thị hiếu, điều chỉnh, thay đổi quy trình sản xuất phù hợp và đáp ứng quy định của các thị trường.
Ngoài ra, để tăng cường nhận diện hàng Việt Nam ở thị trường trong nước và nước ngoài, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai các hoạt động phát triển thương hiệu quốc gia, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu ngành hàng Việt Nam trong khung khổ Chương trình Thương hiệu Quốc gia, Đề án của Bộ Công Thương về phát triển thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Kế hoạch phối hợp số 3926 giữa 3 Bộ (Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước giai đoạn 2022-2025. Theo đó, nhiều hoạt động thiết thực, đem lại hiệu quả cao đã và đang được triển khai thường xuyên, định kỳ, nổi bật là:
Thứ nhất, tổ chức "Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia" chào mừng Ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4 nhằm tăng cường sự nhận biết và quảng bá về Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam cũng như hỗ trợ quảng bá cho các doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia đã được Chính phủ công nhận tới cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.
Thứ hai, truyền thông, quảng bá về Chương trình Thương hiệu Quốc gia và các sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia trên các phương tiện thông tin, truyền thông; thông qua tổ chức triển lãm, tuần hàng Việt Nam tại nước ngoài...
Thứ ba, thực hiện các chiến dịch truyền thông, quảng bá hình ảnh ngành hàng thực phẩm Việt Nam (Foods of Vietnam) và các phân ngành thực phẩm thông qua các kênh truyền thông và các sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
Thứ tư, tổ chức Hội nghị quốc tế ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam kết hợp chương trình giao dịch thương mại trong khuôn khổ của Triển lãm Quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam (Vietnam Foodexpo) hàng năm.
Thứ năm, phối hợp với địa phương triển khai các hoạt động truyền thông, quảng bá các sản phẩm đặc sản vùng miền và nâng cao nhận thức cộng đồng đối với sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Thứ năm, tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu, đào tạo phát triển thiết kế cho các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, ngành hàng.
2. Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại với những nội dung trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức, hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt khai thác các thị trường, khu vực hiện đang có FTA với Việt Nam, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trên các thị trường mới, thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp chưa trực tiếp triển khai được hoạt động xúc tiến thương mại. Tập trung khai thác, vận dụng và phát huy có hiệu quả, thực chất các Hiệp định thương mại tự do, trong đó, chuyển đổi số phải gắn với chuyển đổi xanh trong xúc tiến thương mại một cách tích cực nhằm thúc đẩy sản xuất và phát triển ngoại thương bền vững.
Hai là, đẩy mạnh công tác tổ chức các sự kiện quảng bá, trưng bày, xây dựng hình ảnh thương hiệu hàng Việt Nam tại các nước. Thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô lớn, tầm quốc gia và quốc tế, tương xứng vị thế và hình ảnh quốc gia Việt Nam trên thị trường quốc tế, nhất là những ngành, lĩnh vực xuất khẩu có thế mạnh, trên các thị trường xuất khẩu chủ lực.
Ba là, chú trọng triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu quốc gia gắn với các hoạt động ngoại giao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ Công Thương ở trong nước và quốc tế.
Bốn là, quảng bá các sự kiện xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài. Quảng bá và mời các nhà mua hàng tham quan, giao dịch tại hội chợ, khu gian hàng Việt Nam tại các hội chợ lớn ở nước ngoài. Tuyên truyền quảng bá về Chương trình Thương hiệu quốc gia và các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam ở nước ngoài.
Năm là, tiếp tục tranh thủ nguồn lực và sự hỗ trợ của các tổ chức, đối tác quốc tế nhằm đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ kĩ thuật, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại cho các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp.
Sáu là, tăng cường công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp trong triển khai, phổ biến thông tin đến các doanh nghiệp về các hoạt động xúc tiến thương mại Bộ Công Thương chủ trì tổ chức. Các cơ quan thương vụ phối hợp quảng bá các sự kiện xúc tiến thương mại lớn trong nước, quảng bá mời khách đối tác nước ngoài đến tham dự vào giao dịch tại sự kiện xúc tiến thương mại Bộ Công Thương chủ trì cũng như của các địa phương, hiệp hội tổ chức.
Bảy là, tiếp tục đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin, tư vấn thị trường xuất khẩu và kết nối thị trường cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp; triển khai các hoạt động quảng bá, phát triển thương hiệu quốc gia, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu ngành hàng Việt Nam và các hoạt động nâng cao năng lực xúc tiến thương mại gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển xuất khẩu bền vững giúp doanh nghiệp Việt Nam từng bước tham gia sâu vào những khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị toàn cầu./.