Tiếp tục thực hiện giải pháp giảm nghèo ở huyện Như Xuân
Giảm nghèo luôn được huyện Như Xuân xác định là một nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, lâu dài, bởi vậy trong những năm qua huyện thực hiện nhiều giải pháp, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Trao đổi kinh nghiệm về mô hình chăn nuôi liên kết hộ tại thôn Làng Trung, xã Thanh Quân (Như Xuân).
Huyện Như Xuân đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo trên địa bàn, phấn đấu đến năm 2025 trở thành một trong những huyện dẫn đầu khu vực miền núi của tỉnh Thanh Hóa. Một trong những giải pháp được triển khai đó là tiếp tục thực hiện tốt các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo, hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Đẩy mạnh tuyên truyền công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí quyết tâm làm giàu, vươn lên thoát nghèo đến từng hộ gia đình. Huy động nguồn lực thực hiện chương trình từ cộng đồng và lồng ghép các chương trình khác để giảm nghèo đa chiều nhằm cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo. Trong đó, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu, nêu gương đi trước, làm trước của cán bộ, đảng viên trong việc chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ; áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi và coi đây là những khâu đột phá để phát triển kinh tế. Cùng với đó là huyện chú trọng phát triển các mô hình giảm nghèo cho các hộ nghèo vùng khó khăn, giúp họ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập... Điển hình như mô hình liên kết hộ chăn nuôi trâu, bò sinh sản cho nhóm hộ, tại thôn Làng Trung, xã Thanh Quân được triển khai từ năm 2013 với quy mô ban đầu là 19 hộ, tổng số 62 con bò và 22 con trâu, đến nay đàn trâu, bò đã tăng lên trên 100 con. Hay như mô hình câu lạc bộ (CLB) phụ nữ giảm nghèo đã được triển khai đến 100% xã, thị trấn. CLB đã phát huy tinh thần tương thân tương ái để hỗ trợ nhau xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Từ hoạt động của CLB, nhiều hội viên đã sử dụng đồng vốn đúng mục đích để phát triển kinh tế hiệu quả, như gia đình chị Hà Thị Phước, thôn Chôi Chờn, xã Bãi Trành; chị Nguyễn Thị Hương, thôn Hùng Tiến, xã Xuân Bình; các chị Ngân Thị Chinh, Đoàn Thị Sáu, thôn Thanh Vân, xã Cát Tân... Riêng Hội LHPN huyện Như Xuân thành lập 2 tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản ở xã Cát Vân; 1 tổ hợp tác chăn nuôi dê ở xã Thanh Quân; phối hợp chuyển giao khoa học - kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, dạy nghề may, hỗ trợ con giống, mái ấm cho hội viên nghèo...
Ngoài ra, huyện Như Xuân còn thực hiện chính sách hỗ trợ người dân phát triển sản xuất thông qua các dự án hỗ trợ khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, giao rừng và đất để trồng rừng sản xuất; cấp hàng chục tấn giống lúa lai, ngô lai, các loại máy nông cụ để giúp người dân mở rộng sản xuất. Đặc biệt, với số vốn tỉnh giao hơn 23 tỷ đồng để thực hiện các dự án hỗ trợ trâu, bò cho người dân nghèo, huyện đã mua gần 4.000 con trâu, bò để cấp cho các hộ dân. Cùng với đó, huyện đã cấp 3.257 con lợn giống, 1.483 con dê cái sinh sản, 1.920 con thỏ New Zealand và hướng dẫn người dân thực hiện 11 mô hình phát triển kinh tế. Qua đó làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, tập trung lao động sản xuất vươn lên làm giàu chính đáng.
Với tinh thần vượt khó, ý chí tự vươn lên thoát nghèo đã giúp cho đời sống của người dân trên địa bàn huyện Như Xuân từng bước thay đổi, không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ nghèo đã vươn lên làm giàu chính đáng, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 7,07%/năm, dự kiến năm 2020 toàn huyện giảm còn 2,03%. Ngày 7-3-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 275/QĐ-TTg công nhận Như Xuân ra khỏi huyện nghèo theo Nghị quyết 30a, đây là kết quả quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của huyện Như Xuân trong công tác giảm nghèo. Tuy nhiên, không thỏa mãn với kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền huyện Như Xuân tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để giảm nghèo bền vững, xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển.