Tiếp tục thực hiện giảm thuế, giãn thuế cho các doanh nghiệp trong năm 2023
Quốc hội đang thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân bên hành lang Quốc hội về nội dung này, đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung cho rằng: Năm 2023 các chính sách thuế cần hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn để tổ chức lại sản xuất và tăng cường hoạt động kinh doanh… Do đó, đề nghị nghiên cứu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bày tỏ đồng tình với báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, song ĐBQH Thái Thị An Chung đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn những tồn tại, bất cập, vướng mắc về kinh tế - xã hội; trong đó, có bức tranh “màu xám” của doanh nghiệp.
Để doanh nghiệp có đủ dòng tiền tiếp tục sống còn trong năm 2023 và bảo đảm việc làm người lao động, tránh các xáo động về mặt xã hội, đại biểu Thái Thị An Chung đề xuất 3 ý kiến:
Thứ nhất, sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Quỹ BHXH để hỗ trợ hoặc cho các doanh nghiệp vay không tính lãi, giúp các doanh nghiệp tiếp tục tuyển dụng và sử dụng người lao động.
Theo đại biểu, hiện nay, doanh nghiệp và người lao động đang đóng quỹ BHTN, BHXH lên tới 28% lương (trừ 4,5% BHYT). Với mức lương cơ bản khoảng 5 triệu đồng/tháng, hàng năm công ty và người lao động phải đóng ít nhất là 16,8 triệu đồng/người lao động… Với mức chi phí này thì khi doanh số bị suy giảm, chi phí nhân sự là gánh nặng cho doanh nghiệp. “Do vậy, tìm giải pháp để doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất và tiếp tục sử dụng, đồng hành cùng người lao động và hàng năm vẫn đóng tiền cho quỹ BHXH, BHTN là hình thức ứng tiền hỗ trợ trước và nhận về trong năm và các năm sau”, đại biểu Thái Thị An Chung nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu sử dụng các loại quỹ này để hỗ trợ 100% cho các doanh nghiệp siêu nhỏ; hỗ trợ 50% cho doanh nghiệp nhỏ; hỗ trợ 25% với doanh nghiệp vừa (phần còn lại có thể thực hiện cho vay không lãi suất)… Còn với các doanh nghiệp lớn nếu tiếp tục sử dụng lao động và trong 6 tháng đầu năm 2023 không giảm bớt lao động, đề xuất áp dụng mức vay không lãi suất cho doanh nghiệp theo tỷ lệ: 16,8 triệu đồng/lao động x số lượng lao động x 50%.
“Việc hỗ trợ/cho vay này có thể thực hiện một cách nhanh chóng dựa trên danh sách lao động đăng ký BHXH và đóng tiền của tháng 6.2023. Thời gian cho vay cần tính toán để cho vay trung và dài hạn (2-5 năm tùy loại hình doanh nghiệp), để doanh nghiệp có thể tổ chức lại sản xuất và có phương án trả lãi trong các năm 2024 – 2025 - 2026. Với các doanh nghiệp không có tuyển dụng lao động và không đóng BHXH thì không sử dụng quỹ này”, đại biểu Thái Thị An Chung nêu rõ.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện các chính sách giảm thuế hoặc giãn thuế cho các doanh nghiệp trong năm 2023.
Theo đại biểu, năm 2023 các chính sách thuế cần hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn để tổ chức lại sản xuất và tăng cường hoạt động kinh doanh, tăng tỷ lệ tăng trưởng theo mục tiêu đặt ra của Chính phủ… Do đó, đề nghị nghiên cứu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cụ thể:
Đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ: Thực hiện giảm 100% thuế thu nhập của năm 2023, giảm 100% thuế giá trị gia tăng phải đóng cho 4 quý tiếp theo đến hết ngày 30.6.2024… Mức giảm này chỉ áp dụng cho doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì mức lao động trung bình của 6 tháng đầu năm 2023 bằng hoặc ở mức trung bình của năm 2022. Doanh nghiệp cam kết tiếp tục sử dụng lao động ở mức trung bình này tới hết kỳ miễn giảm thuế. Đồng thời, giãn nộp thuế thu nhập cá nhân của năm 2023 tới 30.9.2024 cho toàn bộ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Còn đối với các doanh nghiệp vừa: Giảm 50% thuế thu nhập của năm 2023, giảm 50% thuế giá trị gia tăng phải đóng cho 4 quý tiếp theo (tức là giảm đến hết ngày 30.6.2024). Mức giảm này chỉ áp dụng cho doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì mức lao động trung bình của 6 tháng đầu năm 2023 bằng hoặc ở mức trung bình của năm 2022. Doanh nghiệp cam kết tiếp tục sử dụng lao động ở mức trung bình này tới hết kỳ miễn giảm thuế.
Thứ ba, giảm kiểm tra và xử phạt để doanh nghiệp có thời gian tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo hạn chế kiểm tra, rà soát doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để các doanh nghiệp tập trung tổ chức lại sản xuất, đào tạo nhân sự và phát triển sản phẩm/dịch vụ, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Lý giải về đề xuất này, đại biểu cho rằng, thực tế có nhiều doanh nghiệp phản ánh, chỉ tính riêng trong năm 2022 (doanh nghiệp vừa “sống sót” sau mấy năm gần như phải đóng cửa do dịch Covid-19 theo yêu cầu của Chính phủ) mà có tới 4 - 5 lần kiểm tra… “Việc kiểm tra có thể đúng về mặt pháp luật, nhưng về đạo lý sẽ tạo sức ép cho các doanh nghiệp, không thể hiện được vai trò thúc đẩy, hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay”, đại biểu phân tích thêm.
Cũng theo đại biểu Thái Thị An Chung, thay vì kiểm tra, kiểm soát thì các bộ, cơ quan ngang bộ cần tập trung vào công nghệ hóa các hệ thống báo cáo để doanh nghiệp có thể thực hiện nhanh chóng, dễ dàng và không tăng thêm chi phí. Đơn cử, như chi phí hóa đơn điện tử phải được cơ quan thuế phê duyệt, hóa đơn điện tử phải xuất ngay trong ngày;… hay như các chữ ký số (token thuế, token bảo hiểm) cũng là một phần tăng chi phí cho doanh nghiệp, tăng thời gian nhân sự làm báo cáo.
“Bên cạnh đó, xem xét giảm thiểu các thủ tục hành chính, giảm các loại báo cáo để doanh nghiệp có thời gian tập trung vào các vấn đề nội tại. Không xử phạt doanh nghiệp khi thiếu các báo cáo hành chính (ví dụ như báo cáo về tình hình sử dụng hóa đơn hàng tháng/quý, báo cáo sử dụng lao động 6 tháng…). Đồng thời, cũng cần tăng cường đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn, thay vì kiểm tra và xử phạt”, đại biểu Thái Thị An Chung đề xuất.