Tiếp tục triển khai công tác quản lý di tích lịch sử-văn hóa đền Dâu, đền Quán Cháo theo quy định

Sáng 29/7, UBND thành phố Tam Điệp tổ chức hội nghị tiếp tục triển khai công tác quản lý di tích lịch sử-văn hóa đền Dâu, đền Quán Cháo theo quy định.

Đồng chí Bùi Thành Đông, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Tam Điệp phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Bùi Thành Đông, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Tam Điệp phát biểu tại hội nghị.

Dự hội nghị có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ngành, cơ quan, đơn vị; đại biểu Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo Hội Khoa học-Lịch sử tỉnh; lãnh đạo các phường, xã trên địa bàn thành phố Tam Điệp và đại biểu Ban quản lý di tích lịch sử-văn hóa đền Dâu, đền Quán Cháo.

Đền Dâu được xây dựng trước năm 1592, trên địa bàn phường Nam Sơn; đền Quán Cháo được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, nằm trên địa bàn phường Tây Sơn. Di tích đã được xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh năm 2009.

Từ năm 2023 trở về trước, công tác quản lý hoạt động, việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ do Tổ dân phố Lý Nhân (phường Yên Bình) vẫn còn những bất cập, chưa đảm bảo theo quy định.

Từ tháng 1/2024, UBND thành phố Tam Điệp đã ban hành quyết định thành lập Ban quản lý mỗi di tích 16 người, do đồng chí Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố kiêm nhiệm làm Trưởng ban. Công tác quản lý di tích lịch sử - văn hóa đền Dâu, đền Quán Cháo theo mô hình mới đã được thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, đảm bảo quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn của địa phương, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở; được cử tri và Nhân dân thành phố đánh giá cao, nhất là nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của đa số cán bộ, đảng viên và Nhân dân phường Yên Bình.

Đến nay, các hoạt động quản lý di tích đền Dâu, đền Quán Cháo đã bước đầu thực hiện theo quy chế hoạt động của Ban quản lý di tích và nhận được sự đồng thuận của cán bộ và Nhân dân thành phố.

Tuy nhiên, việc quản lý di tích lịch sử-văn hóa đền Dâu, đền Quán Cháo còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc triển khai một số nội dung quản lý di tích chưa có sự phối hợp, hợp tác của Tổ trực đền, không theo sự chỉ đạo của Ban quản lý và UBND thành phố. Chưa ban hành được quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế trực đền, quy chế hoạt động của Tổ bảo vệ. Nguồn thu từ các khoản tài trợ, công đức, dầu nhang chưa được quản lý tập trung theo quy định tại Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính…

Kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Thành Đông, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Tam Điệp khẳng định: Tất cả các tài liệu lịch sử, ý kiến của các nhà văn hóa đều khẳng định hai ngôi đền có từ rất lâu, gắn với mảnh đất Đồng Giao-Tam Điệp; do Nhân dân vùng đất Tam Điệp gây dựng nên; là tài sản văn hóa tinh thần của Nhân dân Tam Điệp nên việc thờ phụng, trông coi phải do Nhân dân Tam Điệp thực hiện.

Quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố Tam Điệp là: Ban Quản lý di tích lịch sử - văn hóa đền Dâu, đền Quán Cháo khẩn trương bổ sung, sửa đổi Quy chế quản lý di tích, hoàn thiện ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ, Quy chế hoạt động của Tổ trực đền trong đầu tháng 8/2024; trong đó, thống nhất quản lý chung các khoản tài trợ, công đức, đóng góp, dầu nhang...

Đồng thời, quy định cụ thể việc sử dụng phần lớn các khoản công đức chi đầu tư, sửa chữa, tôn tạo, còn lại chi cho các hoạt động nhằm phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của di tích và một phần dành cho hỗ trợ trực đền, chi phúc lợi, vệ sinh môi trường... đảm bảo đúng quy định và phù hợp với điều kiện thực tiễn. Thực hiện việc sắp xếp bố trí hòm công đức, hộp đựng tiền dầu nhang đảm bảo mỹ quan và tính tôn nghiêm, linh thiêng của di tích...

Tiến Minh - Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tiep-tuc-trien-khai-cong-tac-quan-ly-di-tich-lich-su-van-hoa/d2024072916470821.htm