Tiếp tục tìm kiếm thị trường bền vững cho sầu riêng Việt

Với mức tăng bình quân 25% mỗi năm, sầu riêng đang có mức tăng trưởng diện tích vùng trồng cao nhất trong các loại cây trồng chủ lực. Đồng thời, sầu riêng cũng là loại trái cây lọt vào danh sách xuất khẩu tỷ đô nhanh nhất. Liệu đây có thể là một bài học về mô hình xuất khẩu tiêu biểu cho các loại nông sản Việt hay không? Câu chuyện về trái sầu riêng đã được các đại biểu chất vấn và tranh luận sôi nổi với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sáng 21/8.

Ghi nhận thực tế tại nhiều tỉnh ĐBSCL và Tây Nguyên, một bộ phận nông dân đang chuyển nhanh sang trồng sầu riêng. Diện tích trồng sầu riêng tăng nóng từ 32.000ha lên hơn 150.000ha chỉ trong vòng 5 năm. Tuy giá trị thu về cao hơn nhưng vẫn còn đó nỗi lo về giá cả bấp bênh mỗi vụ.

Đại biểu từ Bình Phước nêu 1 thực tế: Giá thu mua sầu riêng có mã vùng trồng và sầu riêng không có mã vùng trồng hiện không có sự khác biệt. Đồng nghĩa với việc chưa phát huy được hiệu quả kinh tế của các nông sản đã được xác định mã vùng trồng.

Trả lời băn khoăn này, Bộ trưởng khẳng định, cần kiên định với các chính sách xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu bền vững cho sầu riêng có mã vùng trồng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng chia sẻ một thông tin nóng hổi là trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đầu tuần này, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đã được ký kết. Nghị định thư thứ 2 này với Trung Quốc sẽ tiếp tục là “cánh cửa” mở ra cơ hội tăng trưởng bền vững cho thương hiệu sầu riêng Việt.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/tiep-tuc-tim-kiem-thi-truong-ben-vung-cho-sau-rieng-viet-233204.htm