Tiếp tục thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Ngày 5-2, Chính phủ tổ chức cuộc họp trực tuyến về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì. Tại điểm cầu Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường, đại diện lãnh đạo các Sở, Ban ngành, cơ quan, đơn vị liên quan tham dự cuộc họp…

Cục Trưởng Cục Kiểm ngư báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp trong thời gian qua tại cuộc họp Chính phủ (ảnh chụp màn hình)

Cục Trưởng Cục Kiểm ngư báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp trong thời gian qua tại cuộc họp Chính phủ (ảnh chụp màn hình)

Các đại biểu tham dự cuộc họp trực tuyến về chống khai thác hải sản bất hợp pháp của Chính phủ tại điểm cầu Đà Nẵng

Các đại biểu tham dự cuộc họp trực tuyến về chống khai thác hải sản bất hợp pháp của Chính phủ tại điểm cầu Đà Nẵng

Trước đó, ngày 4/11/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu. Thực hiện quyết tâm gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" là vì lợi ích của quốc gia, của dân tộc, đảm bảo lợi ích của người dân; phát triển ngành thủy sản bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế. Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Ngoại giao, Công an, Quốc phòng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển.

Tại cuộc họp trưc tuyến của Chính phủ ngày 5-2, Cục Trưởng Cục Kiểm ngư thuộc Bộ NN-PTNT đã báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua; đại diện lãnh đạo các địa phương ven biển báo cáo về tình hình thực hiện Công điện của Thủ tướng, tuy nhiên vẫn còn tồn tại, hạn chế tại một số địa phương như: Tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn xảy ra; Công tác thực thi pháp luật tại địa phương còn chưa đồng bộ, trách nhiệm thi hành công vụ của một số tổ chức, cá nhân còn rất hạn chế, chậm trễ trong điều tra, xác minh, xử lý các vụ việc vi phạm khai thác IUU; Công tác quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm soát hoạt động của tàu cá chưa quyết liệt, chặt chẽ đảm bảo theo quy định; Công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác vẫn còn yếu và nhiều thiếu sót. Nếu không sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế trên thì nguy cơ bị nâng cảnh báo lên "Thẻ đỏ" là rất cao. Nguyên nhân chủ yếu là do sự chủ quan của nhiều cơ quan quản lý liên quan, đặc biệt là một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc, triệt để, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp được giao…Thực hiện quyết tâm gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" không phải chỉ để đối phó với EC mà là vì lợi ích của quốc gia, của dân tộc, đảm bảo lợi ích của người dân; phát triển ngành thủy sản bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế; thể hiện trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế trong bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển bền vững, phát triển bền vững kinh tế biển gắn với đảm bảo an ninh chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển thống nhất nhận thức, quan điểm trên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng trực thuộc; nêu cao trách nhiệm người đứng đầu; tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách chống khai thác IUU, quyết tâm gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" của EC tại đợt thanh tra lần thứ 5 (dự kiến vào cuối Quý II năm 2024)

Hồng Thanh

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/tiep-tuc-thuc-hien-cong-dien-cua-thu-tuong-chinh-phu-ve-cac-nhiem-vu-giai-phap-cap-bach-trong-tam-chong-khai-thac-hai-san-bat-hop-phap-post290662.html